Ngụy Trung Dung
- Ngọc Ảnh
- 25 thg 7, 2023
- 3 phút đọc
Đã cập nhật: 6 thg 8, 2023
Trung Dung là một cái Đạo lớn của người quân tử, nếu không muốn nói là lớn nhất, nên khi dùng ngữ "Ngụy Trung Dung", thì là đã có ý nói "ngụy quân tử". Bọn ngụy quân tử trong xã hội thì đầy. Chính ra bọn thiên lệch cực đoan mới dễ chơi dễ sống.
"Hễ cái tâm không chênh bên này, không lệch bên kia, ở được mức giữa thì gọi là Trung; còn như giữ thường một mực, không hay dời đổi, thì gọi là Dung." (Trung Dung - dịch giả Đoàn Trung Còn). Nói đơn giản thì đạo trung dung là đạo giữ cho mình đứng ở giữa, và cứ đứng ở đấy nhìn, nghe thì dễ chứ không dễ.

Trung Dung không phải là kiểu "ba phải" bên nào cũng theo, lại càng không phải kiểu thấy người ta đưa ra ý kiến thì cố ý ngược dòng lại chê bôi để ra cái vẻ "tôi biết tư duy hai chiều"; hoặc giả vờ giả vịt "rằng thì là mà tuy nhưng tôi không bám chấp vào đâu" nhưng bản chất con người thế nào, si mê cái gì lồ lộ ra, ai nhìn quen cũng rõ.
Chẳng ai trên đời Trung Dung được đâu, đừng gồng. Gồng lên ra cái vẻ mình trung dung thì đấy cũng không phải là trung dung, đấy là sống tiêu chuẩn kép cái quái gì cũng muốn. Ví dụ như gồng lên nói rằng "gái là để yêu thương" dù kẻ đó luôn mồm chửi gái nói chung và chửi bồ (cũ) nói riêng tóe loe, rồi ngụy biện đấy là một kiểu yêu: có yêu mới chấp vào blah blah blô blô. Tào lao. Yêu là yêu, ghét là ghét. Yêu là có cảm xúc muốn gần, ghét là có cảm xúc muốn xa. Vừa muốn tỏ vẻ thượng đẳng chửi gái cho đã mồm, nhưng cũng đắm đuối mong được gái mê muội mà bu, vừa muốn xa vừa muốn gần, thì đơn giản đấy là hai mặt nước đôi. Ngụy trung dung như thế trông nó vừa rất tởm vừa rất buồn cười.
Trung Dung là một thành tựu mang tính trừu tượng của tư duy, sau một quá trình rèn luyện rất dài, hơn là một cái gì để ai đấy sớm có để dùng trên đường đời. Rất hiếm có chuyện trẻ tuổi mà trung dung, trẻ tuổi thì biết cái quái gì để trung dung? Chính ra, trẻ tuổi là phải thiên lệch, hay nói rõ hơn là được định hướng thiên lệch vào chỗ "đúng". Cái gì "đúng" thì đơn giản: miễn đã không hại mình hại người mà còn lợi mình lợi người thì là nó "đúng". Trẻ tuổi mà cứ loay hoa loay hoay trong những vòng xoáy tư tưởng khi bên này, mai bên kia, ẩm ẩm ương ương hòng ra cái vẻ trung dung, thì cuối cùng đa phần đều vô dụng, vì rốt cuộc bản thân chẳng có một nền tảng tư duy gì cả. Để có nền tảng, bắt buộc phải thiên lệch, phải chọn phe, như vậy mới có điểm cho trí não nương tựa vào đấy mà bật lên.
Me Đông me Tây me Bắc me Nam me giai me gái gì kệ, me "đúng" bên trước đi đã, đừng có lắm mặt. Cây tre có khả năng gió chiều nào ngả theo chiều ấy suy cho cùng cũng là vì nó có bộ rễ cắm rất chặt vào nền đất chứ đâu phải bản tính nó thích bay theo chỗ nào gió thổi mát mẻ hơn!
Kể ra Nho Giáo gặp Phật/Đạo Giáo sâu sắc nhất chính là ở chỗ này. Tam Giáo đều nhận ra rằng phàm đã là con người bị sinh ra trong hoàn cảnh khu biệt nào đó là đã bị hoàn cảnh ấy bẻ cho thiên lệch đi rồi.
Trong khi Nho Giáo cố hết sức nắn người ta đi lại đúng Đạo bằng hàng đống lý lẽ luận nghiêm khắc; thì Phật/Đạo Giáo hiểu rằng con người không những tào lao lại còn đặc biệt khó dạy, vì suy cho cùng không "trải" thì "rất khó "nghiệm", không "nghiệm" thì rất khó "ngộ", mà "ngộ" thì chỉ mới là cái đầu tiên cần để nhìn được bản chất sự vật/việc. Không thấy được bản chất thì hãy quên chuyện Trung Dung đi, vì Trung Dung là khả năng nhìn thấu bản chất cả hai phía. Tựu chung, định hướng cuối cùng của Tam Giáo là đưa con người ta đến chỗ Trung Dung, chỗ ấy hạnh phúc hay không thì chưa rõ nhưng ít nhất là không khổ đau, chỉ có hành trình đi đến chỗ ấy là có muôn vàn loại khổ đau mà thôi.
Dễ lắm đấy mà gồng. Trước hết đừng có sống lắm mặt đi cái đã.
Hết.
Ngọc Ảnh
Comentários