Lãnh Đạo Thuật - Quản Nhân Ký
- Ngọc Ảnh
- 16 thg 10, 2023
- 5 phút đọc
Đã cập nhật: 29 thg 3
Bí mật của thuật lãnh đạo nằm ở chỗ, bạn không học được nó, bạn hoặc là sinh ra cùng với nó hoặc là không, vậy thôi. Hết. À khoan.

Về bản chất, con người là loài vật có bản năng chống đối khắc sâu vào trong tâm khảm, và cũng là loài vật bẩm sinh ít có khả năng kiểm soát bản thân nhất, vì đã sẵn quá nhiều mối lo truyền đời trong tâm trí. Lãnh đạo một loài vật như vậy thì cần gì ngoài "sức thuyết phục" để áp đảo và chỉ đường dẫn lối?
Cái thứ "sức thuyết phục" này nghe qua thì tưởng chỉ cần có "bản lĩnh", rồi bản lĩnh thì chỉ cần rèn luyện mãi rồi sẽ có? Không đâu.
Thực ra sức thuyết phục sinh ra trước hết từ sự "Giác Ngộ". Cứ hiểu đơn giản thôi: Giác là "tiếp xúc", Ngộ là "hiểu".
Giác Ngộ là tiếp xúc với thông tin, ghi nhớ chúng, thì mới có dữ liệu cho bộ não xử lý để hiểu. Thông tin đã ghi nhớ xong thì gọi là "biết" (cái sự biết). Có hai cấp độ biết: sơ cấp (primary) nghĩa là mình trực tiếp nhìn thấy và "biết" đúng nghĩa đen, thì đấy gọi là "kiến thức"; và thứ cấp (secondary) nghĩa là mình tiếp nhận cái biết gián tiếp qua nguồn nào đó, như "nghe hơi nồi chõ" chẳng hạn, thì gọi là "tri thức". Các bạn tra thêm chữ Hán sẽ hiểu rõ hơn ý tôi.
Xử lý mớ thông tin xong, rút ra được một kết quả nào đấy cho riêng mình, thì đấy là "hiểu"- “Ngộ”. Nó cũng như máy tính, có "input" và "output": nghĩa là "cho vào" để "cho ra". 99.99% thiên hạ chỉ "giác" mà không có "ngộ". Thiên tính của tư duy con người là từ chối suy nghĩ sâu, vì việc ấy cực kì tốn năng lượng não, thời 2 triệu năm trước thì đấy là việc hệ trọng vì thế giới thiếu thốn lương thực đủ đường, thời nay nó vẫn hệ trọng vì con người rửng mỡ ham chơi và ham dục đủ kiểu.
Quan trọng ở chỗ này, phải "giác" đủ nhiều, đủ sâu, và trực tiếp nhất có thể thì mới có chút cơ hội "ngộ" được. Việc Ngộ nó lại tùy vào Ngộ Tính cá nhân nữa, được đi vòng quanh thế giới mắt thấy tai nghe trải nghiệm mà đầu óc bẩm sinh trì độn thì quả rất khó nói.
Quan trọng nữa là cái Duyên cực lớn để có cơ hội "giác", chuyện đó tùy thuộc vào vận mệnh, không có cách nào chối cãi cả; có nỗ lực đến mấy, điều kiện đến đâu mà số nó đã xui thì đành chịu thua. Dù là một kẻ rất ghét những kiến giải tâm linh mơ hồ nhưng tôi cũng phải thừa nhận thực tế là như thế.
Đến đây thì chúng ta thấy được vì sao việc Giác Ngộ lại có ý nghĩa lớn lao đến sự thu hút của một người:
"Giác" nhiều thì kinh nghiệm nhiều, kinh nghiệm nhiều thì khả năng xử lý đa dạng vấn đề hay vấn đề phức tạp sẽ cao hơn. Người mà chuyện gì đến tay cũng xong thì có sức thuyết phục không? Có.
Tương tự, "Ngộ" được sâu đến bản chất thì buông bỏ được hoài nghi, người trong tâm hiếm có hoài nghi thì nhìn việc gì cũng nắm bắt được nhanh chóng rồi cắt đặt mọi thứ được gọn gàng, đơn giản, từ đó bớt được hao tổn tài nguyên và nhân lực. Lãnh đạo hơn nhau đúng ở hai khả năng: tổ chức và ra quyết định, không "Ngộ" thì có làm được hai việc ấy không? Không.
Cuộc đời là gì ngoài chuỗi các vấn đề nối tiếp nhau vĩnh viễn? Ai giỏi giải quyết vấn đề, người đó xứng đáng làm lãnh đạo, một nửa. Nửa còn lại nằm ở khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, và chân thành trân trọng giá trị của họ, đôi khi việc này còn quan trọng hơn cả năng lực chuyên môn của một lãnh đạo. Người ta có thể học mọi thứ từ thuật quản trị, đài từ, đến ngôn ngữ cơ thể diễn ra sao cho hấp dẫn quần chúng cấp dưới, nhưng không ai học được thứ mà mọi người đều tin vào: một tấm lòng chân thật, vì cơ bản, có nó thì đồng nghĩa với việc bản thân phải chịu thiệt thòi trong một thế giới đầy rẫy dối lừa.
Vấn đề là thế này, vốn dĩ lãnh đạo đích thực là ai ngoài người chịu thiệt thòi nhất? Người luôn phải chịu trách nhiệm hầu hết các vấn đề? Người luôn phải đau đầu cân bằng lợi ích nội trị và ngoại giao? Người luôn phải cố gắng thay cả tập thể nhìn trước ngày mai? Cái loại lãnh đạo mà không phải chịu thiệt thòi gì thì đơn giản đấy không phải là lãnh đạo, đấy là bọn tư lợi ăn may ngồi nhầm chỗ nhờ thời thế, thâm niên, hoặc chiêu trò mờ ám nào đó (tìm đọc “Nguyên lý Peter”).
Chúng ta có sẵn sàng tin vào người tuy bản thân đã chịu thiệt đủ đường nhưng vẫn hết lòng hết dạ nghĩ cho người khác? Tất nhiên là có. Cái bí mật của người lãnh đạo xuất chúng, thứ cực hiếm một trường nhân sự nào trên thế giới dạy được, nằm ở việc người lãnh đạo đó đặt mình vào giữa mọi người chứ không phải lên trên mọi người, để làm người đại diện sắp xếp mọi người cùng nhau làm việc hướng đến một lợi ích chung, chứ không phải nắm đầu o ép mọi người đi đến kết cục chỉ có rất ít kẻ được hưởng.
Đến đây, tôi đột nhiên nhớ đến lời của chị trưởng phòng một tập đoàn: “Ở đây thực ra không có ngành nhân sự đâu em, cái mọi người đang làm chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động văn thư máy móc thôi.”
Thực ra thì đối với tôi đó là một sự xác nhận hơn là hiểu biết mới. Người ta cần phải sống đủ lâu để đi làm nhân sự, chứ không phải làm nhân sự để sống. Việc quản nhân không phải là cứ trỏ người này, quát người kia, cắt đặt người nọ, nhận người gần, thải người xa, rồi đánh giá phán xét thành quả này nọ là đêm về có thể kê cao gối ngủ, mà nó là một nghệ thuật sống cao cấp rất gần gũi với chính trị: làm gì làm lợi ích cho đa số là tối đa mà hi sinh là tối thiểu.
Một môi trường mà ngay từ đầu con người đã chẳng nghĩ về nhau, chứ khoan nói đến việc sống vì nhau, thì ngành quản nhân kém cỏi là việc rất bình thường, và với một điều kiện như vậy thì đã lâu không có một lãnh đạo xuất chúng được sinh ra lại càng không lạ.
Ta tạm dừng ở đây.
Ngọc Ảnh
Comments