Triết Học Mài Ra Ăn
- Đặng Viễn Chinh
- 16 thg 11, 2023
- 7 phút đọc
Đã cập nhật: 20 thg 11, 2023
Triết Học tất nhiên không thể mài ra ăn ngay được, bởi vì suy cho cùng đấy chỉ là hệ thống ý niệm trừu tượng được sinh ra chỉ trong nhận thức của bất kỳ ai. Bạn không đọc nhầm đâu, “BẤT KỲ AI”. Trong khoảng thời gian từ khi một cá nhân bất kỳ bắt đầu sống ở trên đời, biết nghĩ ngợi, đến tận lúc không còn ai nhớ đến bản thân và những thành tựu trí tuệ của kẻ đó nữa, thì triết học tồn tại. Đến đây vẫn còn hơi loằng ngoằng, để giản lược hơn nữa thì, triết học là hệ thống những phương cách con người nhìn nhận về thế giới bên ngoài lẫn bên trong mình, để trả lời bốn vấn đề kinh điển: “Về ai?”, “Về cái gì?”, “Ai đối với cái gì thế nào?”, và “Cái gì đối với ai thế nào?”.

Ta lấy một ví dụ mà chắc chắn người nào cũng từng trải qua tình huống tương tự, một chàng trai hỏi bản thân: “Cô ta có thực sự yêu mình không?”. Trong đúng một câu hỏi đầy tính triết học này là bốn vấn đề đã nêu, chàng trai cần giải quyết xong rồi muốn làm gì thì làm:
“Về ai?”: Về chính anh ta và cô ta. Anh ta là người như thế nào, liệu anh ta có khả năng nhìn nhận khách quan về chính mình không? Cô ta là người như thế nào, liệu anh ta có khả năng thoát khỏi cái chủ quan của mình về cô ta không?
“Về cái gì?”: Về “tình yêu”. Vậy tình yêu là gì? Anh ta sẽ tự chủ định nghĩa rằng đó là hệ thống cảm xúc đạt được khi hai cá thể hòa quyện về trí tuệ và tâm hồn, hay anh ta sẽ bị thôi thúc bởi bản năng ham muốn những khoái cảm đạt được trong não qua hoạt động giao cấu xác thịt, bởi vì thực tế là nhan sắc của cô ta rất hợp với sở thích của anh?
“Ai đối với cái gì thế nào?”: Bản thân anh ta đối với cái cách nhìn nhận về tam quan (vũ trụ quan, giá trị quan, nhân sinh quan) của cô ta thế nào? Tốt hay xấu? Để cô ta có lý do yêu anh ta?
“Cái gì đối với ai thế nào?”: Cái cách nhìn nhận về tam quan của cô ta đối với anh ta thế nào, có hợp với anh ta không, có đáng để anh ta lao tâm khổ tứ vì cô ta đến thế không?
Như ta thấy, từ bốn vấn đề này sẽ nảy sinh các vấn đề khác, và cứ thế, cứ thế, chàng trai sẽ nhức đầu cho đến cuối đời với một thách đố mà lẽ ra anh ta chỉ cần hỏi trực tiếp cô gái: “Em có yêu anh không?”, “Không anh.” Chàng trai tìm cô khác, và thiên hạ thái bình.
Tuy nhiên, thực tế sẽ là cô gái nói: “Em không biết.” Và sau đó thì hai người cưới nhau, vì quá lười tiếp tục suy nghĩ về tình yêu, vì lỡ mang bầu sau một đêm mưa gió, vì họ cần ưu tiên nghĩ xem sẽ thuyết phục song thân hai bên như thế nào, để rồi đẻ ra hàng loạt các vấn đề triết học mới, ví dụ như “Nuôi dạy con theo phong cách của quốc gia nào cho tốt, hay là dạy theo lối Nho giáo bên Nội, hay là dạy theo lối dân chủ phương Tây như bên Ngoại, hay là kệ nó cho nhà trường và xã hội vì rốt cuộc nó chỉ là hậu quả của một tai nạn, chứ có phải là kết tinh của một thứ gì thiêng liêng đâu?”. Cái đứa bé là con của cặp đôi ấy sau này lớn lên trở thành một triết gia hiện sinh đời mới nổi tiếng, người kế tục sự nghiệp của các thế hệ dở hơi rảnh việc đi trước một cách hoàn hảo, khi liên tục đưa ra những lý lẽ đầy tính vị kỉ làm phiền suy nghĩ của không ít những người trẻ thiếu bản lĩnh vốn đã quá thừa hoang mang về chính mình, chỉ vì năm xưa bố mẹ nó đã bớt suy nghĩ trong mười lăm phút!
Ví dụ trên tất nhiên là một chuyện hài tôi mới nghĩ ra, nhưng không có nghĩa là nó hoang đường. Chuyện hài (đỉnh cao) gây được tiếng cười nhờ chúng gần gũi, cay đắng, và trên hết là châm chọc mọi thứ một cách rất triết, có lẽ cũng vì lý do này mà nhiều anh hề hay nhầm lẫn mình là triết gia lớn để rồi suốt đời không biết làm gì ngoài mải miết lên tiếng dạy bảo mọi người xung quanh.
Đến đây thì các bạn có thể chiêm nghiệm ra mà không cần anh hề nào lên lớp: cuộc sống con người không có triết học dẫn dắt thì nó còn bất định hơn cả cuộc sống bình thường nữa. Không có triết học của riêng mình thì đơn giản là con người tồn tại tựa vào hai động cơ: bản năng và quy ước luân lý chung mà cộng đồng áp đặt, nhưng như thế thì, nói hơi gắt, có khác gì cách động vật tồn tại?
Triết học là một thứ kì lạ, bản thể vật chất của nó cùng lắm chỉ là các tín hiệu điện trong não người mà phải cố lắm mới thấy được bóng dáng qua hình đồ họa của máy tính y khoa, nhưng sức ảnh hưởng thì khủng khiếp, vì nó điều chỉnh lối tư duy và lối tư duy sẽ định hình lối sống. Triết học không mài ra ăn được, nhưng nếu tích cực mài nó thì lại ra công cụ cho nhận thức để con người sử dụng hòng thay đổi thế giới khách quan lẫn chủ quan, để ít nhất là kiếm ăn được. Từ cái việc nhìn thấy hình tròn từ mặt trời, tái hiện được nó trên nền đất, ngộ ra mọi điểm trên đường tròn đều cách tâm một khoảng bằng nhau, rồi từ hiểu biết đó tạo thành bánh xe bằng đá là cả một bước tiến triết học vĩ đại của con người đấy. (Hai trường phái Duy Tâm và Duy Vật có gặp nhau ở đây, ta sẽ bàn tiếp ở bài “Ngụy Duy Vật”).
Vậy là, nếu ta cho rằng mỗi cá nhân tự biết tìm lấy hệ thống lý luận của riêng mình thì, bỗng đâu thế giới sẽ có thêm hơn 7 tỷ triết gia trong chớp mắt, thế thì lạm phát quá. Như mọi thứ, nghề nghiệp gì đi nữa thì cũng đều phân thành đẳng cấp. Loại “triết gia” như quần chúng phổ thông thì bất quá ở được tầm tiểu học, vì họ không đi được đến cái bản chất sâu nhất có thể của một vấn đề, cho dù một đời dùng đến “Phép Biện Chứng” đi chăng nữa. Phải, triết gia so tài nhau chính nằm ở việc sử dụng nhuần nhuyễn phép biện chứng lên các đối tượng khác nhau, bao gồm chính bản thân triết gia.
Phép biện chứng thì căn bản cũng không phải gì ghê gớm, thuở con người bắt đầu biết ăn nói khôn ngoan loằng ngoằng thì họ đã dùng rồi: nó là quá trình những người tham gia cùng trò chuyện thảo luận về một chủ đề, tuy hết thảy có góc nhìn rất khác nhau, nhưng đều chung mong muốn đi đến “sự thật” thông qua những tranh luận đối đáp qua lại có lý lẽ rõ ràng và bài trừ đi những yếu tố có tính chủ quan như cảm xúc cá nhân, hay lối sử dụng đài từ có sức hấp dẫn về cảm xúc.
Sau này, qua nhiều đời triết gia vĩ đại, tất nhiên phải sau Hegel và đặc biệt là Marx, phép biện chứng trở thành một quá trình đi tìm cái thống nhất giữa các mặt đối lập: bạn có một chính đề, tự chính đề này luôn có phản đề của mình, thứ mâu thuẫn hoặc phủ nhận lại bản thân chính đề (hình dung về hai mặt đồng xu cũng tạm được, nhưng hình dung về nước và lửa sẽ hợp lý hơn chút), và sự xung khắc giữa hai bên được giải quyết bằng phương pháp tổng hợp lại những cái “chất” cần thiết. Ví dụ, thay vì để hai bên mãi mãi chống đối nhau như tạt nước dập tắt lửa, hay dùng lửa đốt cho cạn nước, ta có thể dùng lửa nấu một cái nồi đựng nước lớn, rồi cho hơi nước thoát ra vào hệ thống những máy móc bánh răng để làm thành động cơ hơi nước vô cùng mạnh mẽ (nào, hãy nhớ lại cái nồi áp suất dùng hầm đồ ăn ở nhà của các mẹ, chúng đã làm cho mọi thứ nhừ toét ra sao). Cái động cơ hơi nước và cái nồi nấu đồ ăn chính là hình ảnh sinh động kết quả thống nhất sau phép biện chứng triết học về mâu thuẫn lửa – nước / nóng – lạnh / dương - âm đấy.
Bây giờ hãy hình dung thế này, các triết gia tầm thường (hay chính là quần chúng phổ thông, cụ thể là quần chúng phổ thông ở những nước có nền triết học yếu kém) thì hoặc là chỉ biết nước, hoặc là chỉ biết lửa, đụng vấn đề là sẽ nhăm nhăm đem chúng tiêu diệt lẫn nhau, hết. Các triết gia bình thường (hay chính là trí thức nói chung) thì kịp nhận ra, à, có cái đồ đựng cách nước ra khỏi lửa thì lửa và nước hoạt động với nhau được này, cái hơi nước nóng này cũng làm biến tính thực phẩm như lửa nhưng độ phá hủy nhẹ hơn lửa nhiều này. Triết gia đẳng cấp cao có khả năng thay đổi thế giới thì suy nghiệm kiểu như sau: nước có khă năng được thay đổi nhiệt độ và hình thái chất thật là linh hoạt, ta có thể nấu nóng nó lên thành hơi có thể tích lớn hoặc cô lạnh nó đi thành cục rắn, có thể thấy sự chuyển đổi giữa chất và lượng có tốc độ và quy mô khủng khiếp đến thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta có thể khéo léo điều khiển quá trình chuyển đổi đó? A, cái nồi nấu nước xương năm xưa của mẹ, chặn cái nắp lại nấu thì lực bắn ra ghê lắm, hay là, hay là!
Và từ những khoảnh khắc như thế, lịch sử loài người lại bước sang chương mới.
Ta tạm dừng tại đây.
Đặng Viễn Chinh
Comments