top of page

Tiểu Đường Type II

Đã cập nhật: 21 thg 8, 2023

Khoảng hai năm gần đây, tôi gặp nhiều bạn béo phì, cao tầm 1m50-1m60 mà nặng từ 83-97 kg, quả là khủng khiếp. Tôi không nói về hình thức, tôi nói về những bệnh tật mà các bạn ấy đang mắc phải, hoặc sẽ mắc phải trong tương lai: tiểu đường type II (loại 2), bệnh tim, đột quỵ, Alzheimer, ung thư, rối loạn cương dương ở nam giới, hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ giới…


Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nói về tiểu đường type II. Vậy, tiểu đường type II là gì?



Trước hết, ta cần trang bị một số tri thức nền để có thể hiểu được nguyên nhân gây nên tiểu đường type II.


Để dễ hình dung, các bạn hãy tưởng tượng cơ thể người là một cỗ máy, nó cần có nhiên liệu để chạy. Glucose (đường đơn có nhiều trong nho – đọc là gờ-lu-cô) chính là nhiên liệu được sử dụng chủ yếu cho quá trình trao đổi chất từ cấp độ nhỏ nhất của cơ thể là tế bào.


Cơ quan tiêu thụ nhiều Glucose nhất trong cơ thể chính là não (khoảng 50% tổng năng lượng từ đường/1 ngày). Tuy nhiên, não không tự dự trữ Glucose được (nó không tự sinh tổng hợp được cho bản thân mình) nên não sẽ phải phụ thuộc vào nguồn Glucose hòa tan luôn có sẵn trong máu để duy trì sự hoạt động không ngơi nghỉ và nguồn cung đảm bảo. Từ góc nhìn của não thì Glucose/Huyết quan trọng tương đương với oxy (ô-xy) có trong không khí mà bạn cần để thở: thiếu một trong hai chất đó, não chỉ có thể hoạt động được trong vài phút trước khi nó dừng hoạt động hoàn toàn.


Như vậy, để não bộ có thể làm việc suốt ngày đêm, cơ thể cần phải đảm bảo luôn có sẵn Glucose trong máu ở một nồng độ nhất định và việc kiểm soát này đạt được nhờ vào hệ thống tự kiểm tra và cân bằng khá phức tạp. Nếu sự cân bằng này bị phá vỡ, hàm lượng Glucose máu tăng cao khiến tiểu đường type II xuất hiện.


Vậy thì thói quen sinh sống nào sẽ góp phần gây nên tiểu đường type II?


Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường phải ăn các món chứa Carbohydrate (các-bo-hy-đờ-rát – viết tắt là carb) như là nguồn cung cấp năng lượng vừa nhanh, vừa tiện, vừa rẻ: bánh mì, cơm, kẹo ngọt, trà sữa, Coca-cola, v...v…Carbohydrate đi vào cơ thể sẽ được hệ tiêu hóa phân giải thành các đường đơn, trong đó có Glucose được đưa vào máu. Glucose muốn vào trong tế bào thì cần phải có Insulin do tuyến tụy tiết ra (đọc là in-su-lin) làm chìa khóa mở cửa cho vào một lượng đủ dùng. Phần Glucose còn dư được dự trữ trong gan dưới dạng Glycogen (gờ-ly-cô-gen). Nếu có ngày nào đó quá bận rộn, chúng ta không có thời gian để ăn, thì phần Glycogen trong gan này lại được phân hủy thành Glucose đưa trở lại trong máu – nhờ vậy mà cơ thể và não bộ vẫn hoạt động được tương đối bình thường. Nhờ cơ chế trên mà con người có thể tồn tại được trong một khoảng thời gian bị buộc phải nhịn đói.


Một bài báo trên tạp chí Archiv Fur Kriminologie của Đức, dựa theo báo cáo về trường hợp của một người đàn ông 81 tuổi bị giam, cho biết: cơ thể con người có thể tồn tại từ 8-21 ngày mà không có thức ăn lẫn nước uống, và lên đến 60 ngày nếu được cung cấp đủ nước. Như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận là cơ thể con người chỉ cần một lượng thức ăn phù hợp với thể trạng từng người để hoạt động khỏe mạnh, không cần thiết phải ăn quá nhiều. Tuy nhiên, ở thời đại ngày nay thì con người thường ăn nhiều hơn lượng mà họ cần, thậm chí là quá nhiều. Việc ăn uống quá nhiều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc rối loạn trong quá trình đưa Glucose vào tế bào của Insulin, cũng như việc lưu trữ Glycogen trong gan.


Ta hãy hình dung như sau, việc ăn quá nhiều đã kích thích cho bộ máy điều tiết Insulin phải làm việc quá mức, khi nó làm việc quá mức thì nó mệt, và khi nó mệt thì nó không buồn mở cửa cho Glucose đi vào trong tế bào khiến Glucose máu tăng cao. Ta gọi đó là hiện tượng đề kháng Insulin, mà từ nó dẫn đến tiểu đường type II.


Tuy nhiên, để cơ thể phát ra bệnh tiểu đường type II thì phải hội đủ 3 thành tố:


1 – Tế bào Beta của Tụy làm việc quá mức (không tiết ra đủ Insulin)

2 – Béo phì (có quá nhiều mỡ nội tạng)

3 – Dễ bị tổn thương (không thể bù đắp việc các tế bào beta làm việc quá sức và vì có quá nhiều mỡ trong cơ thể).


Tiếp theo, ta sẽ nói sâu hơn về vai trò của tuyến Tụy. Như đã đề cập ở nửa đầu, tuyến Tụy tiết ra Insulin để làm chiếc chìa khóa mở cửa tế bào để Glucose trong máu có thể đi vào trong.


Khi chúng ta ăn, đường trong máu tăng lên, Tụy sẽ làm ngay hai việc. Thứ nhất là tiết Insulin kích thích tế bào “tóm” lấy Glucose khiến đường huyết giảm xuống, và “gọi điện thông báo” cho gan tích trữ Glucose dưới dạng Glycogen.


Khi chúng ta đói, đường huyết xuống dưới mức chuẩn, Tụy lại tận tụy tiết ra Glucagon (gờ-lu-ca-gôn) ra lệnh cho gan chế biến Glycogen thành Glucose đổ ngược lại vào máu.


Như vậy, Tụy đóng vai trò quyết định trong việc điều tiết cân bằng đường huyết của cơ thể. Ở bệnh tiểu đường type II, khả năng Tụy sản xuất đủ lượng Insulin cần dùng sẽ mất dần qua nhiều năm (có thể ít nhất 20 năm). Vào thời điểm bệnh tiểu đường type II được chẩn đoán, đã có thể có tổn thương hơn một nửa số tế bào Tụy là lực lượng sản xuất ra Insulin.


Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường type II nằm ở chỗ nó thường liên hệ chặt chẽ với bệnh béo phì, vì đơn giản là đường trong máu nhiều quá thì cơ thể sẽ tích chúng lại thành mỡ dự trữ. Mỡ nhiều quá mức thì nó xâm lấn đa cơ quan gọi là mỡ nội tạng. Các võ sĩ Sumo nổi tiếng của Nhật Bản chính là đối tượng điển hình phải chịu những hậu quả nghiêm trọng của mỡ nội tạng, đa phần dẫn đến tử vong khi tuổi đời còn khá trẻ. Khi võ sĩ Sumo còn đang thi đấu, cường độ vận động rất cao sẽ khiến cơ thể họ chống lại được hiện tượng mỡ xâm lấn nội tạng để có thể sống rất khỏe với cơ thể to béo, nhưng khi họ về hưu và không còn tập luyện hăng hái, đó là lúc võ sĩ Sumo chuẩn bị tinh thần đối diện với kết cục của đời mình.


Từ đây chúng ta sẽ bàn tiếp nguyên nhân tạo nên “cặp bạn thân hắc ám”: Tiểu đường type II và bệnh Béo phì.


1 – Di truyền


Cứ 3 người mắc tiểu đường type II thì có một người có người thân mắc bệnh. Nếu cha hoặc mẹ, anh em trai/gái của bạn mắc bệnh, thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao gấp 5,6 lần người thường. Nếu trong nhà bạn có 3 thành viên mắc bệnh, nghĩa là bạn có nguy cơ mắc phải cao gấp 15 lần so với những người không có tiền sử bệnh của gia đình. Nguyên nhân có thể được quyết định một phần bởi: gene di truyền, chế độ ăn uống, thói quen giống nhau và tiếp xúc với các điều kiện môi trường sống giống nhau. Bản thân bác sĩ cũng đã trực tiếp đối diện với không ít gia đình mà cha mẹ và con cái cùng nhau bị tiểu đường, thật đáng buồn. Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề lớn mà bác sĩ sẽ viết vào một dịp khác.


2 – Sinh lý


a/ Trong khoảng thời gian đầu đời, đặc biệt là giai đoạn phát triển trong tử cung của mẹ, trẻ sơ sinh có vóc dáng nhỏ so với tuổi của chúng có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type II tăng cao khi chúng lớn lên: có thể do cùng một yếu tố hạn chế sự phát triển của tụy và khả năng của nó trong việc kiểm soát Glucose khi bé đến giai đoạn trưởng thành. Mặt khác, mẹ bị “tiểu đường thai kỳ” thì các bé sau này cũng có nguy cơ mắc phải cùng bệnh, một phần do các tế bào chịu trách nhiệm sản xuất Insulin dễ bị tổn thương hơn.


b/ Tăng nhạy cảm do lão hóa


Một số người mắc bệnh tiểu đường type II khi họ già đi mà không cần phải bị thừa cân. Điều này có thể là do sự lão hóa tự nhiên, dù gì thì khả năng tái tạo của Tụy không phải là vô hạn và khả năng tạo ra Insulin của tất cả mọi người đều giảm dần theo thời gian. Tất nhiên, lão hóa mà còn đi kèm với thừa cân, béo phì, ít vận động thì tiểu đường type II sẽ xảy ra sớm hơn.


3/ Hành vi/Thói quen


Như đã đề cập nhiều lần ở trên, cách ăn uống và sinh hoạt không chuẩn có thể dẫn đến thừa cân và béo phì. Béo phì được định nghĩa là BMI >= 30 (BMI – chỉ số khối của cơ thể)


BMI = cân nặng (kg) / bình phương của chiều cao (m)


Hầu hết năng lượng (đặc biệt là năng lượng từ Carbohydrate) dư thừa từ chế độ ăn uống thiếu kiểm soát được cơ thể đem vào chuyển hóa và cất giữ dưới dạng chất béo. Ban đầu, cơ thể dự trữ chất béo chủ yếu dưới da: vùng đùi trong, mông và vú (được gọi là mỡ ngoại vi – niềm ám ảnh thường thấy của các chị em). Khi mỡ ngoại vi không còn hoạt động như bể chứa năng lượng được nữa, năng lượng dưới dạng chất béo sẽ được lưu trữ xung quanh các cơ quan nội tạng (được gọi là mỡ nội tạng); hoặc nằm hẳn bên trong cơ quan, (gọi là nội quan nhiễm mỡ), ví dụ gan nhiễm mỡ.


Như vậy, bác sĩ hi vọng các bạn đã có một cái nhìn tổng quát về bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa sớm một cách rất đơn giản: ăn vừa đủ, ngủ khẩn trương, vận động thường ngày và hay uống nước.


Bác sĩ hẹn gặp lại các bạn trong các bài sắp tới về: sự đáng sợ của tiểu đường type IIđiều trị tiểu đường type II, cùng loạt bài về chứng mất ngủ, mời các bạn đón đọc nhé.


Cảm ơn các bạn.

Comments


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page