top of page

Cao Đẹp

Đã cập nhật: 15 thg 8, 2023

Thực tình thì tôi không biết lấy tiêu đề gì cho bài viết bình luận truyện ngắn "Vụ Bê Bối ở xứ Bohemia" ngoài cụm từ đơn giản hàm súc trên. Rất hi vọng là bạn đã đọc truyện ít nhất một lần, vì như thế sẽ càng hiểu hơn cụm từ ấy được dành cho và chỉ cho ai.


Người đó là Irene Adler, mãi mãi là Nàng, không ai ngoài Nàng. Tôi, một Sherlockian chính hiệu, tất nhiên là đã xem qua vô số phiên bản Irene Adler, thì rốt cuộc bản gốc vẫn đem lại một cảm xúc đặc biệt hơn cả.



Tại sao, tại vì Nàng là người duy nhất không bê bối.


Nói qua một chút, các bản dịch cũ truyện này đều dùng từ "tai tiếng" khi dịch từ "scandal" trong tên truyện, rất sai, vì chẳng có ai phải chịu tai tiếng cả. Nếu có thì người đó trước hết phải là chính bản thân Adler, vì đơn giản là nữ giới luôn phải chịu thiệt thòi như thế. Nói ngắn gọn thì tiếng Anh xưa có hẳn một từ "spinster" để chỉ phụ nữ (hơi) quá lứa chưa chồng đấy.


Bắt buộc phải dịch là "bê bối".


Bê bối nhất tất nhiên là ông nhà Vua, kẻ hiểu chưa trọn tình cũ của mình, mà từ đó bày ra đủ trò hèn kém làm phiền Nàng. Nói chung là vừa vào thì Ngài Doyle đã mô tả bật lên cái tính sĩ diện hão của ông ta một cách cực kì khéo: quần áo thì màu mè, trang sức thì thô thiển, lối hành xử thì sến sẩm, trịch thượng. Được ở chỗ, ông này có lẽ là cũng có yêu Nàng, vẫn thường nhắc đến cô với ý tốt, chỉ trừ vụ "đẳng cấp" rất chối. Thứ nhất, nếu đã phải khư khư lấy cái đẳng cấp thì từ đầu đừng động vào con gái người ta. Thứ hai, đã yêu thật lòng thì cả giang sơn còn vứt bỏ được chứ sá gì dăm ba cái "đẳng cấp". Thế mà rồi, dù mãi ra vẻ ân ân ái ái, thì cái ông Vua này vẫn sai người chặn đường Nàng để lục soát, thuê kẻ trộm đột nhập phá tung nhà, thậm chí còn liên hệ cả đặc vụ đệ nhất nước Anh truy lùng giúp lấy lại chỉ một tấm ảnh chụp chung giữa ông ta và Nàng. Kết luận lại là thứ ti tiện không đáng mặt đàn ông.


Từ đó mà ông ta khiến Sherlock Holmes bạn tôi bị mất phẩm giá theo.


Holmes dù tuyệt vời, ít nhất là theo lời của Watson, thì rốt lại, trong chuyện này anh vô tình thành kẻ hỗ trợ cho quân áp bức bắt nạt. Ở Holmes có một lòng nhiệt thành vì "sự thật", tuy nhiên cũng vì đam mê mà khá nhiều lúc anh bị lệch đi. Trong vụ này thì rõ ràng là anh chơi xấu Adler rồi, dù cô ấy chẳng làm gì nên tội. Chính anh đã tự vả vào triết lý "vừa thấy vừa quan sát" của bản thân hồi đầu truyện. Anh biết gần như mọi thông tin có thể có, nhưng cái cao quý nhất, phẩm cách của cô, thì anh chẳng biết, chẳng "observe" gì cho đến tận lúc nhận được thư người để lại. Đó là khoảnh khắc thuộc hàng kinh điển nhất trong đời người cũng như trong văn chương, Sherlock Holmes không những hoàn toàn bị đánh bại, mà còn bị đả kích nặng nề về nhân phẩm. Thì, tâm ý người phụ nữ cao đẹp đến như thế, mà mình đó giờ hiểu lầm rồi cứ liên tục giở mưu ma chước quỷ ra ép uổng, thì mình không phải loại phản diện kém cỏi thì là loại gì.


Các bạn nên đặc biệt chú ý mấy chi tiết nhỏ nhưng cực kì quan trọng, ngoài chuyện Holmes đưa ra nhận xét Adler nằm ở đẳng cấp khác so với nhà Vua, thì anh còn từ chối cái bắt tay cuối cùng của ông ta. Anh không nói, nhưng ta hiểu khoảnh khắc ấy Holmes giận dữ và buồn đến nhường nào. Anh đã bỏ lỡ cơ hội được kết giao với một trí tuệ ngang tầm hiếm hoi, mà người đó lại còn thuộc nữ giới, phái mà anh vẫn thường cười vào trí óc của họ.


Holmes giữ lấy tấm ảnh của Adler, không phải để nhìn thấy một bóng hình yêu thương tình cảm hay gì. Đấy thuần túy là hành động thể hiện sự ngưỡng mộ, cũng như sự hối lỗi, tự răn chính bản thân mình về cách nhìn nhận một con người. Trong bối cảnh truyện này thì anh đã lừng danh từ trước, và đấy, từ đó mà sự ngạo mạn đã nuốt chửng anh, khiến anh hành động không còn hoàn hảo như Watson giới thiệu đi giới thiệu lại. Vâng, có là thiên tài đi nữa cũng sai sót tùm lum, rất người, rất đời.


Ở đây sẽ là vô cùng thiếu sót khi không nhắc đến người chồng Norton của Adler. Đúng nghĩa "đôi lứa xứng đôi". Anh chồng ngoài học cao (luật sư), đẹp trai, thì còn nhiều sự nhạy bén và cảm thông khác. Truyện không nói rõ nhưng ta hoàn toàn có thể hiểu nhờ có ai mà Adler biết về Sherlock Holmes từ trước đó mấy tháng, nghĩa là chính sở trường tình báo đã đập lại lưng vị thám tử tài ba trước cả khi anh tiến hành vụ việc. Để cặp đôi mới cưới có thể thành toàn một kế hoạch né tránh nhuần nhuyễn mau lẹ như vậy, dĩ nhiên bí mật cần phải được phơi bày ra sớm. Nếu Adler không thổ lộ rõ ràng thì không thể nào Norton cùng lên và chạy theo kế hoạch như vậy được, nên nhớ dù tài năng và giàu có ra sao thì đời nào việc thay đổi môi trường sống cũng rất không dễ, nó cần phải có sự chuẩn bị lâu dài. Muốn chuẩn bị lâu dài thì phải biết lý do xác đáng. Từ đó ta ngộ ra, giữa Norton và Adler không có gì bí mật cả. Một chuyện tình vô cùng đáng ngưỡng mộ mà không cần mô tả nhiều, chỉ cần cái nền là anh Holmes bạn tôi tưởng ngon nhưng bị quay như dế...


Và như vậy thì bài bình luận cũng đủ rồi, ta kết lại tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong những truyện tuyệt hảo sắp tới.

Comentarios


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page