Thế Giới Đẽo Gái
- Way Big
- 21 thg 3
- 10 phút đọc
Đã cập nhật: 22 thg 3
…
Như vậy là sau 3000 năm khảo nghiệm, chúng ta đã có được một đánh giá tương đối toàn diện về cái gọi là "Nền Văn Minh Đẽo Gái" của loài người. Khác với chủng tộc chúng ta có chung một thân xác vô tính được sao chép từ "Bản Thể Hoàn Mỹ", loài người đã chọn con đường ngẫu nhiên, chông gai, và nhiều tranh cãi hơn: cơ thể dị tính phân làm hai giới riêng biệt, với khả năng lưu trữ bào thai và sinh đẻ được đặc phái cho giới được gọi là cái, gái, đàn bà, v...v..., còn khả năng tiêm vật chất di truyền ngoại xâm thì được gán cho giới được gọi là đực, trai, đàn ông, v...v...
Nhờ sự biệt hóa rất rõ ràng về chức phận này mà con người chỉ trong thời gian rất ngắn đã nâng tầm nền văn minh của mình từ hạ-đẳng lên được vị-trung-đẳng: họ tập trung tối đa vào việc thăm dò, khai thác, đẽo gọt 3 thứ tối quan trọng trong cuộc sống: thể xác, tinh thần, và lý tưởng của: từ đây ta sẽ tạm nói ngắn gọn là, Gái.
Trước tiên, bằng một cách kỳ diệu nào đó, các thiết kế cơ bản của thân xác Gái mà chúng ta đang thấy qua mô hình giải phẫu ở đây có rất nhiều nét tương đồng với Bản Thể Hoàn Mỹ. Điều này gợi lên suy nghĩ về một đức Thượng Đế Tối Hậu, kẻ đứng đằng sau ban tặng cho toàn thể vũ trụ những “Mô Hình Chuẩn”, để mỗi chủng tộc tuy có thể rất khác nhau nơi xuất phát điểm nhưng đều sẽ tiến hóa theo lộ trình chung được định đặt để hướng đến sự tối ưu. Vậy thì loài người đã sử dụng tạo vật đẹp đẽ này như thế nào?

Đây là điểm chúng ta cần đặc biệt lưu tâm: con người rất tinh khôn đã chọn con đường biến bản thân Gái thành phần thưởng cho những cuộc tranh đấu gần như vô tận: giữa các con Trai với nhau để giành lấy con Gái về cho bản thân, và giữa các con Gái với chính mình để tự thân luyến ái xem bản thân là đệ nhất thiên hạ. Lựa chọn này thực tế chứng minh đã tạo ra cả một nguồn động năng khổng lồ đẩy cuộc sống con người tiến rất nhanh về phía trước. Hãy nhìn lại, khi chúng ta trong cảnh hòa bình mất tới 4 triệu năm để xây dựng nền văn minh tối cao thì con người trong cảnh hỗn loạn chỉ cần hơn 2 triệu năm là đã có những thành tựu đáng kể.
Ở đây, chúng ta hiểu được rằng, về bản chất bên trong, đó chính là sự chia rẽ trong việc phân bổ nguồn lực, rồi từ đó con người tự đưa toàn bộ giống nòi mình vào thế không thể không đối đầu nhau để đoạt lấy quyền chiếm hữu chúng. Nhìn sâu xa, các nguồn lực xã hội tối cùng đó bao gồm: khả năng sinh đẻ, lòng dục ái, và nghiệp vụ quản trị Gia Đình.
Thứ nhất, không như chúng ta với thiết kế sinh học hoàn hảo, có thể tồn tại, tư duy và lao động hiệu quả suốt hàng trăm năm, con người là sinh vật có hạn sử dụng cơ thể rất ngắn và quá trình sử dụng nó thì gặp rất nhiều lỗi: hệ quả của việc tiến hóa quá vội vàng. Điều này đẩy con người đến việc buộc phải sớm lựa chọn đặt mọi nền tảng kinh tế – xã hội, hay thực ra chính là nền văn minh của mình lên “bụng” của các “Bà Mẹ”, nghĩa là lên năng lực “sản xuất” ra các thế hệ sinh học tiếp nối:
Không có thế hệ sau, con người không có nguyên cớ hình thành thị trường mới. Không có thế hệ sau, con người không có lực lượng lao động phục vụ cho cả thị trường cũ và thị trường mới. Quan trọng nhất, không có thế hệ sau, con người sẽ nhanh chóng đánh mất những hiểu biết mà họ vất vả có được chỉ trong vòng vài chục năm, vì thời gian dành cho quá trình cài đặt thông tin vào các cá thể mới chiếm tỉ trọng quá lớn so với thọ mệnh trung bình, trong khi họ còn phải đối mặt với sự suy thoái lẫn hỏng hóc của hệ điều hành chứa trong bộ não vốn chịu rất nhiều tác động từ môi trường sinh lý sống lẫn môi trường văn hóa xã hội.
Thế thì, về bản chất, con người giành giật Gái với nhau không phải vì bản thân Gái cao quý, mà vì Sinh Đẻ là một hoạt động tối cần thiết, và vì tối cần thiết mà trở nên cao quý.
Tuy nhiên, gần đây nhóm nghiên cứu chúng tôi đã quan sát được những chuyển động đáng lưu tâm về cái chí công nghiệp hóa việc sinh đẻ từ phía con người: họ đã đạt được những kết quả rất khả quan đầu tiên về nhộng nuôi/tử cung nhân tạo. Việc này hẳn nhiên sẽ có tác động rất lớn đến vai trò của Gái, lực lượng vốn đang, trên danh nghĩa bề mặt, vì nắm giữ lấy quyền lực sinh đẻ nên được trao cho quyền điều hướng các hoạt động nhân văn trên Trái Đất, mà từ đó sẽ thay đổi toàn bộ nền văn minh con người. Chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích, dự báo tiến trình đó ngay sau đây.
Hãy bắt đầu với mệnh đề: “Việc chịu trách nhiệm sinh đẻ đòi hỏi Gái phải có cho mình một lòng dục ái ích kỉ gần như vô tận.”
Chúng ta, với tư cách là một giống loài cao cấp, với rất ít ham muốn, có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian để hiểu được lòng dục ái của loài người nói chung cũng như Gái nói riêng, nhưng nhóm khoa học gia của chúng tôi đã có sẵn đây những lập luận, giả thuyết:
Việc sinh đẻ của con người thực ra là một hoạt động mang tính sinh tử rất cao, ngay từ lúc bắt đầu quá trình thụ thai cho đến tận lúc cá thể mới ra đời. Vậy thì, cố nhiên trong tư duy lẫn tâm lý của “người Mẹ” buộc phải hình thành một trạng thái phòng vệ lẫn đòi hỏi các loại quyền ưu tiên, cốt để đạt được lợi ích cao nhất cũng như rủi ro ít nhất, hòng đảm bảo cả bản thân lẫn Con mình có được một cuộc sống về cơ bản là an lành, còn những chuyện khác đều sẽ được đặt xuống hàng thứ yếu.
Trạng thái này không mất đi khi phận sự sinh đẻ được hoàn thành, hay khi đứa con lớn lên, hay khi đứa con già đi, hay tận khi đứa con lìa đời. Nó, theo quan sát của chúng tôi, thậm chí đã xuất hiện ngay từ lúc Gái chào đời và sẽ cứ thế tồn tại vĩnh viễn. Con người có một cách nói rất hay về trạng thái này, họ gọi đó là “Tình Mẫu Tử”. Tình Mẫu Tử không cần phải đợi đến lúc cá thể Gái lớn lên, chọn giống, giao phối, sinh đẻ, mà đó là thứ con người đã chọn cài luôn vào Bản Năng Sống của giống cái loài mình, vì những nhu cầu cấp thiết mà chúng tôi đã đề cập đến ở trên.
Như vậy, đến đây, trong phạm vi tầm nhìn của báo cáo tổng quan này, chúng ta có thể kết luận cụ thể hơn: “Nền văn minh con người được đặt lên nền tảng là việc khuyến khích, tạo điều kiện và xây dựng vững chắc mối quan hệ Mẹ-Con, và cũng từ mối quan hệ Mẹ-Con, loài người mới có được tất cả.”
Vấn đề là thế này, chúng tôi cho rằng có sự liên hệ mật thiết giữa “Tình Mẫu Tử” và lòng dục ái vượt ngưỡng cần thiết hiện tồn tại ở bất kì cá thể loài người nào, vì lẽ, đã sinh ra đời thì lập tức từng phải ở trong và chịu ảnh hưởng của Tình Mẫu Từ, mà một khi đã sở hữu trạng thái tinh thần đó thì hẳn nhiên phải có mưu cầu, nhưng mưu cầu đến mức độ nào là “Đủ” thì lại là một vấn đề triết học mà con người hãy còn chưa tự giải quyết được.
Bên cạnh đó, Tình Mẫu Tử còn tự biết phái sinh ra những mưu cầu trừu tượng cao hơn nằm ngoài những nhu cầu về nguồn lực vật chất. Việc này là hệ quả từ sự gắn kết tâm linh phát xuất trong quá trình mang thai, khi giữa người Mẹ và người Con có một sự chia sẻ qua lại mạng giao tiếp neuron thần kinh cực kì tinh tế. Cho Con da thịt, cho Con cả bộ não: lẽ tất yếu người Mẹ sẽ dễ dàng cảm thấy sự hiện diện của bản thân mình nơi đứa Con, để rồi từ đó, dù ý thức được hay không, người Mẹ sẽ nảy nòi ra hàng đống kì vọng khác, và kì vọng sẽ dẫn đến ham muốn. Ham muốn tăng lên gấp bội vượt ra ngoài phạm vi cá nhân thì đó chính là lòng dục ái.
Như vậy, nếu là một cá thể loài người bất kì, bất kể thuộc giới nào, miễn là có cái thiên tính cố hữu hướng tâm về Tình Mẫu Tử, cá thể đó sẽ gần như chắc chắn sở hữu lòng dục ái rất lớn nằm sẵn trong bản chất.
Vậy thì câu hỏi tiếp theo hiện lên thật rõ ràng: “Nếu cá thể người nào đó tìm cách và thoát được khỏi cái chức phận sinh đẻ đã được gán sẵn cùng cái bản năng hướng về mối quan hệ Mẫu Tử đã được ghi rất sâu vào trong di truyền thì liệu cá thể đó có còn lòng dục ái hay không?”
Câu trả lời là có, luôn luôn, vì ba lẽ. Lẽ tiên quyết là một sinh vật bất kì trong vũ trụ thì sẽ có dục ái, không có dục ái, nó sẽ không là sinh vật mà sẽ chết, ngay cả cái cây ngọn cỏ cũng có dục ái. Lẽ thứ hai, lòng dục ái là một đặc điểm rất nổi bật ở con người: họ đã được người Mẹ vô thức truyền cho ngay từ khi lọt lòng qua mối giao kết thiêng liêng đó: họ tự hiểu được trong tiềm thức mình được sinh ra là vì đâu, và vì ai. Lẽ thứ ba, việc chối bỏ lòng dục ái dạng abc này tự bản chất chính là một mưu cầu, thì từ đó chính nó sẽ biến thành một lòng dục ái dạng xyz khác.
Đối với những hiểu biết này thì những cá thể xuất chúng đầu tiên trong lịch sử loài người đã có sự giác ngộ rất sâu sắc: nếu như khả năng sinh đẻ đem lại nền tảng, thì lòng dục ái đóng vai trò động năng cho sự phát triển. Các nhu cầu vượt ngưỡng của mối quan hệ Mẹ-Con không bao giờ có thể được thỏa mãn bởi sức lao động của chính họ, mà chúng cần phải được lo liệu nhờ vào năng suất làm việc của người “Cha”, nhà Trai, vốn là lực lượng sở hữu cơ thể đã được biệt hóa để đảm nhận các chức trách bảo vệ và chu cấp. Hay theo một góc nhìn khác, mối quan hệ Mẹ-Con sẽ trao cho giống Trai một cái lẽ quan trọng để sống và cống hiến, qua việc kích thích, tận dụng tiềm năng về sức sản xuất đã sẵn có nơi họ. Nói một cách đơn giản hơn nữa, Gái được đem ra làm cái phần thưởng thì thực chất không để cho Trai hưởng, mà để vị những cái lợi cao hơn cho cuộc sống con người.
Đến đây thì chúng ta chỉ còn phải tìm hiểu về cái chân kiềng thứ ba đã cùng chống đỡ cả một nền văn minh nhân loại: nghiệp vụ quản trị Gia Đình.
Thì trước hết, chúng tôi muốn đưa ra quan điểm rằng, thực ra ý niệm về “Gia Đình” mới là thành tựu xuất sắc nhất mà con người từng đạt được. Với Gia Đình, con người, hay người Cha mới có lý do để lao ra thế giới Tự Nhiên chiến đấu rồi cải tạo nó. Với Gia Đình, những cá thể non nớt có nơi để yên tâm trưởng thành. Với Gia Đình, cái lý tưởng sống (đòi hỏi) căn cốt của Gái mới được chăm nom một cách triệt để và ít có khả năng bị lợi dụng. Gia Đình đã đưa được các cá thể sống trong nó vào khuôn khổ của trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhau: nó giúp cho toàn bộ các nguồn lực được bảo toàn, tập trung, hiệu quả và tiết kiệm. Trên tất thảy, Gia Đình được tạo ra là vì Gái và do Gái, và không ai có thể quản trị nó tốt hơn họ: Gái đạt được năng lực thấu hiểu vượt trên lý trí thông thường nhờ những rung cảm cùng tần số với Con mình, vốn học được khi mang thai chúng; và những thấu suốt vào trong tiềm thức người phối ngẫu, vốn đạt được khi quan hệ tình dục. Nói tới Gái là nói tới Gia Đình đơn giản vì đó chính là thứ định danh họ, làm nên họ.
Gái và Gia Đình của đóng vai trò quan trọng đến mức, nếu muốn đánh phá một quy mô xã hội tầm quốc gia trở lên, thì các nhà chiến lược lỗi lạc nhất lại không cần dùng đến vũ khí: họ chỉ cần đưa ra những chiêu bài truyền thông định hướng tấn công vào nếp sống Gia Đình, làm lệch lạc nó đi, và cứ thế chờ đợi thành quả.
Tại điểm này chúng ta sẽ quay lại vấn đề đã được đưa ra ở phần đầu báo cáo: chuyện gì sẽ xảy ra nếu các phương tiện như con nhộng nuôi hay tử cung nhân tạo "tước đoạt" đi cái thiên chức sinh đẻ của Gái? Liệu việc được giải phóng khỏi bổn phận có bảy phần nguy ba phần cơ đó sẽ khiến cuộc sống của Gái được tự do, hạnh phúc? Hay họ sẽ đánh mất ý nghĩa nguyên sơ của đời mình và để cho lòng dục ái bẩm sinh giờ đã mất đi định hướng nhấn chìm? Và bản thân cái ý nghĩa tồn tại của Gái như là một phần thưởng sẽ bị hiểu méo mó rồi bị lợi dụng đến mức nào? Và quan trọng nhất, cái mối quan hệ cơ hữu đó giữa Gái và Trai dưới chủ nghĩa Gia Đình trị có còn đứng vững? Thứ gì có thể thay thế được Gia Đình đẩy xã hội tiến lên, khi con người ngày càng ham muốn cái sự độc thân tự do vắng bóng trách nhiệm?
Cuối cùng thì, trong các thập kỉ gần đây, việc con người liên tục tấn công vào các hệ giá trị Gia Đình vốn dĩ rất tương đồng của nhau, hóa ra đều là việc tấn công trực tiếp vào Gái: lực lượng nòng cốt, nguồn lực tối thượng của chính giống loài mình. Họ đã chọn bấm vào nút tự hủy. Vài triết gia đã nhận ra chuyện hung hiểm đó, phần lớn thì không. Chúng tôi cho là một đề tài như vậy sẽ rất đáng để quan sát trong thời gian sắp tới, để có thể củng cố cũng như phản biện thêm mệnh đề:
"Trên tất cả, thế giới loài người là thế giới của Gái, do Gái, và vì Gái. Nó là một mô hình thế giới đặc trưng cho kiểu tổ chức xã hội dị tính: Thế Giới Đẽo Gái, và tốt nhất thì nó không nên bị thay đổi."
Σχόλια