Chủ Nghĩa Tam Giáo - Mác
- Đặng Viễn Chinh
- 14 thg 4, 2024
- 10 phút đọc
Đã cập nhật: 4 thg 8, 2024
Ngày nay, triết gia thực tế đã trở thành một nghề vô dụng, Các Mác của phương Tây và ba vị Khổng – Phật – Lão của phương Đông dường như đã giải quyết xong toàn bộ các vấn đề từ muôn năm trước: quy luật vận động của vũ trụ là gì, cách thức kiện toàn bộ máy chính trị, kinh tế vận hành ra sao, hay đến cả chủ đề bé mọn như làm thế nào thoát khỏi khủng hoảng hiện sinh, định danh bản thân trên đời thế nào, sống làm sao cho hòa hợp với người khác giới, v...v...thực ra đều có câu trả lời. Việc còn lại của triết gia, nếu có, là thống nhất nền triết học của cả hai bờ thế giới lại thành một thể duy nhất, bài viết dưới đây là một nỗ lực như vậy.

Để làm được việc ấy, ta chỉ cần trả lời đúng một câu hỏi: "Điểm chung nhau của Tam Giáo Khổng - Phật - Lão và triết học Các Mác là gì?" Mà cũng chính cái điểm chung này đã đưa hai nền triết học xuất chúng quy về một mối, rồi lên tới đỉnh cao, để quần chúng không cần quá cố gắng đẻ ra một nhà tư tưởng mới làm gì cho mệt nữa, chỉ việc hiêu hiểu Đạo và sống vui thôi? Câu trả lời là "tính ngoại quan", hay nói cho rõ hơn là "cái cá tính ưu tiên chọn lựa điểm nhìn ngoại quan hòng đưa các đầu mối tư duy ra khỏi phạm vi hẹp hòi của suy nghĩ nội quan". Nói vui, nhờ cái cá tính triết học này mà con người biết quên đi một phần bản thân để vị tha, từ chỗ vị tha mà con người vượt được lên trên mọi bè lũ súc vật.
Một trong những nỗ lực hề hước nhất của khoa học xã hội trong mấy chục năm gần đây là cố gắng chia rẽ thế giới ra làm các phần rạch ròi, mà ta có thể thấy rất rõ qua ví dụ hệ thống lọc MBTI: người sống nội giao (introversion) và người sống ngoại giao (extraversion), người lắng nghe trực giác chủ quan (intuition) và người tiếp thụ thông tin (tiếp thu - hấp thụ/sensing), người tư duy (thinking) và người cảm nhận (feeling), người xét đoán (judging) và người lãnh ngộ (perceiving). Tào lao. Thực ra nếu ta nhìn kĩ vào bản chất thì dù có theo MBTI đi nữa, tâm lý con người vẫn chỉ chia làm đúng hai nửa: nội quan và ngoại quan. Nghệ thuật vĩ đại nhất của việc sống là giữ cho cái tâm của mình nằm ở điểm chạm của hai thế giới này, vì nếu nhìn lệch về phía nào thì cũng dở hơi cả.
Lẽ tất nhiên, thế giới nội quan của Ma Đạo 50,15 là an toàn và dễ chịu hơn đối với nhân loại. Con người về cơ bản không được quá trình tiến hóa lập trình khả năng liên tục chấp nhận và hòa mình vào sự thay đổi không ngừng của ngoại quan, bởi vì với bộ não bẩm sinh lậm quá sâu vào việc tự huyễn, thì như thế nghĩa là họ "đang đặt bản thân vào tình trạng nguy hiểm nơi thế giới chưa biết", nghĩa là họ cần phải khẩn cấp quay về với mọi nẻo sống quen thuộc, và chống đối lại bất cứ thứ gì mới đến từ thế giới bên ngoài bất luận đúng sai. Nói đơn giản, “nhân chi sơ, tính vị kỉ”, đẻ ra ai cũng như ai thôi, cũng đều nhăm nhăm vì mình trước.
Tuy nhiên, cũng chính cái kiểu tư duy tự "cho mình là trên hết" này lại mang đến lợi ích rất lớn trong quản trị: nếu ai đó khéo cài đặt những tư tưởng cùng những tập quán tốt đẹp/xấu xa vào trí óc của cá thể người bất kì trước tuổi 30, thì gần như chắc chắn cá thể người ấy sẽ sống cùng toàn bộ những sự tốt đẹp/xấu xa ấy đến hết phần đời còn lại, như một con rô-bốt bán tự chủ. Có khả năng điều khiển cả một đội quân rô-bốt bán tự chủ mà mình nắm đường lối tư duy của chúng trong lòng bàn tay, há chẳng tuyệt vời sao?
Ở đây, nếu bạn đủ tinh, sẽ thấy ngay sức mạnh và vai trò của Khổng Giáo trong hệ thống triết học phương Đông. Khổng Giáo quả thực nghiêm khắc, và ở một số thời đại nhất định, để phù hợp với nhu cầu cấp thiết của giai cấp cầm quyền thì nó trở nên hà khắc, ví dụ như đường lối quan điểm phải bảo bọc và kìm hãm phụ nữ (như là một nguồn lực quốc gia) một cách cực đoan, chẳng hạn. Dù sao đi nữa, ta không thể phủ nhận rằng hệ thống giáo lý của Khổng Giáo có tính thực dụng rất cao: từ rất sớm nó đã đưa người học vào khuôn khổ phải biết hướng cái nhìn bản thân mình ra, để biết sống làm sao cho có lý, có tình, có trật tự với thế giới ngoại quan (ví dụ mối quan hệ giữa cá nhân với quốc gia, với cha mẹ, với con cái, v...v...), trong khi tự giữ lấy cho thật vững hệ giá trị nội quan của bản thân trên cơ sở: sống cuối cùng là để trở thành một người đáng kính (có danh vị) trong xã hội. Lại nhớ, các triết gia Tây phương trước thời Mác, đến tận thế kỉ 19 họ vẫn còn loay hoay nghĩ rằng cuộc đời là vô nghĩa, để rồi kéo mọi người sa đà vào chủ nghĩa hư vô khiến cả đám trở nên vô dụng và lẩn thẩn, thì từ hơn 2000 năm trước, Đức Khổng Tử đã đề ra cả một hệ tư tưởng gán luôn cho thân phận con người hàng đống ý nghĩa và giá trị, để trực tiếp giải luôn câu đố hóc búa, rằng: "làm thế nào để ngăn chặn con người trở thành những cái xác không hồn của Ma Đạo 50,15?".
Vấn đề là, con người dù có đặt mình trong hệ thống lề lối chặt chẽ khắc kỉ kiểu như Khổng Giáo vẫn thường xuyên không có được hạnh phúc đích thực. Lý do thì đơn giản, vì họ đã bỏ qua việc thực sự nhìn vào sâu trong nội quan bản thân, để hiểu ra mình thực sự là ai trên cuộc đời này, nếu phải cởi bỏ hết những tấm áo trách nhiệm của vai trò này vai trò nọ mà xã hội liên tục áp đặt lên.
Con người nếu hướng sự chú ý ra ngoài nhiều quá, chỉ biết mải miết tiếp nhận hiểu biết từ thiên hạ, mà quên mất việc nhìn sâu vào trong để tự vấn, tư biện nhằm cân bằng lại, thì sớm muộn gì họ cũng sẽ rơi vào hoang mang mà đánh mất thân tâm chính mình, và đấy tất nhiên là điều kiện tuyệt vời để họ rơi vào vòng xoáy của những ẩn ức ích kỷ thuộc về bản năng cố hữu của mọi loài động vật: "ta sống cho đi như vậy là đã đủ, ta giờ là kẻ có danh có vị, đã đến lúc đặc quyền đặc lợi thuộc về ta!".
Đó chính xác là cái bi kịch vĩnh cửu của nhân loại, khi mà đến thời điểm ai đó chuẩn bị thành Người (thành toàn cái Đức Nhân như ý tưởng mà Khổng Tử đề đạt) thì cái phần con vật trong kẻ đó lại nổi lên và chiếm quyền kiểm soát. Chuyện này không có gì lạ, một người sống theo khuôn khổ không có nghĩa là kẻ ấy đồng thời diệt đi con vật ở trong mình: nó vẫn mãi ở đấy thôi, trong cái buồng giam của tư tưởng, đợi chờ ngày cá nhân ấy yếu lòng cắm chìa vào lỗ khóa cửa ngục.
Chính ở chỗ này, ta cần sức mạnh của Phật - Lão Đạo, những tông giáo với chủ thuyết xoay quanh “sự tập trung vào những gì cần thiết”, chứ không phải “sự buông bỏ”, như quần chúng vẫn lầm tưởng.
Nếu chỉ nhìn sơ lược vào bề ngoài, ta thấy Phật Giáo và Lão Giáo không là gì ngoài những triết thuyết của sự lười biếng, tránh né, và thậm chí còn đi ngược lại lý, lẽ, lề, lối của đạo Khổng: Phật dường như nói: "Thôi buông cả đi, dính chấp với chúng chi cho khổ, cà lèng cà tèng đời cho gì hưởng nấy, bớt tham, diệt ngã, nào!", trong khi Lão Tử dường như lẩm bẩm những điều mơ hồ: "Vũ trụ nó là thế này, là một bà Má Má, cách sống của bà ấy ngẫu nhiên như vầy nè, thuận theo đi, cưỡng bách vô ích, việc xảy ra thì hẵng làm, đừng áp đặt ý chí của mình hòng tạo ra việc mà làm việc!".
Dễ thấy, Đạo Khổng tạo ra cả một đống giềng mối ràng buộc để con người neo vào, thậm chí trói mình vào, chỉ để đến lúc khi mà những mâu thuẫn nội tại trong tâm trí con người lên đến đỉnh điểm, Phật - Lão hai vị lại hiện ra và nói: "Nhảm, ngắt hết đi!". Rất ư mâu thuẫn. Thế thì làm sao lý luận của cả 3 vị lại thống nhất được với nhau để rồi trở thành 3 cột trụ tư tưởng của một nửa thế giới suốt mấy nghìn năm?
Ta hãy cùng dừng lại một chút để đứng hầu bữa cơm giữa 3 Người ở thế giới bên kia. Phật ngồi ở giữa, hai vị Khổng, Lão ngồi hai bên.
Khổng Tử nói: “Theo lời Lão huynh, vũ trụ là bất định và ngẫu nhiên, nếu ta cưỡng ép nó theo chiều này, tất nó sẽ vận hành theo chiều ngược lại, nghe rất giống lý thuyết Cơ Học Lượng Tử hiện đại. Vậy thì đệ đồng ý rằng ta nên thuận theo dòng sông cuộc sống, nó thế nào thì ta tùy biến thế ấy. Ta không làm, nhưng nếu như vậy không gì là không làm, nhưng đệ cũng nghĩ rằng, con người có đủ bản lĩnh, thì cứ để họ nắn dòng sông phục vụ ý chí của mình, như vậy chẳng hơn sao? Phật huynh, ý kiến huynh thế nào?”
Phật nói: “Lão đệ tư tưởng có nhiều cái phóng khoáng hơn người, bản tính từ đầu đã không thích định chết cứng danh mình trên đời như cái cách Khổng đệ, hay đạo Hin-đu đề ra. Đệ ấy thích ngao du để nhìn thiên nhiên mà ngộ ra chân lý, thấy được chân lý thì cứ tùy đó mà sống, đó là điểm ta và đệ ấy giống nhau. Khổng đệ tư tưởng có nhiều cái nghiêm cẩn hơn người, bản tính thích trật tự, nề nếp, nên nhiều năm nỗ lực quan sát xã hội mà ngộ ra quy luật, từ quy luật mà bày ra phép tắc lễ nghĩa để con người hành động theo mà hướng thiện. Chỗ tư duy này, ta và Khổng đệ cũng lại không khác nhau. Thực tế thì Lão đệ đặt điểm nhìn của mình vào cái cách con người và bà Mẹ Vũ Trụ tương tác qua lại, còn Khổng đệ đặc biệt chú ý cách con người sống với nhau mà tạo ra một thế giới rất riêng của họ với quy luật vận động phần thì phản kháng, nhiều phần lại quy thuận luật lệ Vũ Trụ. Tư tưởng của hai đệ, nhìn qua thì tương khắc, ngẫm sâu thấy tương sinh. Khiêm tốn mà nói, ta đã vô tình một mình thống nhất cả hai dòng tư duy ấy, nhưng cũng không vì thế mà chúng sinh chỉ theo ta không theo các đệ, đường lối của Khổng Tử đặc biệt phù hợp cho giáo hóa người trẻ, đường lối của Lão Tử đặc biệt phù hợp cho những người đã có bản lĩnh cứng cáp cần những đột phá mới về nhận thức để tìm lấy sự an yên, tránh sa đà vào ảo tưởng của tâm ma, thứ mà ta tất nhiên từng phải rất vất vả mới vượt qua được. Nếu thời trẻ ta có được cái nền luận thuyết như các đệ lập thành, có lẽ đã bớt đi được rất nhiều gian khó.”
Lão Tử nói: “Tính ta tự kỉ ít nói, biểu đạt nhiều khi không được rõ ý. Ta không biết nói gì hơn là ta đồng thuận với các anh em. À, Các Mác đến kia rồi, nào, vào đây.”
Các Mác vừa đến, nói: “Kính chào các ngài, thứ lỗi cho tôi, đường Đông Du xa xôi hiểm trở, vài trăm năm nỗ lực không ngừng, nhờ biết bao nhà khoa học khác chỉ đường cho mới đến được.”
Không phải tự nhiên mà Các Mác, dù xuất phát muộn hơn rất nhiều, vẫn kịp để lại dấu ấn sâu đậm của mình trong nền triết học thế giới, đặc biệt ở phương Đông nơi mà đã có sẵn 3 cột trụ tư tưởng, chính bởi tính tương hợp, cũng như tính cập nhật trong lý luận.
Thứ nhất, tự bản thân chủ nghĩa Cộng Sản của Mác thực ra cũng là một triết thuyết hướng về lý tưởng Đại Đồng vốn đã được chính Khổng Tử bàn luận trong Lễ Ký.
Thứ hai, những hiểu biết rất quan trọng về chủ nghĩa Tư Bản thực ra tự chúng gián tiếp là những hiểu biết quan trọng về tâm lý con người, và được mô hình hóa bằng toán học thành những biểu đồ, công thức đẹp đẽ. Kinh tế là cuộc sống, hiểu biết kinh tế là hiểu biết cuộc sống. Hướng tới Cộng Sản và thấu hiểu Tư Bản là những đặc tính rất rõ nét của Phật Giáo, nếu như ta đủ hiểu nó.
Thứ ba, không gì khác, chính cái tư duy duy vật biện chứng, với điểm nhìn không bị thiên lệch vào đối tượng nào, không bị quá cụ thể vào một thời điểm lịch sử nào đã khiến cho Các Mác nhìn mọi thứ được sáng sủa, gọn gàng, mà từ đó ngộ ra những chân lý có khi phát biểu ra nghe rất lắt léo nhưng chính xác, giống với phong cách hàm súc của Lão Tử.
Như vậy, một cách kì diệu và ngẫu hứng, ta thấy những hệ tư tưởng có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới từ lúc nào đã quy về một chỗ, nhận lãnh nguồn sáng từ Chân Lý Cuối Cùng, như những tán cây cao cả nhận lãnh dinh dưỡng từ bộ rễ. Việc Giác, Ngộ Đạo lắm khi cũng như vậy, hiếm khi nào ta chú ý ngay được vào gốc, mà trước hết nhìn những hoa và quả, rồi mới theo từng nhánh, tới cành, xuống tới thân, và tập trung giỏi lắm mới lần được đến cội nguồn.
Cách gọi chủ nghĩa Tam Giáo – Mác trong tiếng Việt có một nét nghĩa phụ mang tính hài hước, nhưng không vô nghĩa, ấy là để thể hiện quan điểm: không nhất thiết phải so sánh hơn thua để chọn ra một trường phái triết học duy nhất. Tam Giáo với nhau, và với Mác vẫn có những điểm xung khắc nhưng không đáng kể, trái lại, chúng hợp thể với nhau một cách đẹp đẽ, tôn nhau lên, khiến cho người nghiên cứu tự nhiên sở hữu một bản lĩnh rất cao, tựa như nắm trong tay 3 mũi giáo mác mở toang ra tam quan rõ ràng đẹp đẽ: thế giới quan rộng lớn, giá trị quan thanh cao, nhân sinh quan bao dung.
Người có tam quan vững vàng thì còn sợ gì trên đời này nữa?
Đặng Viễn Chinh
Tháng 04/2024
Comments