top of page

Quỷ Hiện

Đã cập nhật: 16 thg 9, 2023

"Trời, một vụ kiểu này nữa à?"

Hãy khoan. Hãy nhớ câu chuyện được viết vào năm 1892.


Hi vọng là độc giả đọc đến những dòng này thì đã kinh qua chuyến phiêu lưu cùng Sherlock Holmes trong truyện "Dải Băng Lấm Tấm". Vài bạn sẽ có cảm giác nó không khác mấy các vụ việc "gia đình" hãm hại nhau man rợ mà báo đài hay đưa tin. Có khác nhiều đấy. Cái đẳng cấp cao nhất của văn chương nằm ở chỗ nó xếp tầng được sự thật. Độc giả nằm ở tầng sâu nào sẽ bóc được đến đấy.


Giờ thì mình cùng đi xuống.



Ai trước giờ có quan tâm đến vùng tối trong tâm hồn con người hẳn sẽ biết đến một cuộc trình diễn nghệ thuật rất nổi tiếng: "Rhythm 0" của nữ nghệ thuật gia Marina Abramovic. Để mô tả ngắn gọn thì bà ấy đã khiển cho vài thứ biểu lộ bằng cách...đứng yên đấy, cùng một cái bàn có để 72 món đồ, trong thời gian 6 tiếng; luật là bất kì khách ghé thăm muốn làm gì với bà bằng món gì quy định sẵn cũng được, bà sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tất nhiên không như những kẻ hãy còn mộng mơ vào bản chất tốt đẹp của con người, bà Abramovic đã bị hành hạ về thể xác theo những cách man rợ, thậm chí suýt c.hết bởi chính bàn tay mình. Ngoài sự vụ này tất nhiên còn nhiều nghiên cứu kinh khủng hơn mà tôi rất không tiện nêu ra.


Đúng, khi có chỉ cần vừa đủ những điều kiện phù hợp, con người sẽ vứt bỏ nhân tính của mình ngay. Con người không bao giờ bị quỷ ám cả, quỷ vốn đã nằm sẵn trong mỗi cá thể của loài và chỉ chực chờ hiện ra. Thực ra việc chúng ta làm khi giáo dục con người chính là nỗ lực xây tường thành chặn đứng cái đám hắc ám đó, và nếu tiêu diệt được chúng từ sớm luôn thì quả là vĩ đại.


Ta thấy ngay thứ quỷ ghê gớm nơi bác sĩ Roylott, một dạng "con cưng" rửng mỡ tài cán thì ít mưu mô thì nhiều. Rõ ràng, tất cả những gì lão làm trong suốt cuộc đời là tội ác, rất có thể kể cả cái chế.t của mẹ ruột hai nạn nhân, bởi vì sau thời điểm sự vụ đó xảy ra thì lão đã thay đổi tâm tính sang xu hướng bạo lực và rối loạn tâm thần hệt như những gì...Raskolnikov trải qua sau khi thực hiện tội ác đầu tiên trong "Tội Ác và Sự Trừng Phạt". Raskolnikov chỉ khác lão Roylott ở chỗ anh ta ít nhất còn nhận được sự cứu chuộc từ một cô gái ngoan đạo và trước hết, còn có chí ít một tấm lòng đâu đó vì người khác. Roylott tàn độc đơn giản vì lão hoàn toàn chỉ vì lợi ích của chính mình.


Cái đáng sợ ở Roylott là thực ra lão sở hữu trí thông minh nhưng lại không sử dụng nó để trau dồi bản thân hay để cống hiến. Cái bẫy của lão dành cho các cô con gái riêng của người vợ đã khuất rõ ràng là rất tỉ mỉ, đến từng chi tiết, có thể nói là hoàn hảo; vì nó đã thành toàn được tội ác lên cô chị trong êm thấm, và chỉ chút nữa thôi là cả cô em cũng đi đời nếu Sherlock Holmes không quyết liệt đến như vậy.


Ta nên nhớ hầu hết các hành động của Holmes trong quá trình xử lý vụ việc đều thuộc ngoài vòng pháp luật, nhưng ta có thỏa mãn với kết quả của những việc anh làm hay không? Chắc chắn là có.


Cái hay của truyện là đã bỏ lửng những nghị luận triết học cho độc giả sau tuyên bố của Holmes ở cuối truyện. Rốt cuộc công lý đích thực là gì? Là khăng khăng làm theo luật lệ để rồi bỏ lỡ cơ hội thực sự lôi một con quỷ ra ánh sáng? Hay chấp nhận đi những con đường không chính thống để đánh trả lại con quỷ theo một cách chủ động nhất, bạo liệt nhất, hậu quả tính sau? Nếu không có Holmes và đôi chút "hoang tưởng" từ cô em thì có phải cảnh sát sẽ lại thuần túy ghi chép thêm một vụ việc thương tâm bị đổ cho tại số và sự thật mãi mãi phải câm lặng không?


Sự thật là thế này, cái đáng sợ nhất trong cuộc sống không nằm ở việc những tội ác đã hiển lộ ra, mà ở những nơi tội ác hãy còn đang im tiếng. Ta hãy quay lại với nạn nhân Helen. Chúng ta rõ ràng có thể thấy cô đã phải chịu nhiều tra tấn tinh thần lẫn thể xác đến mức độ nào, nhưng rõ ràng ngay cả trước mặt Holmes là người mà cô tin tưởng tuyệt đối, cô vẫn không có khả năng đổ một mối nghi ngờ lên lão cha dượng Roylott. Helen đã dần quen với nỗi đau đến mức trí cô đã tự động bôi mờ nó, và đó mới là điều đáng sợ lẫn đáng buồn nhất trong câu chuyện này. Helen, chị cô, và cả mẹ cô là những kẻ cả đời bị thụ động hóa bởi món tiền to do người cha ruột, người chồng cũ để lại. Họ đã vô tình bị tước đoạt bản lĩnh, và đó là điều kiện tuyệt vời cho Roylott muốn làm gì thì làm. Ta nhớ lại cuộc trình diễn của bà Abramovic xem, bà ấy đã làm gì nào? Đứng yên!


Chính vì thế nên tôi đặc biệt thích cái kết của lão bác sĩ: nợ máu trả bằng máu, gọn gàng, đơn giản (tuy vẫn chưa đã).


Sẽ lại có ở đâu đó văng vẳng những nghị luận kiểu: "ôi tử hình là kém văn minh", "ôi hãy cho phạm nhân cơ hội làm lại cuộc đời", "ôi nợ máu trả máu có hay ho gì đâu, buông bỏ hận thù được thì buông bỏ đi". Vớ vẩn. Tôi đã mất cả một người bạn chỉ vì ông ta còn bận kẹt vào mấy ý nghĩ văn minh ủy mị như vậy để bênh một con ác nhân không còn đường nào để chữa. Tất nhiên, bọn chưa từng nỗ lực cứu rỗi ai mới nghĩ được rằng con người có thể dễ dàng được cứu rỗi. Việc ấy nói lên rất nhiều điều về con người ông ta, mà bạn nào nhận ra đấy là ai thì nên liệu mà cẩn thận.


Ta cần ý thức rõ là chính luật pháp, dù không hoàn hảo, vẫn luôn cân nhắc khả năng hối cải của một kẻ thủ ác lẫn động cơ trước đó của hắn là vì lẽ gì. Việc làm này không ngoài mục đích soi xét xem con quỷ trong tâm can kẻ ấy đã hiện ra đến mức độ nào. Nếu nó vẫn có khả năng bị tiêu diệt, kẻ ấy được sống tiếp lay lắt để trả cho hết nợ. Nếu nó đã lớn mạnh khủng khiếp, mời hắn đi ngủ với giun.


Án tử hình tự nó là một biểu tượng của công lý đích thực và tuyệt đối, đừng nghĩ rằng có thể bỏ được nó chỉ vì dăm ba cái văn minh giả tạo.


Và đến đây thì tôi tin rằng các bạn đã thấy tầm vóc thực sự của "Dải Băng Lấm Tấm", chí ít thì qua góc nhìn của tôi, nó đã trở thành một bản nghị luận triết học hoàn hảo.


Ngọc Ảnh

Kommentare


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page