top of page

Khổ Dục

Đã cập nhật: 16 thg 9, 2023

Có bao giờ bạn đã phải chứng kiến một con người về cơ bản thì rõ là rất thông minh nhưng không hiểu sao cả cuộc đời lại cứ chìm trong một vòng luẩn quẩn mãi mãi của khổ đau? Có người sẽ giải thích: "chắc cái số nó phải thế", có người lại cho là: "có khi tình huống phức tạp quá, không có cách nào khả dĩ". Thực ra, không như mọi người lầm tưởng, đó chỉ (lại) là một trò chơi ảo giác của bộ não, ai cũng có khả năng thoát khỏi khổ đau được hết, đừng có ngụy biện để rồi rốt cuộc lại phải sa đà vào các trò chơi giả dược.



Như trong "Tâm Thần Ký" tôi đã phân tích, con người về bản chất tâm lý chia ra hai niềm khát khao: hoặc là mong mỏi mình thuộc về một cộng đồng nào đó, hoặc là ham muốn chống lại những thứ khác biệt với mình. Hai loại dục vọng này khi thì đồng hành, khi thì đánh lẻ, khiến cho cuộc sống con người trong suốt chặng đường đời thật ra không có gì ngoài sự mệt mỏi.


Vấn đề là thế này, kể cả khi nhận ra được sự thật ấy đi chăng nữa thì rồi con người vẫn nghiện ngập cái sự mệt mỏi và cao nữa là niềm đau đớn đó, hơn là tìm được cách thoát ra. Thật quái dị, một sự quái dị có cái lý tính rất riêng của nó.


Như trong "Nỗi Sợ" hay trong cùng khắp các bài viết khác tôi đã nói, về bản chất, con người chỉ là một loài động vật yếu đuối, yếu từ cơ thể đến tinh thần. (Hầu như) Không có một con người nào được sinh ra cùng sự tự tin và lòng can đảm cả, mà thay vào đó là sự tự ti và lòng e sợ thế giới. Hãy nghĩ, một giống vật bạc nhược từ trong bản năng như vậy thì nó sẽ ám ảnh về điều gì nhất? Đúng vậy, đó là "Sự An Toàn".


Rốt cuộc thì bộ não của con người si đần hơn là ta vẫn tưởng. Cái "Sự An Toàn" mà con người hằng khát khao đã được nó tự định nghĩa ra như sau: "là sự đảm bảo cho việc mình được tiếp tục tồn tại nơi môi trường mà mình đã sống trong rất lâu và trở nên quen thuộc, yeah hah, suy ra Quen Thuộc = An Toàn". Nếu bạn nào tinh ý và đã quen với lý luận của nhà Phật thì đúng rồi, "quen thuộc" chính là "thường hằng" đó.


Không phải tự nhiên nhà Phật lại cứ mải miết nói về việc “chấp nhận sự Vô Thường" của vạn vật, ở đây cần nói rõ ra ý nghĩa thực sự của nó: "chấp nhận mọi sự bất định, sự 'thiếu an toàn' của thế giới này và can đảm sống cùng hay dũng cảm chiến đấu lại chúng." Phải, một giáo lý hàm chứa dương tính rất mạnh, không có chút yếm thế nào. Trước giờ bọn tào lao hay hiểu "chấp nhận sự Vô Thường" có nghĩa là biết thế gian nó như thế, như thế, thì mình cứ an phận để dòng sông cuộc đời cuốn đi, ra sao thì ra. Vớ vẩn. Bản thân việc chấp nhận đã thể hiện một sự chủ động trong tâm tính, bởi vì có chấp nhận mới có bình thản, có bình thản mới có chiến ý, có chiến ý thì mới tự mình lấy được hòa bình cho chính mình; chính cái sự không chấp nhận Vô Thường mới là thụ động, bởi vì như vậy sẽ khư khư bản thân mình đứng yên trong những thường hằng đã cũ và rồi cứ thế cam chịu để chúng cuốn đi.


Để làm rõ thêm thì tôi lấy ví dụ về các "bệnh nhân" của mình cho sinh động. Các bạn nhỏ này thoạt trông thì rất khác nhau, vì “bị” sinh ra trong rất đa dạng các thể loại nền tảng gia đình què cụt gãy đổ, tuy nhiên, các bạn lại có một điểm chung vô cùng nhất quán là gần như hoàn toàn không biết "hưởng sướng" như thế nào, mà còn tỏ ra sợ hãi chính niềm hạnh phúc mà tự mình có thể hoặc được ai đó trao cho; như thể còn chưa đủ khốn khổ, các bạn này lại còn thường xuyên tự mình quay về những nẻo đường ký ức đầy đau đớn ám ảnh và hưởng chúng thêm nhiều lần nữa, đặc biệt khi các bạn chỉ còn có một mình mỗi đêm. Nếu ta thuần túy nhìn vào biểu hiện thì có thể thấy ngay các bạn đã lâm vào cảnh nghiện khổ, rồi từ đó sinh ra hội chứng mà tôi gọi là “Khổ Dục”, nghĩa là trong vô thức không biết mong cầu gì hơn ngoài sự khổ ải cho chính mình.


Giải thích cho căn nguyên của chứng Khổ Dục này rất đơn giản. Về bản chất, bộ não các bạn bệnh nhân, để đề kháng lại hoàn cảnh đầy đớn đau của bản thân mình đã bày ra trò “nghiện kép”. Thứ nhất, bộ não sẽ làm đầu nậu chất gây phê: bơm đủ thứ loại hóc-môn xoa dịu/hưng phấn mỗi khi các bạn lâm vào cảnh kích thích thần kinh mạnh, ví dụ khi bị cha mẹ mắng chửi thậm tệ chẳng hạn. Dần dà trong thời gian từ dài đến rất dài, các bạn bị nghiện luôn cái cảm giác đau rồi được xoa dịu, và sau đó thì không thể sống một đời yên bình được nữa, các bạn sẽ luôn luôn phải đi tìm sự kích thích ở bất kì đâu, như là bị tư bẩn bóc lột, hay là kiếm chuyện cãi cọ với người đầu ấp tay gối của mình chẳng hạn. Thứ hai, nguy hiểm hơn, bộ não với cơ chế quen nhờn nổi tiếng của nó đã tự huyễn mấy cái hoàn cảnh sống chẳng ra gì của các bạn thành "thân thuộc và an toàn". Một loại "an toàn giả hiệu". Nếu nhìn theo góc độ này thì "Hội chứng Stockholm" thực ra không có gì quái đản cả và nhìn theo chiều kích nào đó rộng rãi thì nó còn phổ biến hơn ta tưởng rất nhiều. Từ chỗ mặc định rằng những gì khốn nạn mình từng trải qua là "thân thuộc và an toàn" thì lẽ tất nhiên khi được sống trong một hoàn cảnh mới, môi trường mới đối lập, tốt đẹp hơn thì bộ não các bạn lại vô thức sinh ra cái ảo giác rằng những gì trước mắt là "nguy hiểm", là không thể chịu đựng được mà đi phủ định nó, chống đối nó cật lực, bất kể trong thực tế nó đang mang lại niềm sướng cho các bạn ra sao. Một sự tự nhầm lẫn đầy bi kịch.


Và, nói thẳng thế này, không riêng gì các bệnh nhân dị biệt, thực ra thì ở đời gần như không ai thoát khỏi hội chứng Khổ Dục ấy cả. Con người khi không được dạy dỗ đầy đủ và tròn vẹn về mặt tâm lý từ sớm thì chuyện đầu tiên mà họ làm sẽ là làm đau người xung quanh một cách thích thú, thế mới tài; và tất nhiên, trong cảnh quay cuồng cơm-áo-gạo-tiền tranh-đoạt-diệt thì làm gì có ai đủ thời gian đủ dở hơi đi nhìn lại tâm lý mình và sửa chữa nó để mọi người cùng được sướng ở trong tâm trí?



Để tôi kể chuyện này nghe hài hài. Số là, lúc còn trẻ mới hớn lên bỏ cung điện đi tìm đạo lý của cuộc sống thì Anh tôi có tìm đến chỗ mấy vị Bà La Môn thuộc dòng tu khổ hạnh, nghĩa là tu theo kiểu hành tội bản thân đúng nghĩa đen, ăn ít, nằm gai, trần tờ ruồng giữa giá rét, v...v...hòng ép cho ý niệm và ý chí mình rắn rỏi đến mức vượt lên được trên khổ đau kinh khủng nhất, mà từ đó sẽ coi nhẹ những thể loại khổ đau khác. Anh tôi tuổi trẻ phấn khởi tất nhiên là vào việc ngay, thậm chí ỷ mình còn trẻ khỏe bèn thử hết những trò quái dị nhất. Việc được vài tháng hay sao đó, khi da bụng dính vào da lưng và thập tử nhất sinh rồi thì Anh chợt ngộ ra rằng ba cái trò kiểu này ngoài hành xác và khiến mình nghiện khổ đau ra thì chẳng giải quyết được cái gì cả: khổ đau vẫn cứ còn đấy và rốt cuộc thì mình vẫn cứ phải dính chấp vào nó để vượt qua nó, thật là ngớ ngẩn! Anh reo lên “Aha buddha!”, làm vài ba bát cháo lấy hơi, đứng dậy, bỏ những người Bà La Môn ấy lại như cái cách Anh vừa từ bỏ những khổ đau vô nghĩa, sau đó cũng lâu lâu thì Anh trở thành huyền thoại bất tử mà ta hãy còn ngưỡng mộ đến ngày hôm nay.


Chuyện nghe hài hài nhưng nó thực sự lại vô cùng quan trọng đấy, bởi vì từ đây, Anh Phật tôi đã đại ngộ được một chữ: “KỆ”. Niềm sung sướng vô cùng? Kệ nó. Nỗi đau khổ vô tận? Kệ nó. Điều gì mình cần thì mình chấp vào một lượng ĐỦ dùng, còn lại thì kệ chứ, ngoài kia còn bao nhiêu thứ cần chấp vào, cần GIÁC để làm phong phú thêm sự NGỘ của mình với vũ trụ này mà.


Thôi ta tạm dừng tại đây. Anh Phật tôi sẽ còn xuất hiện trong nhiều hành trình khác để giúp đỡ chúng ta tìm lấy được yên vui đích thực.


Ngọc Ảnh

Comments


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page