Bản Năng Chống Đối
- Ngọc Ảnh
- 16 thg 9, 2023
- 4 phút đọc
Đã cập nhật: 25 thg 9, 2023
Có một sự khác biệt rất cơ bản giữa những dân tộc lớn với các dân tộc nhỏ là khả năng nói cụm từ mào đầu: “Sẽ là gì nếu…?” (What if?). Dân tộc lớn luôn “What if?”, đơn giản vì họ có bản lĩnh cao lớn. Bản lĩnh cao lớn thì làm gì mà chẳng thành toàn, trở ngại lớn cỡ nào mà chẳng dám đương đầu, sự tình lạ cỡ nào mà chẳng có cách tìm hiểu và giải quyết, ngại gì không “What if?” ? Ngược lại, câu cửa miệng của dân tộc nhỏ sẽ là “Không!/ Thôi!/ Lỡ!/” (No!), đơn giản vì năng lực không có gì nên cứ thế vô thức tựa mình vào bản năng chống đối đầy độc hại.

Như tôi thường nói, bản năng của kẻ mạnh là chấp nhận và chiến đấu, bản năng của kẻ yếu là chống đối và trốn chạy. Chuyện này dễ hiểu, nó có căn nguyên sâu xa là phương cách thỏa mãn “cảm thức về sự an toàn”, mà đã được tôi mô tả và phân tích trong “Tâm Thần Ký” và “Khổ Dục”. Kẻ mạnh tạo ra sự an toàn cho chính mình, trong khi kẻ yếu mong cầu và ảo tưởng về nó.
Chính cái cảm thức về sự an toàn này đã sinh ra một cơ chế tâm lý tự động cho phép ý chí một người lập tức đề kháng lại bất cứ ý niệm ngoại lai lạ lẫm nào tìm cách xâm lấn, càng lạ lẫm khỏi bộ thông tin sẵn có thì sự đề kháng lại càng mạnh mẽ. Sự chống đối đầy tính bản năng này lâu dần thành thói sẽ hóa thành tính bảo thủ, khiến cho một cá nhân chịu sự ảnh hưởng của nó lại càng thu mình khỏi thế giới, để rồi kết quả là kẻ ấy không trau dồi được gì mới và tư duy mãi mãi bị kẹt lại trong những đường lối cũ.
Khi một con người bị kẹt lại trong quá khứ của chính mình quá lâu thì bản tính tự ti, vốn đã có sẵn trong bất kì tâm hồn nào, sẽ lại tăng nặng thêm. Những ẩn ức về sự kém cỏi của bản thân trước người xung quanh, trước thế giới, chỉ khiến “bệnh” nhân sở hữu nó bị què quặt mất dương tính; và rồi như một cách tiện lợi để trốn chạy khỏi việc tự căm ghét và hủy hoại chính mình, “bệnh” nhân sẽ dội nguồn năng lượng tiêu cực đó lên môi trường xung quanh: phán xét ngầm, hơn thua, trịch thượng, hòng vớt vát lại một ảo tưởng về chân giá trị của bản thân. Có một sự thật rất dễ thấy là kẻ ở vị thế nửa mùa mới lại hay khoe khoang và so đo tính đếm; chứ người đã đứng ở tầm cao đích thực trông xuống thì họ lại chẳng chấp nhặt những chuyện đó bao giờ.
Phía chịu hậu quả của loại bản năng chống đối này mạnh mẽ nhất tất nhiên là nữ giới. Độc giả đã đọc qua bộ ba Tư Duy Luận (đặc biệt là Phần 1 - giải thích và Phần 3 - ví dụ) sẽ hiểu ngay rằng, về bản chất, họ buộc phải có một bức tường bảo - thủ như thế để phòng vệ bản thân trước thế giới và...trước đàn ông. Thế giới luôn tàn nhẫn với nữ giới, vì họ yếu đuối, xinh đẹp, và đầy cảm xúc nên rất dễ bị lợi dụng. Tuy nhiên, đối tượng tàn ác với nữ giới nhất lại chính là bản thân họ. Họ quá hiểu nhau, đặc biệt là về những điểm yếu, gì chứ, ganh ghét đấu đá cùng đối tượng mà mình nắm trong lòng bàn tay lại chẳng dễ dàng hơn nhiều việc lao ra “bên ngoài” đang sẵn có biết mấy hiểm họa kia sao?
Câu hỏi đặt ra là, một dân tộc mà bản năng chống đối được thể hiện rất rõ ràng trong đường nét tính cách thì sẽ như thế nào? Thì sẽ giống một nhóm phụ nữ độc hại: ngoài mặt thì giả lả thảo mai thương yêu nhau nhưng bên trong thì ngấm ngầm tị hiềm nhau. Một tập thể như vậy sẽ không thể kết đoàn vì đơn giản là mỗi thành viên không có khả năng gạt được cái tôi giả trá sang một bên để mà hiểu cho đối phương, hòng xây đắp nên quan hệ bền vững chung nhau tư tưởng. Tư tưởng chung mới là thứ làm cho một tập thể, một cộng đồng hay một dân tộc trở nên mạnh mẽ, nó là thứ đầu tiên hết đề kháng lại những xâm lược ngoại lai bất kể đó có là ai và đó có là gì.
Nên là, độ “mạnh” / “yếu” của một đối tượng thực ra không có gì khó luận cả, ta chỉ việc xem xét bản năng chống đối của đối tượng ấy được bộc lộ ra thường xuyên đến mức nào thôi.
Cách giải quyết nó? Tôi đã để sẵn câu trả lời trong Ngọc Ảnh Viện.
Ngọc Ảnh
Comments