Dạy Cha Mẹ
- Ngọc Ảnh
- 26 thg 8, 2023
- 4 phút đọc
Hồi đó tôi có tình cờ xem được một đoạn đối thoại đẫm nước mắt giữa một người mẹ và con gái ở Trung Quốc, về cơ bản thì hai bên rất yêu thương nhau, nhưng giữa họ vẫn đầy rẫy mâu thuẫn khó giải quyết, và chỉ được xử lý phần nào khi người mẹ nói: "Cũng mong con phần nào thông cảm cho ba mẹ, ba mẹ cũng là lần đầu làm ba mẹ thôi."
Nghe đến đấy tôi cũng có chút chấn động, vì cơ bản nền văn minh Trung Hoa, hay đúng ra là Đạo Khổng đã dạy sẵn những lề lói sắp đặt rất hay ho dành cho việc tôn tạo mối lương duyên giữa Cha Mẹ và con cái, thế mà vị phụ huynh trong câu chuyện trên vẫn loay hoay, loay hoay. Tôi mới nhận ra, hình như là thế, hình như xã hội con người chúng ta nói chung vẫn mải quanh quẩn trong các chuyện dạy này, học kia, nhưng việc quan trọng nhất là dạy cách làm cha mẹ thì lại bị bỏ quên, có phải?

Xét một cách khách quan thì tôi thấy ít có "nghề" nào khốn khổ khốn nạn như làm "bậc cha mẹ tốt", cần nhấn mạnh là "bậc cha mẹ tốt", vì làm "cha mẹ xấu" thì giờ dễ òm, đứa nào chả làm được: nghèo cỡ nào cũng vẫn đẻ cả đống được và nuôi được, cứ lăn lộn vào các trại tế bần là biết.
Không tự nhiên mà một ông người Mĩ "bạn" tôi (có 4 bằng tiến sĩ) khi ôm đứa con hiếm muộn trong tay đã nói thế này: "Sự vĩ đại của ta giờ mới bắt đầu. Ta nhất định phải vượt qua cha mình." Ở đây cần biết là cả ông ấy lẫn người cha đều là những kẻ sở hữu bộ óc to lớn, nhưng họ cứ mãi mãi không hiểu được nhau.
Đó là cả một hành trình vô định, dù bên cạnh bạn có sự trợ giúp của một kho dữ liệu khổng lồ tích luỹ sau bao nhiêu năm tháng con người tập tành làm cha mẹ. Việc biết về một nghề và việc thực sự làm nghề ấy là hai chuyện khác hẳn nhau. Ở đây có mấy điểm:
Thứ nhất, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái từ đầu đã tiềm ẩn sự xung khắc vĩ đại. Tại sao? Tại vì các bậc cha mẹ bị ép vào thế phải đối diện với bản sao của chính mình. Mình muốn nó giống tính mình hay khác tính mình? Mình muốn nó kém mình để dễ bảo hay vượt mình để nó cãi mình nhem nhẻm? Mình muốn nó là nó, sống vui cuộc đời của nó; hay muốn nó là mình phiên bản nhí, làm nốt những giấc mơ dang dở của mình?
Nói cha mẹ đối diện với bản sao của họ cũng không thật chính xác. Khi nuôi nấng dưỡng dục con cái, thì cũng là lúc các bậc sinh thành nhìn lại bản thân mình sâu sắc nhất. Mình từng mong muốn thế nào? Mình làm thế này có sai không? Hồi đó ông bà làm vậy thì sao nhỉ? Mình sẽ làm tốt hơn ông bà chứ? Tinh thần chung là làm cha mẹ cực kì hoang mang và vô định, vốn trên đời đã chẳng có ai biết cách đối diện với chính mình sẽ như thế nào. Bên cạnh đó, "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh", có muốn lắm cũng không thể bê mô hình cha mẹ của nhà khác về cho tiện lợi được, nó còn liên quan đến sĩ diện nữa!
Thứ hai, mang tiếng là sống cùng thời đại nhưng thực ra các bậc sinh thành với máu mủ của mình vẫn là những kẻ thuộc hai dòng thời gian khác hẳn nhau. Một bên thì đã xây dựng xong bản ngã từ một phông văn hóa lạc hậu hơn rồi đứng lại, một bên thì tập tễnh tiến bước trong hơi thở thời đại mới rồi cứ thế tấn tới. Mỗi bên được phơi nhiễm và tạo tác nên trong môi trường tưởng có chút giống nhưng về thực tế là không liên quan, nên cũng từ đây một cuộc chiến tranh giữa quá khứ và hiện tại - tương lai hiển hiện ngay trong tế bào cơ bản nhất cấu thành nên xã hội.
Thứ ba, năng lượng cảm xúc của con người là hữu hạn, trong khi làm cha mẹ đòi hỏi vô cùng nhiều hơn thế. Làm cha mẹ không chỉ là đẻ ra rồi nuôi cơm nuôi canh cho lớn lên là xong, nếu như thế thì con vật nào trên đời này chả làm được? Muốn một cá thể người được lớn lên bình thường, nghĩa là không bị loạn trí, thì phải nuôi nó trong tình yêu và bằng tình yêu. Một con người được sống trong tình yêu thì kẻ ấy mới cảm nhận được, và đầy đủ nhất giá trị của bản thân mình. Con người có ý thức được rõ ràng về vị trí của bản thân trên thế giới này và trong lòng người khác thì con người ấy mới được an vui và được...việc; còn nhược bằng không thì suốt cuộc đời này con người ấy chỉ quẩn quanh những buồn khổ trong tâm trí và rồi sẽ sớm hủy hoại chính mình lẫn người xung quanh mà thôi (xem "Tâm Thần Ký").
Như vậy là ta đã đi qua ba điểm cốt lõi trong việc làm cha mẹ. Rốt cuộc thì không có một mô hình cụ thể nào cho cái "nghề", sẽ không quá lời, nếu nói là quan trọng nhất trong thiên hạ này. Cha mẹ có vững vàng, yên ổn thì con cái mới lành lặn, phát triển, gia đình mới được tròn vẹn. Gia đình có tròn vẹn thì xã hội mới không khuyết thiếu. Xã hội có không khuyết thiếu thì quốc gia mới có điểm tựa để cường thịnh. Dạy cha mẹ, hay thực ra là mỗi bậc cha mẹ tự dạy lấy chính mình: kiểm xét mình, chỉnh sửa mình, nâng cấp mình, có ý nghĩa vĩ đại như vậy.
Ngọc Ảnh
Comments