top of page

Alice Diệu Kỳ của tôi

Thật là một dịp đặc biệt. Vốn tôi đã bắt đầu dự án từ lâu, đã hơn hai năm trước (giờ đang là 2023). Bản thân tác phẩm có dung lượng không lớn và câu cú cũng không phức tạp, nhưng nhiều lý do khách quan và vài hành trình khác trong đời đã khiến tôi bị phân tán sự tập trung dành cho nó, chưa kể một lần do sơ suất mà bị mất một nửa thành quả công việc, may mà đam mê đủ lớn để thúc đẩy bản thân đi được tới đích.

Alice Cover Web.jpg

Dù về hình thức, đây “chỉ” là một câu chuyện văn học dành cho thiếu nhi được kể ngắn gọn hàng đêm để kích thích trí tưởng tượng và óc tổng hợp của trẻ, thì về nội hàm, đây là một tác phẩm mà nếu dùng từ vĩ đại để nói về nó, thì cũng không quá lời, bởi vì sức ảnh hưởng cực kì sâu rộng của nó trong nhiều ngành nghệ thuật và lên nhiều nghệ sĩ xuất chúng, trong đó có Thầy của các Thầy tôi, Văn Hào Vladimir Nabokov.

Là vậy nên khá lạ lùng khi mãi cho đến nay chưa có một bản dịch đàng hoàng cho nó. Ở trên thị trường có vài bản dịch gọi là chấp nhận được, tương đối sát ý và có thể hiện sự tra cứu thêm từ phía dịch giả, nhưng tôi cho rằng chỉ như thế thì không đủ. Chưa kể, các bản dịch này đều mắc một lỗi mà tôi rất ghét: viết lại đa phần câu cú theo kiểu văn của Việt Nam hòng giúp độc giả dễ tiếp nhận hơn. Tôi cho là việc ấy vi phạm đạo đức nghề nghiệp: cho dù văn tài của anh có cao hơn cả tác giả, thì một khi đã chọn dịch tác phẩm của người ta, bắt buộc phải tôn trọng chất xám ở mức cao nhất có thể: dụng ý khi dùng cái từ ấy, cái ngữ pháp ấy, cái cấu trúc ấy, bởi vì chúng thể hiện phong cách, và linh hồn của họ. Tôi bản thân là một người ngạo mạn, nhưng nếu có ai đó thể hiện rằng mình có một linh hồn khác biệt, thì tôi rất tôn trọng, tinh thần nó là vậy.

Vậy nên, để nói về bản dịch của mình, tôi sẽ mượn lời của chính Cụ Nabokov thời trẻ: “không phải bản dịch đầu tiên, nhưng là bản dịch tốt nhất”.

Bản của tôi tốt ngay từ việc dịch tên, không hiểu vì lý do gì mà trước giờ các bản dịch tiếng Việt đều bỏ mất từ “những”, rồi lại còn “thần tiên” các kiểu. Thứ nhất, bản thân mỗi chương trong tác phẩm đã là một câu chuyện nhỏ, một chuyến phiêu lưu nho nhỏ, có cấu trúc ba phần rõ ràng, hợp lại với nhau thành một câu chuyện lớn với không một chi tiết thừa. Tác giả đã để là “Adventures” số nhiều, thì cứ thế mà dịch ra thôi. Thứ hai, “Wonderland” không phải là “xứ thần tiên”, chẳng có thần và tiên nào ở đó cả, đó là một xứ diệu kỳ nếu không muốn nói là kỳ dị, được sinh ra từ trí tưởng tượng phong phú của Alice dựa trên những hình ảnh thực tế sống động rất liên quan đến nếp sinh hoạt mà cô đang sống trong đó, của quý tộc thời Victoria.

Nhưng cái tốt quan trọng nhất của bản tôi dịch là phần chú giải. Tác phẩm Alice có tầm vóc vĩ đại là vì ẩn chứa trong câu chuyện vô nghĩa ngỡ như là được viết trong một cơn phê thuốc phiện đó là một khối lượng rất lớn những siêu liên kết đến toán logic, ngôn ngữ học, văn hóa, lịch sử, phản biện triết học, châm biếm chính trị và thậm chí là đến cả đời tư của tác giả. Nếu chỉ là dịch lại tác phẩm cho mọi người đọc qua thì thực ra ai có trình độ Anh ngữ cỡ tôi trở lên đều làm được cả, mà thế thì nói làm gì.

Lợi thế rất lớn của tôi ở chỗ, về cơ bản tôi có rất nhiều nét gần gũi với tác giả: là đàn ông, mê toán, mê chơi đùa ngôn ngữ, mê lịch sử, khoái chọc ngoáy kiểu thâm nho, và mê gái, những phẩm chất mà các dịch giả đi trước không thể có, vì căn bản họ thuộc giới nữ.

Điều quan trọng tiếp theo, tôi điên. Thời buổi này, chỉ vài phút đồng hồ người ta có thể kiếm cả đống tiền thì chắc cũng phải điên lắm mới dành ra cả đống thời gian làm một việc mà thành quả của nó có lẽ cũng chẳng mấy ai thèm quan tâm nữa.

Cũng như Cụ Nabokov, tôi cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tác phẩm.

Thực ra thì cái lần đầu tôi được gặp bé Alice là ở trường mầm non, trong một căn buồng phủ rèm tối cho mát, qua màn ảnh một cái đầu truyền hình màu nho nhỏ do vị phụ mẫu giàu có nào đó đóng góp. Đúng rồi đấy, nó mang không khí như lúc Alice rơi xuống hang thỏ, và một thế giới mở ra. Đấy có lẽ là lần đầu tiên tôi biết mê gái là gì, vì trước đấy thì tôi rất ghét bọn nó: õng ẹo và giả tạo để tư lợi. Alice trong phim ấy chỉ là một cô bé con, tất nhiên vẫn có vài điểm đáng ghét cố hữu của bọn gái, nhưng là một cô bé rất có cốt cách, có một nét gì đó rất kiểu phụ nữ được giáo dục tử tế (mà sau này tôi mới vỡ ra do cô là con nhà quý tộc), cô rất thẳng thắn, đầy lòng can đảm, và trí tò mò thì không ai bằng. Cô dấn thân vào những chuyến phiêu lưu kì lạ, và nhờ đó mà trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Để rồi cô tỉnh dậy, nhận ra mình vẫn mới là một bé gái nhỏ. Trí tưởng tượng mới mạnh mẽ làm sao!

Một hình tượng phụ nữ như vậy thì người đàn ông nào chả mê!

Từ giây phút đó, và rất lâu về sau, tôi loay hoay đi tìm một hình bóng đáng yêu như thế nhưng liên tục thất bại, và đã đi đến kết luận là: làm quái gì có, để rồi Em xuất hiện, chứng minh rằng tôi sai toét…

Thực ra thì, như đoạn cuối lúc chị của Alice ngẫm nghĩ về cô ấy, chúng ta có lẽ ai cũng từng có một Alice trong mình, chỉ là, ai giữ lại được những phẩm chất ấy trước giông gió cuộc đời thôi.

Ngọc Ảnh

Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page