Sự Đáng Sợ của Tiểu Đường Type II
- BS Ban Mai
- 17 thg 8, 2023
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 20 thg 8, 2023
Ở phần trước chúng ta đã tìm hiểu tương đối đầy đủ về nguyên nhân và cơ chế gây ra bệnh tiểu đường. Phần này chúng ta sẽ đi sâu vào các tác hại ghê gớm của nó. Nào, ta cùng tìm hiểu.
Trước hết ta cùng xem qua cách khảo sát nhanh xem nguy cơ bị tiểu đường của bản thân đang cao cỡ nào để biết...sợ. Trong bài trước ta đã biết về mỡ ngoại vi và mỡ lạc vị (bao gồm mỡ nội tạng và nội quan nhiễm mỡ). Mỡ ngoại vi thì khiến ngoại hình bớt đẹp, mỡ lạc vị thì khiến mình bớt khỏe.

Cách dễ dàng để xác định bước đầu xem bạn có mỡ lạc vị không là dùng thước dây đo vòng bụng, ngay vị trí cách đầu xương hông một khoảng bằng bề rộng hai ngón tay, rồi từ đó quấn quanh một vòng.
Chỉ số vòng eo khỏe mạnh như sau:
+ Đối với nam giới châu Á: < 90 cm
+ Đối với nữ giới châu Á: < 80 cm
Khả năng mắc bệnh tiểu đường trong 5 năm tới sẽ cao gấp 4 lần nếu bạn có số đo vòng eo cao hơn mức trên (>90 cm đối với nam châu Á và >80cm đối với nữ châu Á). Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp hi hữu người thừa cân hoặc béo phì nặng lại không bị tiểu đường type II, do sự phát triển mỡ lạc vị hay sự tổn thương khả năng tiết Insulin của tụy vẫn chưa quá nghiêm trọng (Tụy chưa bị kiệt sức). Ví dụ điển hình cho chuyện hi hữu này là việc những vị võ sĩ Sumo nổi tiếng sống khỏe trong lúc còn được thi đấu hăng say, mà chúng ta đã nêu trong bài trước.
Không như hầu hết các căn bệnh chúng ta đã biết, tiểu đường có tiềm năng ác tính độc nhất trong việc tàn phá toàn bộ cơ thể con người. Trên thực tế, không có hệ cơ quan nào là không bị ảnh hưởng bởi tiểu đường, vì đơn giản là khi đã đến mức phát ra bệnh thì có nghĩa là máu đã ngập trong đường, mà máu thì lại là thứ dịch chu du khắp toàn bộ cơ thể chúng ta để đảm nhiệm việc điều hòa các hoạt động trao đổi chất và năng lượng cho tất cả các cơ quan.
Khi Glucose huyết cao, máu chảy không tốt trong lòng mạch, mà khiến nó không thể cung cấp đủ oxy (ô-xy) cho tế bào, và tế bào từ đó chết dần. Nếu không kiểm soát tốt Glucose huyết thì không những bệnh tiểu đường nặng thêm mà những hệ lụy, bệnh tật đi kèm nó mới lại càng kinh khủng.
Các biến chứng này thường được phân loại theo vi mạch và mạch máu lớn. Chúng ta sẽ đi theo chiều từ trên xuống dọc cơ thể:
1/ Alzheimer và chứng MCI:
Khi cơ thể xảy ra hiện tượng kháng Insulin, tế bào não dần mất khả năng hấp thu đường, do đó làm suy thoái khả năng nhận thức của não, dẫn đến gia tăng nguy cơ xuất hiện chứng suy giảm nhận thức nhẹ (Mild Cognitive Impairment – MCI). MCI là một tình trạng bệnh lý khiến người ta gặp nhiều rắc rối về trí nhớ hơn, so với sụt giảm trí nhớ thường thấy khi con người già đi. Nhiều bệnh nhân tiểu đường có sự thay đổi ở não đó chính là dấu hiệu của bệnh Alzheimer và giảm trí nhớ do mạch máu suy yếu.
Alzheimer là một chứng bệnh thoái hóa thần kinh mãn tính gây mất trí nhớ, biến đổi tính cách và những vấn đề về nhận thức. Đây tất nhiên là dạng sa sút trí tuệ rất đáng sợ.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Alzheimer’s Disease thực hiện trên 937 người cao tuổi (trung bình 79.5 tuổi), trong nhiều năm, cho thấy: nguy cơ bị mắc MCI tăng lên ở những người ăn nhiều chất bột đường, và giảm ở nhóm người ăn nhiều chất béo và đạm.
Người ta vẫn chưa chắc chắn liệu bệnh tiểu đường có phải nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh Alzheimer hay không, nhưng rốt cuộc, cả hai bệnh đều khởi phát từ việc dùng quá nhiều chất bột đường (Carb) gây ảnh hưởng đến quá trình tiết Insulin.
2/ Bệnh thần kinh: ngứa ran dưới da, tê bì, bỏng rát
3/ Bệnh tim
Tim hiển nhiên là cơ quan chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh tiểu đường nhất vì đơn giản là máu liên tục đi qua nó không ngừng nghỉ. Bệnh tiểu đường góp phần làm xơ vữa động mạch vành tim, hư hỏng van tim, nhồi máu cơ tim (do cơ tim không co bóp được hiêu quả nữa), v...v…
4/ Đột quỵ
Hiển nhiên là hai cơ quan trọng yếu như não và tim chịu ảnh hưởng nặng nề thì nguy cơ xảy ra đột quỵ sẽ gia tăng theo chiều hướng rất xấu. Trong phạm vi bài này chúng ta tạm không đi sâu mà hẹn sang một bài khác.
5/ Bệnh võng mạc gây mù lòa
Mắt là cơ quan thuộc hàng nhạy cảm nhất trong cơ thể, bản thân nó chứa hàng ngàn vi mạch li ti. Bạn có thể dễ dàng hình dung tình hình sẽ tồi tệ đến thế nào nếu máu được đưa đến nuôi mắt đã thiếu ô-xy lại còn toàn đường.
6/ Bệnh gan nhiễm mỡ:
Gan bị nhiễm mỡ sẽ bị cản trở cho hoạt động làm việc của nó, mà đây lại là cơ quan lọc độc chính của cơ thể. Bạn đọc hình dung đơn giản là có chất gì trong cơ thể sẽ tụ về gan để được chuyển hóa trước khi đổ về thận.
7/ Bệnh thận:
Nếu gan chịu trách nhiệm chuyển hóa chất thì thận chịu trách nhiệm lọc dịch bước cuối trước khi thải ra ngoài. Ngay trong tên bệnh “tiểu đường” thì chúng ta đã có thể hình dung mức độ ảnh hưởng của nó lên cơ quan này như thế nào rồi. Thận sẽ bị suy, và cơ thể không còn thải độc hiệu quả nữa.
8/ Ung thư:
Bệnh tiểu đường type II làm gia tăng nguy cơ mắc các ung thư thường gặp như: ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư thận, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại-trực tràng. Không phải ngẫu nhiên mà các bác sĩ ung thư thường cấm bệnh nhân ăn các loại đường vào cơ thể: tế bào ung thư rất háo đường, vì chúng cần nhiều năng lượng để gia tăng “lực lượng” của mình theo cấp số nhân.
9/ Nhiễm trùng: mức đường huyết cao làm suy yếu hệ miễn dịch, có nguy cơ cao hơn trong việc mắc tất cả các loại bệnh nhiễm trùng khi các sinh vật bên ngoài xâm nhập và sinh sôi trong cơ thể.
10/ Bệnh mạch máu ngoại biên ở bệnh nhân tiểu đường:
Vết cắt nhỏ hay chấn thương nhẹ ở bàn chân có thể trở thành những vết loét không thể lành. Trong trường hợp nghiêm trọng, những khu vực da đã bị hủy hoại và để lộ lớp mô ở dưới sẽ tiến triển thành hoại tử: nguồn cung cấp máu đã giảm đáng kể hoặc hoàn toàn mất đi, các mô bị chết và việc cắt cụt chi là giải pháp điều trị cuối cùng, như vậy thì người bệnh thành người khuyết tật.
11/ Các bệnh về da và móng tay
12/ Rối loạn cương dương ở nam
13/ Hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ
Như vậy, ta có thể thấy là ẩn dưới lớp phong vị ngọt ngào đáng mến của đường (Carb) là cả một thế giới đầy hiểm ngụy nếu như bạn lỡ nghiện nó.
Bạn đọc nếu có ngoại ngữ tốt có thể tham khảo thêm video rất nổi tiếng của bác sĩ nội tiết nhi Robert Lustig có tiêu đề: “Đường: Sự thật đắng ngắt” (Sugar: The Bitter Truth). Video dài tới 1h30’ này hiện đã có đến 24 triệu lượt xem sau 14 năm phát hành.
Đến đây thì hẳn là các bạn độc giả hẳn đã thấy e sợ sự khủng khiếp của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, những điều đáng sợ trong cách mà người ta hiện đang “đè” bệnh nhân tiểu đường ra chữa trị hãy còn ở phía trước. Hiện bài đã hơi dài nên bác sĩ xin tạm dừng tại đây. Mời các bạn đón đọc bài kế tiếp “Đánh Bại Tiểu Đường - Bạn Có Làm Được Không”.
Bác Sĩ Ban Mai.
Comments