Ngọc Ảnh Viện
Cha Chúa
Vì quá yêu hai Cha con nhà Corleone, vì lòng ngưỡng mộ vô cùng đối với ngài Puzo và ngài Coppola, tôi bắt tay ngay vào việc dịch The Godfather (tạm dịch: Cha Chúa) và khả năng cao kèm luôn bản dịch kịch bản phim phần I + II kèm với bình chú từng cảnh một. Nói chung việc thì nhiều nhưng có lẽ sẽ nhanh vì tôi vốn đã thuộc nằm lòng mọi thứ. Đây chắc chắn là dự án gây nhiều tranh cãi, nên tôi cần cẩn trọng lên kế hoạch đưa sản phẩm đến tay đúng người.
Sở dĩ tôi không định dịch kịch bản phần III vì trước hết phần đó kiểu như là "hậu truyện" hay là "vĩ thanh" bôi bôi ra tí ; và quan trọng hơn, chính ngài Coppola định hướng ban đầu đây là phim bộ sóng đôi, phần trước về Cha, phần sau về con, con sánh với Cha thế nào, Cha để lại di sản lẫn nghiệp quả cho con ra sao. Rất gọn gàng.

Về bản dịch của Ngọc Thứ Lang, dù tôn trọng công sức của bác nhưng quan điểm tôi thì tốt nhất nó nên yên nghỉ vĩnh viễn, vì đấy chỉ là một bản phóng tác phong cách giang hồ xóm cải lương Hồng Công sai sót bét tè lè nhè, chả lộ ra được tí nào cái chất của "Cha Chúa" cả.
Cái chất ấy nó đàn ông, sang trọng, nồng nàn, nhưng điềm tĩnh và sắc bén. Thực ra thì một nhân vật như vậy rất khó tồn tại trong thực tế, kể cả đấy có là Ba tôi. Dù cho rất thiên vị thì tôi cho là Ông chỉ mới hơi tiệm cận đẳng cấp đó, cũng không phải vì bản thân Ông kém, mà chỉ vì căn tính dân tộc bủa vây Ông bí bách quá thôi.
Sợ thật, tôi say mê xem The Godfather cùng Ba và cả Mẹ từ khi còn rất nhỏ và tất nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ngài Corleone Cha, và kết quả thì sao, vận luôn vào đời. Tính ra tự nhiên lại thấy Raskolnikov vẫn còn tầm thường chán, à thôi không nói nữa mất công các em trẻ trâu lại loạn cào cào.
À, nay tôi cũng mới rõ gia đình nhà Corleone được dựa sát theo anh em nhà Karamazov của Cụ Dostoevsky, thảo nào quen quen, không còn cách nào khác đành đọc bản tiếng Anh vậy.
Với vô vàn tình cảm,
Ngọc Ảnh