top of page

Chiến Tranh và Hòa Bình

Quan điểm là thế này, kể cả có là kẻ mong cầu hòa bình nhất, thì về bản chất, đó vẫn là một tay “hiếu chiến”, vì đơn giản nếu hòa bình đã sẵn có ngay từ đầu, thì mong cầu nó làm gì? Chính cái bản năng mong cầu sẵn có trong mỗi cá thể sinh vật sẽ dẫn đến sự “đấu, tranh, giành, giật”, vì đơn giản là nguồn lực không bao giờ được chia đều. Một thế giới có nguồn lực được chia đều thì đó là một thế giới chết, vì chẳng còn sinh vật gì cần vận động, phát triển lên: chúng chỉ việc giống nhau, rồi cứ thế phè ra mà hưởng. Thế giới vĩnh viễn cần chiến tranh cũng tương tự như nó vĩnh viễn cần hòa bình. Chiến tranh là phương cách để có được hòa bình và hòa bình là động lực cho chiến tranh.



Hòa bình đích thực là gì nếu không phải là một tình trạng mà ở đó, mọi bên tham gia đều có quyền được bình đẳng với nhau, và có đủ bản lĩnh để đòi hỏi quyền bình đẳng cho bản thân.


Thế giới này, nơi đâu có hòa bình đích thực?


Loài người vốn dĩ là loài vật ích kỉ. Trải qua một lịch sử giành giật quá dài thì cuối cùng con người đã chiến thắng, giành lấy gần hết Trái Đất trù phú về tay mình. Làm gì có ai thấy vậy lại đi đòi quyền bình đẳng cho động vật, và, động vật liệu có cần và liệu còn đáng “được bình đẳng” với con người hay không?


Cái hòa bình đầy ảo tưởng giữa các loài vật Trái Đất thực ra chỉ là kết quả từ sự thỏa hiệp, yếu hèn, chịu đựng, thiếu hợp tác của vô số các loài động vật ngoài con người. Các loài vật đã không chọn đấu tranh từ những năm tháng con người vẫn còn yếu nhược và ít ỏi, thì giờ chúng phải trả giá, không còn đường nào cứu vãn.


Từ đầu, voi, và sư tử, và cọp, và gấu, và rất nhiều các con khác mạnh mẽ gấp bội con người, lẽ ra đã có thể họp lại và phát động chiến dịch tiêu diệt toàn bộ cái giống loài tham tàn mất dạy ấy, để thế giới được cân bằng. Tuy nhiên, thứ nhất là vì chúng quá khác biệt khỏi nhau, không trò chuyện hợp tác được với nhau; thứ hai, quan trọng hơn, chúng quá ngạo mạn với sức mạnh của bản thân mà không chịu phát triển thêm, đặc biệt trong khả năng sinh đẻ. “Mãnh hổ nan địch quần người”. Đẻ nhiều, đẻ nhanh là những khả năng trực tiếp mở ra cho loài người sức mạnh quân số vô địch thiên hạ, có sức mạnh này, chúng muốn làm gì cũng được: từ cướp giết bạo lực, cho đến đưa dân chúng bành trướng lấn lướt lãnh thổ, nhưng đáng kể nhất là khả năng tự cung tự cấp nguồn lực hậu cần, đánh nhau mà có hậu cần mạnh thì khả năng thắng trận đã hơn quá nửa. Lần đầu tiên Trái Đất được chứng kiến sự ra đời của một vị thần chiến tranh: loài người, loài đã nâng tầm nghệ thuật giành giật, chiếm hữu và áp đặt tình trạng ngụy hòa bình lên một tầm cao mới.


Hoàn toàn đè bẹp những người anh em sinh vật trong tự nhiên, loài người để sống tiếp cần phải quay sang chiến nhau, có chăng là vì quá hiểu nhau nên cần phải sáng tạo ra được các hình thức mới để tiêu diệt đối thủ sao cho hiệu quả. Để làm được việc ấy thì trước hết phải hiểu cốt lõi của việc tổ chức chiến tranh hiệu quả là gì: thống nhất về nguồn lực và thống nhất về tư tưởng. Đơn giản, có nguồn đồ ăn đều đặn thì có sức đánh lâu, có sự ngầm hiểu giống nhau thì tác chiến với số quân cực lớn được đồng bộ và hiệu quả. Vậy, từ hiểu biết này, chiến tranh kinh tế và chiến tranh văn hóa được sáng tạo ra, những cuộc chiến tranh không tổn thất nhân mạng nhưng hậu quả thì khôn lường, vì chúng khiến cho cái tình trạng hòa bình trong thực tế chỉ còn tồn tại trên lớp vỏ bóng bẩy.


Chiến tranh kinh tế là chiến tranh thôn tính thị trường, hay nói đơn giản hơn là thôn tính lu gạo nhà nạn nhân. Nạn nhân nhìn thì tưởng tự do muốn ăn lúc nào thì vươn tay ra xúc, nhưng thực tế phải nhìn mặt mũi, phải xin phép kẻ nắm giữ cái lu muốn mở hay đóng nắp đậy. Một thủ đoạn đơn giản và kinh điển của chiến tranh kinh tế là cắt cử lực lượng “Tư Bẩn Cô Ca x Cô La” bành trướng khắp nơi với các lời hứa hão huyền hòng chiếm sạch các nguồn lực quan trọng.


Chiến tranh văn hóa là chiến tranh có tính chất ôn hòa thôn tính tâm trí. Con người thực ra khác nhau nhất không phải ở mái tóc, màu da, hay dòng máu, mà là ở lối sống và nếp nghĩ. Không có lối sống và nếp nghĩ thì con người sống trên đời chẳng khác gì những con tàu không neo lang bạt vô định. Cho những con tàu bảng lảng ấy một ánh đèn dẫn đường, thu hút chúng về cùng phe, tạo ra một lực lượng sẵn sàng chiến đấu vì mình mà không cần phải tốn nguồn lực nào để nuôi dưỡng, thì đó là việc của cao thủ trong các cao thủ, mà đôi khi ta hay gọi bằng mỹ từ như “triết gia”, hay là “nhà tư tưởng”.


Lẽ tự nhiên, quốc gia nào có khả năng nhuần nhuyễn cả ba nghệ thuật chiến tranh đã nêu: truyền thống, kinh tế, văn hóa, thì sẽ có khả năng rất cao là kẻ chiến thắng sau cùng. Hiện tại vừa hay có đủ ba thế lực trội hẳn lên đang dò dẫm từng nước của nhau trên bàn cờ chính trị, mà tôi không nêu tên để độc giả có được cái thú trong việc suy xét. Quan sát cuộc chiến vừa cân não vừa cân bằng này mới là thú vị, còn các việc tranh đoạt nhỏ nhen hèn mọn ngoài kia cứ kệ chúng đi.


Đời cứ đủ đẳng hãy đi tranh đoạt, còn thấp kém thì biết ý đoàn kết lại mà sống, biết đâu chờ được ngày cao lớn hơn?


Ngọc Ảnh

Comments


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page