Cùng Một Lúc
- Ngọc Ảnh
- 24 thg 7, 2023
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 15 thg 8, 2023
Hài, nhây một chút, hỗn độn một chút, thậm chí dơ một chút.
Nếu như sản phẩm phim thương mại của tôi thành hình hài, có lẽ nó sẽ kiểu như thế này: hài, nhây một chút, hỗn độn một chút, thậm chí dơ một chút, tất cả chỉ để che giấu bản thể sâu sắc đích thực của tác giả, mà ai đó có duyên lắm mới được gặp.
Thực lòng cảm ơn bộ đôi Daniels, tôi tin là mình sẽ sớm gặp hai anh ngoài đời, còn trên màn ảnh, hân hạnh được ngồi cùng hai anh.

Rất nhiều người không thấm nổi bộ phim, tôi hiểu. Rất nhiều người khác cố gồng lên để ra cái vẻ thấu tình đạt lý phim cho hợp thời, tôi cũng hiểu nốt.
Bộ phim này, không nghi ngờ gì, thực ra được làm cốt để dân phim xem với nhau. Trong nó là tất cả những gì mà những người làm nên nó yêu thích: hài nhảm, võ thuật, cơ học lượng tử, dụng cụ âm dương, tâm lý học, triết học Khổng-Lão, tình cảm gia đình nhẹ nhàng nhàn nhạt dễ nuốt, tuồng cổ và đôi ba trích đoạn ngôn tình xào nấu hợp thời. Đúng, đọc vào thấy rất dội, thế quái nào cái đống đấy nhét cùng nhau lại ra một cái thứ đủ tầm đoạt giải Phim Tốt Nhất của Oscar?
Tất nhiên là do kỹ thuật làm phim ở tầm rất xuất sắc.
Tôi chưa đọc nhiều bình luận nhưng đoán là trên thế giới các anh em nghiện phim đều đã nhận ra: bộ phim chịu ảnh hưởng cực lớn phong cách làm phim của Thầy tôi, Stanley Kubrick (Ngại quá, nhắc tên Thầy hoài mà chưa chịu khó ngồi phân tích phim nào của Thầy cho tử tế). Bố cục khung hình, cách trượt máy, cắt - chuyển cảnh, âm nhạc dẫn dắt tâm lý, và đặc biệt là dàn-dựng, nhịp phách, frame phủng, tất cả đều rất khó để chê, rất giống và rất xứng đáng với danh hiệu “truyền nhân của Kubrick” (tôi tặng), tất nhiên là vài chỗ có được họ sáng tạo thêm trong cái sự ráng, nhưng về tổng thể, mọi thứ chuẩn như trong sách giáo khoa vậy, sách nào ai muốn biết thì tự mò.
Không hề ngạc nhiên khi đoàn làm phim giành luôn cả giải đạo diễn, và dựng phim xuất sắc nhất. “Dựng” ở đây nó không phải chỉ là ba cái màn kĩ xảo nhìn rất giả và rất ngố tuy chúng rất hợp không khí phim, “dựng” là nghệ thuật điều chỉnh cảm xúc thông qua sắp đặt trật tự frame, vậy thôi, nó là nền tảng căn bản nhất của điện ảnh. Chết cười các trang mạng Việt cứ mải đi tung hô kĩ xảo tự học qua Youtube, không, sự xuất chúng của họ không nằm ở đấy.
Rồi, tất nhiên, để làm được cái việc tôi không ngần ngại gọi là kỳ tích đó thì phải có kịch bản cực kì chắc chắn. Không biết bằng cách thần kì nào nhiều nơi trên thế giới chứ không riêng Việt Nam rất coi thường công tác biên kịch, thực ra thì theo định nghĩa của tôi phải là “biên ảnh”, vì cái việc ấy không chỉ là ngồi bịa ra câu chuyện, tình tiết dựa trên một cái khung công thức đã được công nghiệp hóa từ lâu là xong, mà đấy là nghệ thuật ngồi cụ thể hóa những ý tưởng trong đầu người viết thành một chuỗi các ảnh ảo làm xương sống định hướng cho phim. Người làm phim sau khi có được bản “kế hoạch chi tiết” (kịch bản quay – shooting script) về chuỗi các ảnh đó thì việc dàn dựng gì cũng dễ cả. Nếu ai có cơ duyên làm phim hoạt họa 2D sẽ thấm thía điều này, vì cơ bản, một khi bạn bắt tay vào làm thì cơ hội quay đầu sửa chữa là không cao, vì đơn giản, hình vẽ không có cơ hội diễn đi diễn lại như diễn viên thật hay là mô hình 3D.
Cái kiểu quen thói làm đến đâu sửa đến đấy và coi thường việc biên ảnh tiền kỳ cho chuẩn chỉnh sẽ chỉ khiến cho một nền điện ảnh mãi mãi dặt dẹo mà thôi.
Rồi, quay lại với “Every^2” (tên phim dài quá nên tôi cô lại kiểu này). Không hề ngạc nhiên khi phim giành luôn giải kịch bản gốc xuất sắc nhất. Như ý tôi đã nói, kịch bản ngon lành thì mọi thứ khác rất dễ làm ngon. Câu chuyện phim thực ra chả có gì: chỉ là một hành trình mà các thành viên trong gia đình cố gắng tìm hiểu nhau với cái phông văn hóa tha hương mong manh dễ vỡ. Ở đấy có một ông bố hiền queo trông đùn đụt, một bà mẹ chịu nhiều áp lực nên bẳn tính, một đứa con ở tuổi nổi loạn. Đây chính xác là cái ảnh ảo về châu Á mà Hollywood hay Tây Phương rất thích nhìn: trông cực kì yếu hèn và tạm bợ. Thực ra thì ngay cả lúc đã xem đến 2/3 phim thì tôi cũng chưa thích, thậm chí là có chút chút ác cảm, mấy cái kiểu phim tự nhục thì châu Á đầy mà, tuy nhiên khi xem đến gần cuối và chiêm nghiệm lại thì đã thấy ngay lập tức một luồng ánh sáng khác…
Chính xác, một cảm giác rất cơ học lượng tử. “Every^2”, nếu nói vui, chính là “con mèo của Schrodinger”. Vật lý lượng tử và nghệ thuật giao nhau ở chỗ này: “ánh sáng từ bạn phóng chiếu thế nào, art hiện lên thế ấy”.
Thực ra với cá nhân tôi thì nhân vật Waymond của anh Huy mới là “chính”, nếu không nhìn kĩ vào ảnh, có lẽ tôi cũng thấy phim này như bao người khác. Waymond “chính” vì đơn giản là trong bất kì dòng thời gian nào thì anh ấy cũng yêu thương "cô ấy" như vậy: bao dung, thấu hiểu, nhường nhịn (hay nói đúng ra là không chấp), hòa đồng, và luôn một lòng một dạ đứng sau mặc cho cô ấy hỗn độn tùm lum. Thực ra dưới góc nhìn của Tây phương vốn quen thói tôn sùng nam tính cơ bắp, thì cái kiểu đàn ông như Waymond trông có vẻ ẻo lả, nữ tính, nhưng không, đấy là kiểu nam tính đậm chất triết học Lão-Khổng của Đông phương: khoan hòa, không chấp vào và tách mình ra để nhìn vạn sự được khách quan hơn. Nó cũng chẳng phải kiểu nam tính què quặt an phận đâu, nếu bạn có nghĩ sang hướng đấy, Waymond thực sự rất thông minh, anh ấy để ý tất cả, chấp nhận tất cả. Ở đây nói thêm một chút, Khổng giáo và Lão giáo cực kì bảo vệ nữ giới đấy, hôm nào tôi nói sau.
Nói chung là, nếu bạn chưa từng thực sự sống như Waymond, bạn sẽ không hiểu. Kiểu đàn ông như Waymond là khó tìm và khó luyện ra nhất, nên tất nhiên bị hiểu lầm nhiều nhất, thì đấy, cô vợ ảnh có hiểu quái gì đâu.
Sở dĩ tôi không thích và không xem nhân vật của chị Quỳnh là chính vì đơn giản đó (lại) là một người đàn bà bình thường đến tầm thường, một bà thím tuổi tiền mãn kinh lúc nào cũng chực chờ bốc hỏa và mắng chồng con xơi xơi thì có gì mà xem, chẳng qua được gán vai trò cứu thế giới, cứu con gái vì bản thân...vô tri. À cái chỗ này làm hài hay này, nó là ẩn dụ cho cái đạo Vô Vi của Lão giáo, “không làm nhưng không việc gì là không làm”, ừ thì vì Evelyn vô tri nên không việc gì là không thể tri, nếu chịu khó tu hành, đấy, trong phim tu hành đến độ khai mở con mắt thứ 3 đấy.
Ở một góc nhìn mang tinh thần Đạo sâu hơn thì, khi bạn buông bỏ những chấp niệm về bản thân mình phải là như thế này, phải được như thế kia, thì đấy lại là lúc bạn có thể thành toàn bất cứ điều gì bạn muốn. Chuyện hấp dẫn như vậy thì Evelyn nói riêng và đàn bà nói chung tất nhiên...không làm được, trở lực nằm ở bản năng giới tính. Chuyện bản năng nữ giới thì tôi nói mãi rồi, đàn bà đẻ ra là đã tham muốn những cái mà họ còn không rõ chúng là cái gì, thì ở trong hang suốt mà, biết quái gì, nên từ đó rất khó sống trong hiện tại. Muốn hiểu được cái tinh thần “hiện tại” của cơ học lượng tử hay của chính Lão giáo thì phải trải qua những hành trình gian nan nhờ cơ duyên cực lớn.
Đúng rồi, cả bộ phim cuối cùng chỉ để mô tả cái hành trình tâm linh ấy của người mẹ và con gái mà thôi.
Khuyến mãi thêm cho các bạn một góc nhìn vui: cuối cùng thì cả người mẹ lẫn người con gái đều đắc Đạo, ngầu phết, nhưng mà nên nhớ cái người đắc Đạo ngay từ đầu là người chồng, người cha, còn gì nữa, ảnh dẫn dắt, hỗ trợ, động viên và khai sáng hai mẹ con chứ có tạo thêm vấn đề đâu, thảo nào tên ảnh có Way (Đạo).
Bài hôm nay đã dài và tôi thì đã buồn ngủ, hẹn ta phân tích các chi tiết nhỏ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trong phần 2.
Tạm hết.
Ngọc Ảnh
Comments