Ta là ai trong cuộc đời này? Và tiên đề của Lý Thuyết Thống Nhất
- Ngọc Ảnh
- 26 thg 7, 2023
- 7 phút đọc
Đã cập nhật: 15 thg 8, 2023
Nếu có óc tổng hợp tương đối tốt thì hẳn là ai đó trong các bạn cũng đã tiến được đến rất gần cái thế giới tôi đang ở. Phải, vấn đề sau đây vốn đã được tôi đề cập đến trong các bài viết tiền đề như: “Nỗi Sợ” hay “Đắc Đạo”. Bản thân bài “Nỗi Sợ” đã được trải qua 2 lần biên tập trong vòng 5 năm. Kĩ lưỡng nhỉ? Nhưng đây là bản mở rộng nữa.
“Ta là ai trong cuộc đời này?” hay, nói ngắn gọn: “Ta là ai?”.

Tôi biết chắc chắn đa phần trong số các bạn vẫn chưa hiểu được sức nặng của câu hỏi vỏn vẹn có 3 từ này. Nào, đừng tự tin như thế chứ, đã có rất nhiều cuộc đời trôi qua trước mắt tôi đến tận giây phút cuối cùng mà vẫn không có được đáp án cho nó đấy. Phải, để nói đơn giản thì, đấy là câu hỏi của mọi câu hỏi, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, hạnh phúc của mọi hạnh phúc, và cũng là phiền não của mọi phiền não. Chính xác, đó là câu hỏi đầu tiên và duy nhất trong suốt cuộc đời vĩ đại của Anh tôi, Đức Phật.
Thực ra, mọi chuyện bắt đầu từ cái ngày kì dị thần thánh đó, số là có 4 con khỉ đang ngồi ăn với nhau bên bếp lửa, thì, “Ầm”, một tia sét đanh gọn đánh trúng vào con khỉ nhép ngơ ngơ nhất cả đám. Sau đây là bản dịch cuộc trò chuyện bằng tiếng Khẹc Khẹc của bầy khỉ tối cổ.
-Ây dà, ây dà, đen vãi, đang ăn mà cũng bị thằng nào trên đó đánh. Sợ quá sợ quá - Cả bọn khỉ nhao nhao chạy loạn cả lên.
-Yên nào, tao còn sống – Con khỉ vừa bị sét đánh đứng dậy như một vị thần vừa mới hạ phàm.
-Má ơi, nó là siêu khỉ – Cả bọn kinh ngạc hú hét quanh con khỉ mới hạ phàm.
-Siêu khỉ cái con khỉ. Tao là tao. Mà khoan, tao là ai? Tao không phải siêu khỉ, tao cũng không phải đứa nào trong tụi mày, vậy thì tao là ai? Để tao là tao?
-Nó nói nghe éo hiểu gì nhưng sao thấy hay quá bây ơi!
Phần còn lại là lịch sử (Sau khi bầy khỉ liên tục tìm cách để sét đánh trúng bản thân, may nhờ rủi chịu).
Không có bất kì loài động vật nào ngoài con khỉ-người đặt ra được câu hỏi đó, và dù chúng có biết đặt, thì chúng cũng không bị ám ảnh với nó và câu trả lời của nó, để rồi xây dựng nên cả một nền văn minh vĩ đại.
Ta là ai? Một người ông không biết chơi điện tử ghen tị với cháu rất giỏi chơi điện tử? Một người cha gia trưởng không kiếm ra tiền? Một người bà biết nhảy hip hop? Một người mẹ thục nữ? Một người chồng gay có hai con nhỏ? Một người vợ thích bắt nạt chồng? Một triết gia trường phái nghiên cứu-diễn dịch quá khứ tiến hóa rất dài của bầy khỉ bị sét đánh, để giải thích mọi lý do tồn tại của loài người hiện đại? Và vô số những ví dụ khốn khổ hài hước khác.
Chúng ta rõ ràng quy hết được mọi vấn đề cuộc sống về hai câu hỏi phái sinh, một đối nội, một đối ngoại: “Ta là ai đối với chính ta?” và “Ta là ai trong cuộc đời này?”
Sự thống nhất của thế giới quan duy vật và duy tâm nằm đây, ý nghĩa duy nhất của cuộc đời con người thực ra chỉ là hành trình suốt đời theo đuổi việc tìm hiểu - thay đổi thế giới vật chất khách quan hòng có được đáp án cho nhu cầu (hay thực ra là bản năng) định Danh cho bản thân nằm sâu thẳm trong tâm hồn. Nói triết hơn, đấy là quá trình Tự Ngã, nghĩa là đi định Danh cái Ngã của bản thân mình, để được Tự - Do.
Điều này cũng có nghĩa, nếu một kẻ không tự mình đi trên một hành trình như vậy mà mặc cho dòng đời xô đẩy, mặc cho các yếu tố khách quan liên tục định danh, thì cuộc đời kẻ ấy vô nghĩa, là “tồn tại” chứ không phải “sống”, là cũng chẳng khác gì bất kì vật nào ngoài kia: sinh ra, tồn tại, rồi diệt vong. Chính xác, đấy là một cuộc đời Vô Ngã.
Và nguy hiểm nhất, bi tráng nhất trong hành trình Tự Ngã, là nhận ra được trần đời này mọi thứ đều Vô Ngã cả. Ngay từ khi sinh ra, bất kì ai trong chúng ta đều đã không sở hữu, và cực kì khó sở hữu sự Tự - Do, kể cả đấy là bản thân Anh Phật. Mỗi kẻ trong chúng ta sinh ra, về bản chất chỉ là một mắt xích trong chuỗi Nhân – Quả, Duyên – Nghiệp vĩ đại của thứ lo lớn nhất hiện tại: Vũ Trụ.
Để hình dung được sinh động, hãy thử tưởng tượng rằng cái cách ta sống trong Vũ Trụ chẳng khác gì cái cách con vi khuẩn sống trong cơ thể ta. Con vi khuẩn sống lộn xộn lệch chuẩn gây nên tai họa gì đấy cho cơ thể ta, thì tất nhiên, ta sẽ giáng xuống đầu nó thứ thuốc nào đấy để răn đe. Ở chiều ngược lại, con vi khuẩn lại có thể điều khiển đời ta: bằng cách này hay cách khác, nó tập hợp lực lượng kích cho nội tiết tố nào đó dâng lên, thứ nội tiết đó lại khiến ta thèm ăn một món nào đó, chính món đó làm con vi khuẩn trở nên mạnh hơn, và rồi con vi khuẩn lại kích cho ta thèm ăn một món nào đó khác.
Chính xác, vừa rồi là một hình dung gợi mở cho trí ta về cái cách mà một thế giới vô cùng bé (của Cơ Học Lượng Tử) và một thế giới vô cùng lớn (Của Thuyết Tương Đối Rộng) thống nhất với nhau: Chuỗi Nhân – Quả/ Duyên Nghiệp thông qua một nguồn lực (force) nào đó hãy còn bí ẩn, và thực ra thì nó vốn dĩ đã được giản lược hóa cho đại chúng dễ hiểu với cái tên: Hiệu Ứng Cánh Bướm.
Ở đây, mở ra cho chúng ta các mệnh đề mà rất có thể cũng là các tiên đề cho Lý Thuyết Thống Nhất cuối cùng:
“Ta là tất cả, tất cả là Ta. (Một là tất cả, tất cả là Một).”
Bản Ngã của ta chẳng qua chỉ là tập hợp có Quy - Định của vô số những Vô Ngã vô định, và ta chấp nhận việc vô số Vô Ngã vô định khiến đời ta thay đổi; nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ta để cho vô số cái thứ vô ngã ấy muốn làm gì thì làm, muốn định danh ta ra sao thì ra, mà nhiệm vụ của ta là liên tục đấu tranh tái định nghĩa Bản Ngã ta.
Vốn dĩ bản thân quá trình Tự Ngã này là một ải Khổ: liên tục sinh, diệt, sinh, diệt (nghĩa Vô Thường) Bản Ngã mà không khổ thì còn gì khổ nữa? Tuy nhiên, nó lại là cái Khổ cao nhất để diệt hết đi những cái khổ khác, một cái Khổ mà nếu không sở hữu thiên tài, sự tập trung, và cơ duyên đủ nhiều thì…thôi đừng cố theo làm gì, sống thuận theo số phận định sẵn suốt đời là được rồi. Đấy là nói thật lòng. Chìa khóa cho quá trình này thì tôi nhắc đến rồi: Sự Tự - Do trong Tư Duy, hình thái Tự - Do cao nhất.
Ai cũng có quyền được Tự - Do căn bản, nhưng căn bản có rất hiếm người được Tự - Do đúng nghĩa. Không tự mình, sao do mình? Không do mình, sao tự mình?
Điểm lắt léo ở đây, ngay tại thời điểm mình Tự - Do, thì liền lập tức mình đã tạo ra Nhân – Duyên, có Nhân - Duyên ắt có Quả - Nghiệp. Éo le hơn, cái Tự - Do của mình có thực đúng là Tự - Do hay không? Hay thực ra nó chẳng hơn gì ngoài là Quả - Nghiệp của một hoặc vô số chuỗi Nhân – Duyên khác?
Chính vì vậy, sự sở hữu, dù chỉ một ý nghĩ, đã lập tức khiến ta không còn Tự - Do rồi. Quả - Nghiệp, dù chỉ ở trong trí, thì tự nó đã là Quả - Nghiệp lớn nhất rồi.
Bí mật của sự Tự - Do cao nhất là, bạn đồng thời hoặc sở hữu hoặc không sở hữu nó, một cách rất tương đối: ngay cả khi bạn cố gắng buông bỏ một ý nghĩ, thì chính cái nỗ lực buông bỏ ý nghĩ cũng đã khiến bạn mất Tự - Do, tất nhiên, vì bản thân nỗ lực đó là Quả của cái ý nghĩ trước đấy.
“Không có Tự - Do tuyệt đối.”
Mỗi thể vật chất, ở trong bất kì hệ môi trường nào, từ nhỏ tới lớn, từ rộng tới hẹp, từ cấp thấp tới cấp cao liền lập tức có Nhân – Duyên của nó; và các Nhân Duyên ấy tác động lẫn nhau một cách vô định (Vô Ngã) dẫn đến Quả - Nghiệp cũng vô định theo. Tuy nhiên, ở một phổ rất lớn đến vô cùng, thì tập hợp hỗn độn các Nhân – Duyên vô định lại có thể đưa đến được những Quả - Nghiệp có tính quy luật. Mà rốt cuộc lại, ta cũng chỉ có thể quan sát và nắm bắt, chứ gần như không thể lý giải tường minh những quy luật đấy. Cái tinh thần mà chúng ta cần, là nghiên cứu từng hệ một, rồi hợp chúng lại thành một hệ chung, rồi cho chúng tương tác lẫn nhau theo từng chỉnh hợp, chứ không phải cố gắng đi tìm lấy một hệ thống nhất chi phối tất cả. Quá trình này tôi cũng đã bàn tới, đó là quá trình Chính Kiến.
Và, đúng rồi,
“Không có gì là Tuyệt Đối.”
Đây là phát biểu của “Thuyết Tuyệt Đối” mà tôi đã phát triển vài năm về trước. Bản thân Thuyết đã tự phủ định chính nó, nên chính nó lại tuyệt đối. Và theo một cách nhìn thú vị hơn mà tôi chỉ vừa mới nghĩ ra vài giây trước, tự thân “Thuyết Tuyệt Đối” đã đạt được sự Tự - Do tối cùng đấy.
Hết.
Comments