Ngụy Nghệ Thuật
- Ngọc Ảnh
- 24 thg 7, 2023
- 9 phút đọc
Đã cập nhật: 6 thg 8, 2023
Nhiều khi tôi nghĩ, giá như mình không lậm điện ảnh sâu đến như vậy thì có lẽ cuộc đời còn được miễn cưỡng thêm vài cuộc vui nho nhỏ.
Lẽ ra tôi sẽ không nổi cáu đến mức này nếu như lúc đầu không đi xem chỉ vì cảm mến tấm lòng đạo diễn: ông ta đích thân lao đầu xuống biển sâu để lấy tư liệu hình ảnh. Làm phim tất nhiên là một việc cực khó mà nếu bạn làm sai hay là bị xui dù chỉ một chút thôi thì nó sẽ hỏng, tuy nhiên hỏng đến mức độ xúc phạm người xem như Avatar 2 thì thật quá sức chịu đựng.

Bây giờ bạn hình dung thế này, một cái bánh kem tuyệt hảo thả vào nồi lẩu cay tuyệt hảo thì nó ra thứ gì? Rác rưởi, dù là một thứ rác rưởi nuốt được. Chính xác, Cameron là một tay nấu tồi trong nhà bếp điện ảnh, ông ta bị mắc cái tật mà tất cả các đạo diễn tầm thường đều mắc phải: cái gì cũng muốn làm nhưng không đủ tầm để làm thứ nào ra hồn, kết cục lại là vội nhét tất cả các thứ nhấu nhầu vào trong 1 nồi và ngụy biện rằng đấy là nghệ thuật?
Thứ ngụy nghệ thuật.
Trước hết ta cũng nên tìm ra điểm để khen. Vâng, hình ảnh đẹp, hoan hô tất cả những nghệ sĩ hình ảnh đã bỏ công tạo nên một thế giới tương đối chấp nhận được. Và xin chia buồn với họ là thành quả từ xương máu họ đổ ra đã bị phí phạm, chúng đã không tạo ra được nhiều cảm xúc. Và lỗi lớn nhất tất nhiên là của đạo diễn.
Công việc cơ bản nhất của đạo diễn thực ra là dựng phim (editing), chứ không phải “directing” – chỉ đạo các thứ khác. Và thực ra chữ “dựng” trong tiếng Hán Việt còn hay hơn, nếu bạn có từng làm phim sẽ cảm nhận rõ. Một bộ phim sẽ thành hình hài ngay từ trong trí của một đạo diễn (thiên tài) và nó sẽ cần (rất) nhiều năm để hoài thai. Một đứa bé được chỉnh sửa từng li từng tí gene trước khi chào đời, hãy hình dung về một bộ phim như thế.
Cameron đã có cho mình tới 13 năm đạo diễn kiêm sản xuất kiêm tác gia kiêm biên kịch và tất cả những gì ông ta có là những đoạn video clip được nối tạm bợ lại với nhau. Đối với tác phẩm có tầm vóc thì chuyện một người kiêm nhiều vị trí là cần thiết để đạt được sự thống nhất trong tư tưởng, và vì thế, qua Avatar 2, chuyện Cameron vĩnh viễn không đạt được đẳng cấp thiên tài đó đã rõ như ban ngày.
Ta nói chuyện kĩ thuật cơ bản trước. Bộ phim rất thiếu những đại cảnh, và đại cảnh thì không đẹp. Chưa kể đến nhiều cảnh xấu hoắc được dùng đi dùng lại rất lộ liễu, trong đó có con mắt phải của con cá voi của thằng Loak, đố chúng ta được nhìn thấy mắt trái của nó đấy. Một bộ phim muốn thể hiện “cái đẹp”, “cái vĩ đại”, “cái Đạo” thì nó bắt buộc phải có đủ đại cảnh, nhưng ở đây thì không. Chuyện thiếu thốn này hiển nhiên là do...thiếu tiền. Làm kĩ xảo mà lại còn kĩ xảo về nước thì thôi đấy, bao nhiêu cho đủ dù con số 400 triệu đô-la lẽ ra đã có thể mang lại nhiều hơn thế. Và chính việc này đã trực và gián tiếp gây ảnh hưởng đến toàn bộ các khâu còn lại, đặc biệt là khâu hậu kì.
Không biết mỗi frame hình có bị tính tiền không mà sao phim như được dựng lên bởi bàn tay của lũ nghiệp dư: thiếu frame. Cùng là “chưa đầy một giây” phim nhưng cái “chưa đầy một giây phim” mà có chỉ thêm 20 - 40 frames nữa thôi thì cảm xúc sẽ rất khác. Ở đây mọi thứ đều bị cắt cụt lủn rất khó chịu. Ví dụ lộ liễu nhất là đoạn cô bé Người Miền Biển mới hướng dẫn cả bọn “hít thở thiền định” (thực ra là tập thở để đi lặn chứ éo phải thiền Đạo gì sất mà lên gân, lát tôi chửi sau), vừa nói được câu: “Đó là cách ta thở”, thì CẮT.
“Chuyển sang cảnh éo liên quan tới bối cảnh - cảm xúc ở đoạn trước nha bà con.”
Chính vì dựng cái kiểu nghiệp dư như vậy nên mọi cảm xúc trong phim bị vỡ tan nát, không có thứ gì lên cao trào nổi luôn. Và khi phim thất bại trong việc tạo ra được cảm xúc để cuốn khán giả theo dòng chảy tâm lý của nó thì hoặc nó sẽ ru ngủ khán giả, hoặc là nó sẽ khiến cho khán giả chú ý tới tất cả những điểm yếu kém mà nó đang cố giấu đi.
Quá nhiều sự ngu dốt trong một bộ phim.
Trên hết, đẻ mấy đứa xong thì thằng cha nam chính (Jake Sully) bị đụt đi (thay vì con mẹ Neytiri) mới ảo. Hở ra là trốn chạy, hở ra là trốn chạy, hèn kinh dị luôn, anh hùng chiến tranh của phần đầu đó bà con. Thôi, người ta mới có bầy con lớn tướng vừa đẹp đẽ khỏe mạnh cao ráo vừa dở hơi giống người ta thì mình cho người ta được hèn tí.
Nhưng lạy hồn, bọn kẻ thù nó đang săn lùng anh thì anh tách ra một mình chạy đi chỗ hẻo lánh là cách tốt nhất để phụ giúp gia đình lúc nào cũng được xoen xoét trên môi anh giúp chúng tôi cái. Không nhé, anh sẽ luôn dắt díu bầu đoàn thê tử đông như quân Nguyên chui vào nơi làng mạc trù phú đông người để dễ...làm phiền người vô tội khác nhé. Quào, thông minh, ích kỉ quá trời luôn. Nhưng tuyệt đỉnh nhất là khi con gái anh (Kiri) bị loạn thần do chơi đồ quá đà thì anh ngay lập tức triệu hồi qua vô tuyến những bác sĩ con người (bạn cũ) bay trực thăng tối tân to đùng đoàng đến tận nơi chữa cho con anh. Ủa anh, sao lại xúc phạm cựu đồng bọn (giờ là kẻ thù) như thế. Bọn nó đâu có đui đụt như anh?
Rồi ha, thằng cha ba trợn như thế thì không lạ vì sao con mẹ vẫn giữ nguyên cái nét hoang dã thú tính như ngày nào mới chim được thằng cha (hai đứa bây gu mặn vãi). Mà đù, trước giờ có huyền thoại là khi giống cái có con thì họ sẽ trở nên mềm mại và tràn đầy tình thương nữ tính hóa ra là sai toét hả. Chưa đủ đã hay sao mà cuối phim Neytiri còn trực tiếp kề dao vào cổ thằng con nuôi Spider biến nó thành con tin luôn nữa mới thật là hết sức tát cạn tình cảm. Tình mẹ của ả quả bao la như biển chết lặng. Toẹt vời Neytiri, giờ tôi là anti cứng của em. À quên, anti làm gì khi tôi không bao giờ nhìn đến cái mặt em nữa.
Có thằng cha con mẹ như trúng tà như thế nên không lạ khi con chúng là cả đống đứa lôm côm cứ chạy nhặng trên màn hình chả vì cái đạo lý éo gì:
Một thằng anh Neyteyam đẹp trai điềm đạm tài năng nhưng nhu nhược, hở ra là để sểnh thằng em đi làm chuyện ngu học, để rồi thí mạng cùi lúc cuối phim nhằm hiến xác cho khoa học gia Eywa vĩ đại cho nó có cái kết giống phần trước, và để nhằm có cớ cho thằng cha Jake Sully (Cameron đóng) thở ra thêm mấy câu đạo lý ngôn lù.
Một thằng em Loak máu chó thậm chí chẳng cần đợi sểnh ra là lập tức bày trò nghịch ngu để giúp bộ phim mượn cớ tạo ra tình tiết tiếp diễn, chứ không thì câu chuyện thật không biết đi đứng ra làm sao.
Một em nuôi người lai tên Kiri tự kỉ nặng lúc nào cũng cà bay cà bay cà bơ cà bơ mà nhìn qua là biết con gái cưng của đạo diễn, vì cả phim phí phạm bét ra cũng 15 phút chỉ để đặc tả cảnh em đi chơi đồ (chơi). Mà thôi em này có nhiều cái rất giống (chúng) tôi nên tôi không mắng em. Mí cả, công tâm mà nói có mỗi em là được xây dựng thành công. Biên kịch nào viết những trường đoạn mô tả em nhớ để lại email cho tôi a lô. 4 đứa biên kịch còn lại thì dẹp đi.
Một thằng con của kẻ thù cũ tên là Spider. Vâng chắc tại em đẹp trai khỏe mạnh ngang tàng nên thằng bố em (lúc này chuyển sinh trí óc sang xác người Navi khác máu tanh lòng rồi) thấy giống y chang mình nên tin em sái cổ, em bảo gì là làm nấy, thậm chí thả em chạy loăng quăng muốn làm gì thì làm, muốn phá gì thì phá. Tình cha này mới là tình cha này, “tao chưa nuôi mày ngày nào nhưng cứ đúng máu mủ (cũ) là yêu là thương vô điều kiện nhé”.
Một nhỏ con út tên Tuk mà tôi còn kịp nhớ đến chỉ vì nó vô dụng. À quên, nó có tác dụng làm vướng chân vướng tay mọi người trong những khoảnh khắc bĩ cực.
Cả đống nhân vật chính đã điên loạn như thế thì bọn nhân vật phụ (Người Miền Biển) nhất định cũng không được kém cạnh, nhưng mà tội nghiệp, bọn nó còn phải gồng đóng vai những kẻ rao giảng đạo lý giả hiệu nữa.
Tại sao bảo là đạo lý giả hiệu, vì bọn nó éo hiểu nên éo dạy được cái Đạo của Biển Cả, hay cao hơn là cái Đạo của Nước. Mang tiếng dân biển mà có mấy đứa hành xử ti tiện vãi linh hồn, dân biển ai chơi kì thị, ai chơi xỏ nhau thế? Đặc trưng của dân biển là tính phóng khoáng hòa đồng. Mang tiếng dân biển mà đợi suốt cả phim chả thấy cháu nào hướng dẫn là biển cả có thủy triều, có gió, có mưa, có bão tuần hoàn liên miên, có luồng nóng, có luồng lạnh, có nông, có sâu, có dòng này xoắn nọ, có dịu dàng và hung hiểm, có giàu và có nghèo, chỉ thấy toàn ngồi tập hít thở chuẩn bị cho công tắc lặn ngụp nhân tiện tập tễnh triết lý luận xíu.
Trên hết, và căn bản nhất, Đạo của Nước mà biển cả làm Avatar đại diện, đó là cái Đạo của Thuận: như thế nào thì cứ như thế ấy mà sống. Đó là tinh thần chấp nhận mọi thứ như nó đang là, không chống đối, không lên gân, đó, nước luôn mang trên mình hình dạng của vật chứa nó, nó luôn hòa thuận, nên nó ở trong tất cả, ở bên tất cả, nuôi sống tất cả, nó cho đi mà thậm chí còn không cần đòi lại vì tất cả rồi sẽ về lại bên nó, tuần hoàn liên miên, không có khởi đầu cũng không có kết thúc.
Lẽ ra những triết lý vừa đơn giản vừa thâm sâu như vậy nên để cho một phụ nữ cứng tuổi xíu, (đang bầu bí thì quá tốt luôn) nhẹ nhàng chia sẻ, vì hơn ai hết họ cảm nhận rõ nhất cuộc sống tại nước (ờ, hóc-môn nhiều nên các đợt sóng nước trong người nó nhiều), cũng như mọi người đều sinh ra từ nước. Khéo léo hơn thì bố trí cảnh đẻ em bé ra trong nước ở đầu phim ấy, cái chết trả xác về biển cuối phim nó cũng đỡ vớ vẩn hơn.
Nhưng không, cái đứa xạo xạo Way of Water này nọ là con nhỏ tuổi teen đang bận tít mắt lên đong giai. Còn cái bà tình cờ bầu thì đang cau cau có có nấp ở xó nhà chỉ đợi cuộc chiến tới thì lao ra đấm lộn éo thèm quan hoài gì đứa con trong bụng. Thật là Rất, Quá, Lắm.
Cái ngu dốt đến từ trí tuệ tập thể: Móa ơi, lần đầu tiên tôi thấy có phim 5 thằng cùng “Story by”. Bạn có thể có 100 thằng “Screenplay by” nhưng “Story by” thì tối đa 2 thằng thôi là bắt đầu rối hơn canh hẹ rồi đó.
Tuyệt đối ngu dốt. Cạn lời, không còn từ nào để diễn tả.
Bí quá bày đặt Đạo dụ Quây ọp Qua-tơ này nọ chỉ để dụ khị thị trường tỷ dân của Trung Quốc phớ hơm. Quân mất dạy.
Tức éo chịu được. Gần nửa triệu bạc mời đệ đệ đi xem một đống rác ngụy nghệ thuật.
Hết tức.
Comments