Người Không Neo
- Ngọc Ảnh
- 19 thg 9, 2023
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 20 thg 9, 2023
Hồi lâu rồi, có ai đó đã phát biểu rằng phụ nữ có khả năng ngộ Đạo thông qua con đường trực giác mà không cần phải chấp vào ý niệm và lý luận triết học phức tạp (như đàn ông). Cái việc ấy chẳng khác nào nói một con tàu có thể bôn ba khắp chân trời góc bể mà không cần neo mình vào hải trình hoa tiêu vạch ra, hay là vào một chốn an toàn trước những giông tố bất ngờ cả. Tàu mà không neo vào đâu thì là tàu gì ngoài tàu ma, thứ suốt một đời không được tích sự gì ngoài dọa sợ, làm phiền, gây hại đến người khác?

Ta tưởng tượng thế này, tâm trí con người bẩm sinh là xác một con tàu trôi giữa biển đời, không hơn, không kém. Nó thực ra không thuộc về một thứ gì. Nó có thuộc về đại dương ấy không? Không. Nếu có, thì là lúc nó đã chết chìm và hoà mình vào những dòng chảy vô tận của vũ trụ. Nó có thuộc về bầu trời ấy không? Lại càng không. Bầu trời chỉ là biểu tượng về sự tồn tại của một thế giới nào đó nằm ngoài khả năng nhận thức của nó. Nó là gì? Vai trò của nó là gì? Giữa mênh mông này? Một câu hỏi cực khó ngay từ lúc bắt đầu, nhưng không phải là không thể giải đáp. Muốn con tàu tâm trí thực sự "sống", trước hết phải cho nó mấy cái neo để nó tựa vào mà đi tới.
Cái neo đầu tiên hết là neo vào ý niệm, như đường hướng một con tàu neo vào hướng dẫn của người hoa tiêu (hay chính là những người Thầy). Việc biết về một ý niệm và thực dụng nó là hai chuyện khác hẳn nhau. Ví dụ, Danh Dự chẳng hạn, người Việt và người Tàu cùng biết nó, nhưng chỉ có người Tàu dùng nó như la bàn định hướng lối sống và ứng xử của họ. Kết quả dẫn đến thành tựu hai bên chênh lệch nhau thế nào, ta đều đã rõ. Ý niệm thì đi theo bộ; bộ ý niệm quy mô lớn mà nhiều người dùng thì đấy chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là gì nếu không phải công cụ biểu đạt ra dáng hình tư duy? Như vậy, neo mình vào ý niệm đồng nghĩa với việc cho tư duy một điểm tựa đàng hoàng. Tư duy có rõ ràng thì việc làm mới gọn gàng thông thoáng.
Điểm lắt léo nằm ở chỗ, những ý niệm tự thân chúng như những dòng chảy dưới đại dương, có dòng lạnh, có dòng nóng, có dòng hiền hòa, lại cũng có dòng dữ dội. Chúng có thể giúp một con tàu đi được xa hơn, nhanh hơn, nhưng chúng cũng có khả năng nhận chìm nó; việc này chủ yếu tùy vào bản lĩnh, nhưng quan trọng không kém là tùy vào sự "biết mình là ai" của con tàu. Một con tàu nhỏ hoàn toàn có cơ hội sống đời vẻ vang khi đuổi kịp một con tàu lớn nếu nó nhìn ra được những dòng chảy vừa sức mình và nhẫn nại đi theo chúng đến cùng.
Cái neo thứ hai là neo giá trị mình vào các mối quan hệ xung quanh để có bản phóng chiếu tham khảo, hòng xây dựng lòng tin vào bản thân. Nó như việc con tàu cần phải xác định được xem vị trí của mình đang ở đâu trên hải đồ, trước khi màn đêm ập xuống. Việc này rất khó làm cho đúng.
Thực ra, trên hết, con người cần đặc biệt quan tâm mối quan hệ Cha Mẹ - Con Cái thôi, vì nó là khởi đầu cho tất cả. Mối quan hệ ấy có ý nghĩa tương tự như chòm Bắc Đẩu vậy: luôn ở đấy dù có thế nào. 30 năm đầu mong manh dễ vỡ là khoảng thời gian cực kì quan trọng trong việc xây dựng nhân cách một người, khoảng thời gian đó thường thì kẻ ấy ở với cha mẹ mình chứ với ai. Mọi thứ làm nên một con người: tư duy, nếp sống, tình yêu, ứng xử giao tiếp, đều là từ Cha Mẹ và mối quan hệ với Cha Mẹ mà ra. Nhìn con biết ngay cha mẹ, đó là luật. Sau 30 năm thần thánh ấy thì bộ não một người bắt đầu ù lì, không còn nhiều khả năng tự sửa sang cập nhật mới nữa, nên cá nhân tất nhiên sẽ sống hàng thập niên tiếp theo bằng chính con người đã được tạo dựng nên trong những năm tháng cũ. Chính thế, việc cha mẹ phải chịu trách nhiệm về con mình cho đến hết đời là lẽ tất nhiên, hay dở ra sao đều không chối được.
Vậy nên, bẻ cho đứt gãy mối quan hệ cha mẹ - con cái của một người cũng đồng nghĩa với việc đập nát gốc gác của kẻ ấy. Gốc gác của một người có vai trò như ngọn hải đăng vậy, nó cho tâm hồn người ta một chỗ trú an toàn mà bớt đi nhiều hoài nghi về chính mình và thế giới: à đây, có cha mẹ phía sau mình thương yêu ủng hộ; à đây, cha mẹ đã chỉ dạy điều này rồi, mình không sợ. Người sống không có gốc gác thì suốt một đời chỉ có nhăm nhăm chống đối tất cả, rồi tự đưa mình vào các mối khổ dục mà thôi, không khác được. Nên là, tấn công vào nề nếp gia đình là cách tiện lợi nhất để đánh quỵ một cá nhân/một dân tộc, kiểu: này, giáo dục của chúng tôi khai phóng có nhiều trò sống hay ho, đưa con anh chị và tiền đây, chúng tôi lo cho. Cứ như vậy, rốt cuộc chỉ toàn ra lũ "con cưng" phản phé không nhớ được mình là ai, không neo được vào đâu ngoài những kẻ đã chăn dắt chúng. Cha mẹ mà đã giao con cho kẻ khác dạy thì thôi đi, đừng tự nhận mình là cha là mẹ mà đòi hỏi gì nữa, chỉ càng mang nhục thêm.
Một nhẽ, kẻ đã mất hai cái neo: vào ý niệm và vào gia đình thì lẽ tất nhiên sẽ buộc phải neo mình vào...tùm lum thứ, hòng vớt vát lại khoảng rỗng không thôi trong tâm hồn. Để dễ hình dung thì đấy như việc một con tàu khi thì bị cơn gió này, khi thì bị cơn gió kia cuốn đi chỉ vì trông chúng có vẻ "giải quyết được gì đấy" nên neo tạm vào; thì, trước giờ cũng có hải trình gì đâu, được chăng hay chớ.
Trong cái đống mối neo tạm bợ ấy, có tì.nh dục, tư tưởng đi vay, và huyền học là tiện lợi và gây nghiện nhất. Ba món này có điểm chung là cho người ta cái ảo giác tự huyễn rằng mình là một thứ gì đấy rất ghê gớm ở trên đời, trong khi sự thật không bao giờ là thế. Tình dục với nhiều cá thể thì tưởng rằng đấy là vì có nhiều người cần và trân trọng mình; có biết đâu người ta bất quá coi mình ngang món đồ chơi, chứ không thì người ta bỏ đi làm gì? Đi phổ độ lời hay ý đẹp cóp nhặt từ bao nhiêu người thì tưởng rằng bản thân thực sự hay ho cao lớn lắm; có biết đâu não mình nhờ đó liệt hẳn luôn khả năng tư duy, người ta im không bàn gì nữa thì mình cũng tắc tị chịu bí? Sa đà vào các món huyền huyền bí bí trông chờ vào các loại phép màu hiển linh qua năm rộng tháng dài; có biết đâu phép màu chỉ đến với những người chịu làm chứ không đến với người chỉ nghĩ; sóng não nào mà thần thông vậy?
Vậy là, đời người hóa ra giống hệt một con tàu lang thang trên biển. Nếu con tàu ấy neo vào một nơi quá chặt và quá lâu, thì nó mãi mãi chỉ biết đến chân trời và góc biển ấy. Nếu con tàu không neo được vào đâu, tình cảnh chắc chắn là tệ hơn, gió và sóng sẽ xô nó đến những bến bờ vô định, và, ai biết được, một ngày nào đó, nó sẽ chán cảnh làm tàu ma lang bạt kỳ hồ mà tự vùi mình xuống đáy đại dương vô tình này.
Ngọc Ảnh
Comments