Ai Éo
- Ngọc Ảnh
- 11 thg 8, 2023
- 6 phút đọc
Hồi trẻ thì thú thật tôi yêu nước cũng hơi cuồng, đến mức đôi lúc đã nghĩ rằng chẳng việc gì mình phải học cho được ngoại ngữ nào (ngoài tiếng Nga) cả.
Lý do cho việc ấy cũng giản dị. Hai bên Nội Ngoại tôi tuy đều quý tộc nghèo nhưng được cái nếp tôn vinh ăn học chữ nghĩa về căn bản cũng có thể tính vào diện trội hơn mặt bằng chung, nên tự nhiên từ bé là chúng tôi đã được học về cụ này giỏi, cụ kia ngầu, cụ nọ kinh dị. Sống như thế mà trong tim không trỗi dậy một niềm tự hào khôn tả kể cũng lạ, chưa kể ngó sang nước Nhật mà mình có kha khá tình cảm thì thấy, (dân) họ có thèm học ngoại ngữ quái đâu mà vẫn ngon lành, nên đâm ra dù có điều kiện học hành ngoại ngữ thì tôi hồi trẻ cũng không cố luyện cho tới nơi tới chốn, mà vì thế, suýt nữa thì tự tay bóp mình.

Làm gì làm, mỗi người Vượt phải có cho mình một ngoại ngữ, tiếng gì cũng được, nhưng nên ưu tiên tiếng Anh và tiếng Trung, vì mấy nhẽ:
Tiếng Hán-Việt mà ta đang dùng đã tạm đứng lại, tính từ lúc giải phóng đến nay, đã gần tròn 50 năm. Thế nào là đứng lại? Là việc thứ tiếng ấy không sinh ra được từ mới, ngữ nghĩa mới, diễn văn mới. Khi một thứ tiếng đứng lại nghĩa là trong từng ấy thời gian người dân của nó không hề có sự tiếp thu và phát kiến mới về mặt trí tuệ. Xảy ra chuyện này đơn giản là do thứ dân ấy sống trên đời không có (nhiều) nỗ lực: bởi vì có lao động gian khổ mới đẩy con người ta đến chỗ tìm tòi, có tìm tòi mới có thắc mắc, có thắc mắc mới dẫn đến suy nghĩ, nghĩ mãi, cho ra giải pháp và sáng tạo. Những giải pháp, sáng tạo, định nghĩa mới được sinh ra tất nhiên cần trường từ vựng mới, và thế là ngôn ngữ phát triển.
Ví dụ tuyệt vời cho chuyện này là chính tiếng Anh, một thứ tiếng có cái nền từ vựng hỗn tạp mượn chồng chéo từ nhiều ngôn ngữ hàng xóm khác nhau; hay tiếng Trung, thứ tiếng kì dị với vô số từ đồng âm nhưng cũng trong từng ấy năm tuy đã sinh ra cả vạn từ mới nhưng vẫn không loạn nhờ tựa vào bộ Hán Tự tùy biến siêu việt. Hiện thời nền văn hoá Anh, Trung đang nắm đầu 2 cực thế giới như thế nào, chúng ta đều rõ.
Ngược lại, tiếng Hán-Việt bị què thì người cần dùng nó (ở bậc cao) cũng cụt. Các bạn có lẽ cũng khó hiểu dân khoa học cao đẳng (những người thực sự kiến tạo xã hội) ở xứ Vượt bị tù bí tài liệu bằng tiếng Mẹ đẻ đến cỡ nào. Ngay từ trường phổ thông chia chuyên khoa là sách vở đã rất không hay lại còn rất hiếm; thế thì phải dựa vào thầy cô, mà thầy cô (tạm nói quanh miền Nam) thì, xin lỗi, đa số là dốt: họ đã giảng một cái định nghĩa như con vẹt rồi thì ta đòi họ giải quyết một vấn đề mới bất kì chỉ dựa theo bản chất sao được.
Để giải quyết chuyện thiếu thốn về nguồn lực tri thức này không phải cứ cho nhà khoa học đi học ngoại ngữ để đọc tài liệu nước ngoài là xong triệt để. Bí mật sức mạnh của bất kì một nền khoa học lớn nào hóa ra vẫn nằm ở chỗ...cái cách sống trước nay của dân tộc, sống như thế nào thì tư duy ra thế ấy. Một dân tộc quen cảnh khắc nghiệt sống nay chết mai đương nhiên phải liên tục suy nghĩ đến mức nề nếp in cả vào gene di truyền. Một dân tộc quen cảnh vươn tay ra là có chuối ăn thì, thôi nói tới đây được rồi.
Có là nhà khoa học xuất chúng đi nữa mà không thực sự sống trong hơi thở văn hoá của ngoại ngữ đó thì cũng vẫn chỉ là đồ "siêu nhái" thôi. Chuyện nhẽ không cần bàn thêm về trường hợp của người thường. Tuy nhiên, như đã phân tích, tiếng Hán Việt đã bị chững lại rồi nên người Vượt kiểu gì cũng phải ráng bổ sung tư duy bằng ngoại ngữ.
Để kể, tôi từng có một người thầy Toán già, không thuộc loại giỏi chuyên môn lắm, nhưng cũng kịp để lại một điều răn quyết định:
"Cái gọi là ngữ pháp tiếng Việt mà con học trước giờ, là biên ra từ ngữ pháp tiếng Pháp. Tiếng Việt mình tùy tiện lắm. Cái tùy tiện đó sẽ gọi là cái uyển chuyển, nếu có Hán Tự chống lưng."
Sau bao năm thì giờ lời răn đó lại ùa về. Tôi, nhờ có luyện thành Ai-eo (IELTS) tiếng Anh (vì dễ và gần tiếng Pháp) và HSK tiếng Trung (vì gần tiếng Hán-Việt) mà cuộc đời cũng trở nên khác hẳn.
Ở đây không tâng bốc Ai-eo hay là HSK mà là đi ghi nhận những tác dụng của chúng.
Ai-eo gì thì gì vẫn là bộ quy chuẩn đánh giá năng lực sử dụng Anh ngữ trong HỌC THUẬT, nên bản thân nó có khó, toàn diện cũng như thực dụng hơn các loại bộ đánh giá khác là chuyện dễ hiểu. Học Ai-eo thì thật ra cũng chẳng khác mấy học dự bị đại học Anh ngữ, nghĩa là học tư duy kèm Anh ngữ, và phong cách tư duy của Anh ngữ, nên về cơ bản Ai-eo khó được tiếp cận bởi đại chúng. Thứ nhất, học phí Ai-eo đắt, thú thực thì khi học theo chuẩn Ai-eo tôi có cảm giác được học về quy cách tư duy còn nhiều hơn cả 12 năm phổ thông trước đó cộng lại; và thực tế việc giảng dạy của tôi cũng cho thấy bất kể già trẻ zai gái đã học thi được Ai-eo mà điểm trên trung bình chút thì đều trở thành một con người khá là khác. Một chương trình tốt như thế (của Hội Đồng Anh hay của Úc, mấy trung tâm tào lao dạy gà công nghiệp thôi) tất nhiên phải đắt, vì nó thực dụng.
Cũng chính vì Ai-eo thực chất là một dạng đào tạo đường lối tư duy trá hình kèm ngôn ngữ nên thật ra ai có một nền tư duy mạnh ngay từ đầu lại éo phải tốn nhiều tiền của và công sức cho nó làm gì, học lấy từ vựng là đủ. Ví dụ tôi đi, không qua bất kì lớp luyện thi Ai-eo nào và thực tế cũng không cầm sách ngoại văn lên đọc nhiều đến thế đâu, chưa đến 15 cuốn, thì kĩ năng đọc Ai-eo vẫn trên 8 phẩy phà phà. Thành công đó là nhờ kĩ năng đọc qua hàng chục năm chứ không nhờ được dạy Ai-eo. Kĩ năng nghe thì cũng chỉ toàn xem phim đủ loại kèm phụ đề tiếng Anh, vẫn kết quả đấy. Kĩ năng viết và nói thì muốn lấy tới bao nhiêu điểm thì lấy, tại lười, và cũng vì tôi thấy rằng dung lượng phần kiểm tra của chúng không đủ cho người ta thể hiện năng lực, mà dễ thiên lệch sang các thể loại mẫu mã luyện thi như vẹt.
Việc này không nhằm để khoe khoang tôi thiên tài hay gì, mà muốn nói tới việc cả xã hội chạy theo Ai-eo thì lỗi đâu có nằm ở bản thân nó. Ai bảo xả xã hội không biết tư duy làm chi để rồi phải chi tiền nhờ người ta dạy cho lại từ đầu.
Bây giờ về HSK, thực ra tôi cũng không dám chém gió nhiều vì trình độ mới đâu đó tầm 4.5, nghĩa là vẫn còn cỡ...thiếu nhi. Thực tế ở các nước cùng chịu ảnh hưởng Trung Văn thì việc một sinh viên đại học không đọc được nhật báo là chuyện hết sức bình thường. Ở Nhật, thậm chí hàng năm còn tổ chức một cuộc thi hiểu biết Hán Tự quy mô rất lớn, mà ai đạt thứ hạng cao trong đó đều có tương lai rộng mở hơn hẳn người khác. Điều này có nghĩa là dù có biết tiếng Trung ở mức độ khá thì bạn vẫn không thể dễ dàng nghiên cứu mở rộng hay là chuyên sâu thêm, vì rào cản ký tự ngữ nghĩa có độ khó rất cao. Chuyện này vô tình cũng khiến tiếng Trung khó phổ dụng hơn tiếng Anh một chút. Để nói, chỉ vì chưa phiên dịch được tiếng Trung thuần thục mà tôi mất cơ hội đầu quân vào công ty gia công game thuộc hàng đệ nhất xứ Vượt-đi-Nam đấy.
Tuy nhiên, như tôi thường nói, khi lòng đã muốn thì không gì là không làm được và không gì là không có tác dụng. Trong một thế giới dần chia hai phe rất rõ ràng thì việc bạn nắm được sức mạnh của cả đôi bên chỉ khiến bạn nổi bật hơn người. Việc hơn người có vui không thì tôi không biết nhưng chắc chắn đỡ thấy đau khổ hơn. Ai éo chịu cố gắng thì chấp nhận bị bỏ lại. Vậy thôi.
Ngọc Ảnh
Commentaires