top of page

Oan Khuất của Machiavelli

Đã cập nhật: 6 thg 4

Tôi hẵng còn nhớ gương mặt e dè trông rất đỗi buồn cười của ông thầy người da đen trong tiết học về cách quản trị tổ chức, chỉ vì nhìn thấy thứ ta tạm gọi là chỉ số “theo đuổi chủ nghĩa độc tài Machiavelli” (Machiavellism) của tôi là 97/100; nhưng rồi chắc là vì ổng nhớ ra cái thằng quỷ này da vàng, và vẻ ngoài của nó thì giông giống mấy anh Trung Hoa, nên gương mặt ổng lập tức giãn ra, môi cong lên và gật gù: rất rõ ràng, có một định kiến nhất định ở trong ổng về sự liên quan giữa một người châu Á, Nho Giáo, và sự áp đặt có tính chuyên chế về mặt văn hóa. Đó chính xác cũng là cái cách mà thiên hạ thường hay nhìn về và hiểu nhầm ngài Machiavelli, tác giả chính trị thuộc hàng xuất sắc nhất mọi thời đại, cũng như là Thầy của các thầy.



Cái sai lầm đầu tiên và căn bản nhất trong việc xem xét đánh giá con người Machiavelli cũng như tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, “Quân Vương” (The Prince), chính là người ta thường có xu hướng hợp nhất cả hai thành một, để cho rằng cái con người vương giả có vẻ lắm mưu nhiều kế, lạnh lùng, thực dụng, tàn nhẫn ở trong sách đó cũng chính là bản thể thật của Machiavelli. Cách nghĩ này thật ra không phải là không có lý vì thông thường thì người ta rất khó có thể viết ra được thứ gì đó ở ngoài mình: mọi mối quan tâm, mọi ẩn ức, mọi tiềm thức sâu kín sẽ nhanh chóng được phơi ra, vì suy cho cùng, viết là gì ngoài việc xếp cho tư duy mình được ngay hàng thẳng lối trên trang giấy? Tuy nhiên, đó chỉ là cách viết của các tác giả bình thường.


Chính ở điểm này thể hiện rõ nhất tài năng của Machiavelli, ông đã biên ra một “giáo trình” chính trị kinh điển về lối suy nghĩ và hành động của một nhà vua đích thực, người gần như không quan tâm gì ngoài việc lèo lái quốc gia mình đi qua thời đại hỗn mang: làm gì làm miễn lợi ích tối đa nhưng hi sinh tối thiểu; và cái hay nằm ở chỗ, vị vua ấy không phải là bản thân tác giả, hay thực ra ông ta chỉ là hình dung được dựng lên sau khi tác giả đã trải qua một quá trình quy nạp, phân tích, tổng hợp dữ kiện lịch sử một cách tường minh và đầy khôn ngoan.


Chìa khóa để hiểu được Machiavelli, các trước tác của ông, cũng như Chính Trị nói chung, là phải hiểu được thế nào là phép tư duy dựa trên quy nạp lịch sử, hay nói theo kiểu nhà Phật là: “Nhìn mọi thứ như nó đang là. Quy nạp những cái đang là ấy thành quy luật. Nhiều quy luật hợp lại sẽ vẽ nên đường nét bản thể của Chân Lý.”


Lịch sử tất nhiên không phải lúc nào cũng đúng đắn tuyệt đối vì thường thì đó là tài liệu được bên “thắng cuộc”, “bên cầm quyền” cho biên soạn ra với sự áp đặt ý chí nhất định, nhưng không phải vì thế mà có thể cho mình cái quyền không tin vào lịch sử, lãng quên lịch sử. Ta phải nhớ một điều cốt yếu là lịch sử thì có nhiều người chép. Dù ai có làm gì, “sự thật” vẫn cứ nằm đấy, những sự kiện đã xảy ra rồi, hậu quả đã để lại đây rồi, quan trọng là người soạn sử/sử gia phải có tâm thái “Trung Dung” như thế nào để sự kiện được ghi lại chính xác như chúng vốn thế, cũng như người đọc sử/sử gia phải có được đôi mắt sáng suốt biết nhìn ra, biết chọn lọc “dữ kiện sử học” ít bị thiên lệch hòng tổng hợp thành hiểu biết gần gũi với “sự thật” nhất có thể. Không phải tự nhiên mà những nhà thông thái nói chung cũng như chính trị gia nói riêng đều quan tâm sâu sắc đến lịch sử: đó trước hết là những nguồn tham khảo, những cái neo cho tư duy bám vào trên hành trình ngộ ra chân lý. Tất cả các quốc gia đã, đang, và sẽ văn minh cường thịnh đều có cho mình ngành sử học mạnh mẽ: kẻ có gốc gác vững chắc thì tự động có tương lai xán lạn, nó là lẽ thường của đời.


Ta quay lại với Machiavelli, hơn hết, ông ấy không phải một vị vua hay là người có ý định làm vua, mà là một triết gia, một nhà tư tưởng, người không những nhìn ra được nguyên cớ, nguyên lý của những câu chuyện lịch sử, mà quan trọng hơn, là nhìn thấu tỏ bản chất của con người bình thường, bản chất của nhà cầm quyền, và minh định được ranh giới giữa họ: nhà cầm quyền cũng là con người nhưng được “thiên mệnh” đặt đúng vào vị trí phải sống và làm việc phục vụ cho lợi ích của số đông. Nhà cầm quyền có thể tạm đứng trên con người để ra những quyết định thực dụng và tàn nhẫn, nhưng chung quy lại, họ vẫn không thể đứng ngoài xã hội con người mà phải hòa mình vào để thấu hiểu và cân nhắc những đạo lý phù hợp tùy theo thời thế cho cộng đồng con người đó.


Tại sao Machiavelli có thể làm được việc không tưởng ấy, khi bản thân chưa từng làm vua một ngày nào, cũng như tác phẩm “Quân Vương” vốn dĩ được ông viết ở trong tù như một món quà cho người cai trị mình? Vì vượt lên tất thảy, Machiavelli là một nhà yêu nước mãnh liệt, cũng như là một người có lòng trung hiếm có, ông làm tất cả không vì điều gì ngoài bằng mọi giá đóng góp tất cả những gì mình có để dựng lên được một vị vua đích thực có thể đưa dân tộc và quốc gia ông vượt qua cảnh hỗn mang để đi đến bước đường độc lập và cường thịnh. Muốn hiểu được chân diện của Machiavelli thì phải hiểu cho được tinh thần ấy, vốn cũng được ẩn đi đâu đó trong chính tập sách “Quân Vương”, chứ nếu chỉ nhìn trên bề mặt câu chữ thì tất nhiên người ta thấy chỉ là một vị vua thực dụng kinh điển mà thôi.


Và như vậy, có lẽ là đủ để giải oan cho Thầy tôi, nhà uyên bác, triết gia Machiavelli.


Đặng Viễn Chinh

Comentarios


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page