top of page

Kinh Tế Ký

Rồi sẽ sớm đến thời điểm mà người ta phải nhìn nhận và tìm hiểu kĩ thứ hội chứng “sự ảo tưởng của nhà kinh doanh”, nhất là ở một xứ mà ngoài mua đi bán lại ra, thì người ta không biết làm gì như Việt Nam. Cái ảo tưởng ấy nguy hiểm ở chỗ, nó khiến cho kẻ chỉ thuần túy làm mậu dịch thực sự nghĩ rằng mình là một thứ gì đấy rất ghê gớm, rất hiểu đời, rất hiểu người, như một nhà kinh tế thực thụ, trong khi bản thân chỉ tham gia vào một công đoạn rất nhỏ của quá trình kinh tế, để rồi từ đó phát biểu nhăng cuội hết ngày này qua tháng khác làm lệch lạc tam quan của quần chúng, mà nổi tiếng nhất có chương trình gì mấy con cá mập lên hẳn truyền hình nói huyên thiên bao năm tháng. Tào lao. Người ta sống và ăn học cả đời để làm nhà kinh tế còn chưa ăn thua nữa, nói chi học dăm ba cái bằng cấp gạo bài là có.



Về cơ bản, kinh tế chẳng phải nghề nghiệp để mà làm, nó là ngành khoa học để nghiên cứu và nghiền ngẫm. Kinh tế là hiểu biết về cuộc sống, hay là bản thân cuộc sống: nó nằm trong từng nhịp thở của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng, nó hiển hiện trong mọi hoạt động tương tác giữa các cấp độ tổ chức xã hội, nếu nhìn theo góc độ sinh học, thì nó chính là hệ sinh thái. Người ta không bao giờ thấy được bản dáng của kinh tế nhưng luôn biết được nó có ở đó và chịu ảnh hưởng của nó, vì chỉ cần đụng chạm thay đổi ở quá trình bất kì nằm đâu đó, là cả một hệ thống sẽ bị thay đổi theo. Chính vì đặc tính này mà kinh tế phải luôn gắn liền với chính trị. Chính trị quản trị kinh tế thì ngược lại kinh tế cũng có khả năng gây ảnh hưởng lớn lên chính trị, vì suy cho cùng, chính trị và kinh tế có chung mục tiêu là tạo ra môi trường đem lại lợi ích tối đa cho đa số.


Để hình tượng hóa cho dễ hiểu, chúng ta hãy thử hình dung mỗi quốc gia là một cơ thể người điển hình. Trong đó, bộ não chính là đầu lĩnh chính trị quản lý toàn bộ các hoạt động sống - kinh tế. Các hệ cơ quan (ví dụ hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch, hệ bài tiết, v...v...) đóng vai trò là các bộ ngành đảm trách các nhiệm vụ được biệt hóa cùng tham gia vào quá trình chính trị - kinh tế nhằm đảm bảo cơ thể được khỏe mạnh, phát triển. Với cách nhìn này, thì tim chính là ngân hàng nhà nước, có vai trò điều tiết chất dinh dưỡng – nguồn lực đến từng khu vực, tùy theo nhu cầu hài hòa và cân bằng, trong khi dòng máu là hình tượng của dòng chảy tài chính. Như một cơ thể bình thường nhất, kinh tế không thể “đóng”, mà phải “mở”, để du nhập các nguồn lực từ bên ngoài mà tự bản thân không thể sinh ra, cũng như phải tự lao động để làm ra sản vật/sản phẩm làm thứ trao đổi để nhận về các nguồn tài nguyên đa dạng phong phú tùy theo nhu cầu của bản thể.


Như vậy, ta có thể nhận ra, cách người ta tìm hiểu về kinh tế sẽ có nét tương đồng với cách người ta tìm hiểu về y khoa: học tổng quát cơ thể, học từng hệ cơ quan, học xem các hệ cơ quan ứng xử như thế nào với nhau, và rồi học chuyên sâu chữa trị cho một bộ phận mà mình giỏi nhất, đam mê nhất. Câu chuyện là như thế. Một nhà kinh tế học bình thường sẽ giống như một bác sĩ bình thường, nghĩa là chỉ có hiểu biết giới hạn về cơ quan/hệ cơ quan chuyên biệt, đụng sang hệ khác sẽ gần như khoanh tay chịu trói. Một nhà kinh tế xuất chúng thì lại như một thần y, nghĩa là tinh thông mọi ngõ ngách của cơ thể, muốn chữa cho phần này được hiệu quả thì phải tác động lên phần khác như thế nào, ra làm sao, có cần ngăn dòng máu không, v...v...đều nắm rõ trong lòng bàn tay.


Kinh tế là vậy, cũng như y khoa, nó đòi hỏi kẻ đi tìm chân lý phải có cả đầu óc phân tích và tổng hợp (rất) mạnh. Nó lại càng yêu cầu người ta phải có khả năng nhận ra những đường biên khiến cho những hệ vận động trở nên khác biệt nhau, cũng như lại phải hiểu thấu bản chất để nhận ra có những thứ tưởng chừng như khác nhau nhưng thực ra lại hoạt động theo cùng đường lối và quy luật.


Ví dụ, hệ kinh tế rừng thì rõ ràng là nhiều khác biệt so với hệ kinh tế đại dương, ta đơn giản là không thể lấy lối sống vùng rừng áp xuống lối sống vùng biển, sẽ loạn hết cả. Tuy nhiên, có những quy luật lại xuất hiện ở cả rừng lẫn biển, ví dụ như quy luật mạnh được yếu thua, quy luật số đông lấn số ít, hay quy luật cân bằng quần thể thông qua vận động không ngừng của chuỗi thức ăn.


Vấn đề nằm ở chỗ, thời nào cũng thế, ngành nào cũng vậy, kẻ kiệt xuất có sức ảnh hưởng đến số đông luôn hiếm, còn bọn tào lao tự huyễn rằng mình có khả năng bao quát như kẻ kiệt xuất thì nhung nhúc.


Tuy nhiên, không như bác sĩ dốt ảo tưởng sức mạnh, cả đời cùng lắm chỉ hại được vài trăm bệnh nhân, những nhà kinh tế dốt nát ăn hên leo được lên một cấp độ quản trị nào đó (sẽ được bàn trong Quản Nhân Ký) sẽ hại cả hàng triệu người suốt nhiều tháng năm. Những sai lầm trong kinh tế đơn giản là sẽ tạo ra những khối ung thư trong cơ thể quốc gia, và như bạn đọc biết rồi, ung thư là một loại bệnh cực kì quái ác vì nó không khiến cho đối tượng bị dính mắc chết ngay, nhưng lại có khả năng bào mòn toàn bộ cơ thể bằng cách phát tán đi những ung nhọt hoại tử vào trong máu.


Kinh tế, cũng như y khoa và chính trị, vĩnh viễn không phải trò đùa, nó buộc phải được giao vào tay người có năng khiếu, và hơn hết, là có một cái “Tâm lợi mình lợi người”; nếu không có nó? Vậy thì hãy ngậm miệng lại, và nhủ rằng mình bất quá cũng chỉ là phường con buôn mà thôi.


Ngọc Ảnh

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page