top of page

Tâm, Khí, Ý, Hình

Đã cập nhật: 20 thg 11, 2023

Trước đến nay, hình như chưa từng có triết gia lớn có tầm ảnh hưởng nào lại quan tâm để nói sâu sắc về võ thuật, mà thường chỉ có những người theo võ thuật đến mức cao thâm quan tâm để nói về Triết, đó là điều đáng tiếc, vì một nhẽ, có một hướng Giác Ngộ rất rõ ràng trong Võ Đạo, đặc biệt trong Võ Đạo Trung Hoa.



Thực tế thì ai hay theo dõi chuyển động võ thuật thế giới cũng biết, các trường phái Trung Hoa thường xuyên bị chê cười là thừa động tác vẽ vời và thiếu tính thực chiến, chỉ được cái múa may chứ không hạ được ai, chuyện này cần được nói rõ.


Trước hết, đã thuộc hàng cao thủ thì không việc gì phải ra mặt hơn thua với đời, chỉ bọn bản lĩnh chưa đâu vào đâu mới lại hay chường mặt ra đấu đá diễn trò để cho thiên hạ chê cười. Quan trọng hơn, cái mục tiêu tối hậu của võ thuật Trung Hoa, hay thực ra chính là đích đến của bất kì Võ Đạo - Đạo nào, là chiến thắng chính mình, thông qua sự hợp nhất 4 thành tố tồn tại của con người: Tâm (心), Khí (氣), Ý (意), Hình (形).


"Hình" (形) là hình dáng/hình thức, là vẻ ngoài, là hành động phô diễn ra. Hình là cái thấp nhất chịu sự sai khiến của cả Tâm, Khí, Ý. Người bình thường không ý thức rõ về điều này để tự biết cách che giấu, nên nếu bất kì ai có cái tâm chịu khó quan sát chiêm nghiệm kĩ lưỡng thì đều có khả năng nhận ra bản chất thật của người xung quanh mà không để cho các Hình khác trá ngụy gây nhiễu. Việc "nhìn người" này tất nhiên cần một phép quy nạp đúng, đủ lâu, và đủ các hệ quy chiếu văn hóa khác biệt để tránh thiên kiến. Gì thì gì, ở đâu cũng vậy, nhiêu đó Hình, con người giống nhau cả thôi.

"Ý" (意) là tập hợp tín hiệu suy nghĩ kết thành dòng trong bộ não. Trong cấu thành chữ Hán của Ý ta đã thấy có sự xuất hiện của "Tâm" (心), ngụ ý rằng nó xuất hiện từ trong Tâm và cũng là thứ hợp với các thành tố khác để tạo thành Tâm. Để dễ hình dung thì Ý là câu chữ, còn Tâm là quyển sách tập hợp các câu chữ.


"Khí" (氣) để nói cho đơn giản thì nó là cái cách các dòng năng lượng lưu chuyển trong một người, bao gồm năng lượng của thể chất và năng lượng của tinh thần. Thực ra thì suốt từ đó đến nay, đây là thứ mà các nhà khoa học thế giới vẫn chưa thể tường tận và tất nhiên họ đa phần đi đến cùng kết luận rằng nó chỉ là một ngụy biện mang tính duy tâm, có tác dụng không cao hơn "hiệu ứng giả dược" là mấy. Tuy nhiên, theo kiến giải của tôi, kẻ có kha khá năm luyện thiền và khí công Dịch Cân Kinh, thì nó là thế này: "Khí" là kết quả của quá trình rèn luyện dòng suy nghĩ, dòng chất sống (một cách duy tâm) dưới thái độ quan sát ý thức mình, cơ thể mình như là những tồn tại khách quan ngoài bản thân (duy vật), để rồi điều khiển được chúng. Tổng kết lại, người nắm được quyền điều khiển cơ thể lẫn tâm ý mình càng cao thì "Khí" của kẻ ấy càng lớn.

"Tâm" (心) bày đặt ra chữ Hán thì đơn giản nhất nhưng ý nghĩa lại sâu rộng nhất. "Tâm" để nói cho dung dị thì đó là thứ nằm trong bạn mà mọi thứ có đi đến đâu rồi cũng phải trở về và kinh qua. Đối với cơ thể thì cái tâm chính là quả tim, khi máu đi suốt bao nhiêu chặng đường qua các cơ quan thì rồi cũng phải quay về nó. Đối với tinh thần thì cái tâm chính là tập hợp khổng lồ mọi tín hiệu điện não: mọi tư duy, mọi cảm xúc, mọi kinh nghiệm, mọi suy nghiệm duy tâm bên trong, mọi quan sát duy vật thu nạp từ bên ngoài, tất cả hòa quyện (hay là không) thành một thể để làm nên con người bạn. Cái Tâm mới chính là bản thể đích thực của bạn, còn Khí, Ý, Hình thì cũng chỉ là những phản ánh ra thế giới khách quan của Chính Tâm theo các cấp độ cao thấp mà thôi.


Về bản chất, Tâm là loại sở hữu trừu tượng sinh ra từ khổ luyện, dù thực tế không ít người vừa ra đời đã có cái Tâm sáng thiên bẩm. Những cái tên khác của Tâm là Giác Ngộ, và tất nhiên rồi, là Triết (sự thấu tỏ khôn ngoan).


Cực khó để sống có Tâm. Quần chúng phổ thông vốn dĩ mới vào đã mắc kẹt ở Hình rồi. Theo bản năng, con người đã quá quen với lối sống hòa vào và dựa trên tập thể, cụ thể là dựa vào biểu hiện, vào Hình của tập thể để điều chỉnh Hình của bản thân mình một cách vị lợi nhất có thể. Điều này dẫn đến việc mỗi cá nhân trong vô thức đã tự đánh rơi mất Ý, không có Ý thì khỏi có Khí và Tâm.


Đến đây chúng ta tạm giải lao khỏi những suy nghĩ nhức đầu. Những hiểu biết tôi có trên đây có sự đóng góp không nhỏ của võ thuật. Để nói về tư cách thì, tôi đã từng có đai này đai nọ Vovinam, đã luyện qua Kendo (Kiếm Đạo), đang học thêm Quyền Anh (Boxing). Tất nhiên, tôi sẽ còn theo nhiều môn nữa trước khi sáng tạo ra Võ Học của riêng mình. Tại sao tôi lại hiếu võ đến thế, tại vì có rất nhiều niềm vui trong luyện chúng:

Trước hết là luyện Hình Ý: luyện động tác/chuỗi động tác. Động tác (chiêu thức) của mỗi môn võ đều là tinh hoa sau quá trình tối ưu hóa sao cho kết quả tốt nhất có thể: đứng tấn ra sao cho khỏi ngã, di chuyển thế nào cho ít tốn sức, vung tay thế nào ra chân làm sao, v...v... Hình Võ thuần thục sẽ sinh ra Ý Võ, hoặc Ý Võ sáng tỏ thì dễ thuần thục Hình Võ, trong Hình có Ý và trong Ý diễn Hình, điều này tùy vào ngộ tính mỗi người.


Từ Hình Ý luyện thành, ta luyện tiếp Khí Tâm. Hình Ý nhuần nhuyễn thì tự động Khí chuyển điều hòa, không chỉ thân thể khỏe mạnh mà tâm trí cũng được sáng rõ. Việc này giải thích được bằng khoa học luôn: hệ thần kinh điều khiển cơ thể thì ngược lại cơ thể vận động cũng là khiến cho hệ thần kinh được tập luyện. Như vậy, võ thuật sớm muộn kiểu gì cũng sẽ cho người luyện nó cái cảm nhận về Hình, Ý, Khí, để rồi cái Tâm Võ từ đó mà được sinh ra. Cái Tâm Võ này sẽ được hoàn thiện và nâng cao thông qua giao đấu, hữu nghị hay hơn thua thì tùy. Tâm Võ có thể lên cao hơn được nữa để trở thành Triết hay không còn phụ thuộc vào thiên tài của cá nhân, nhưng trước hết, cái Tâm ấy sẽ khiến cho người sở hữu nó một thái độ sảng khoái trước đời, rằng, ta đối với ta thế nào mới thực là quan trọng, còn thế giới đối với ta thế nào thì để ta liệu đã.


Vấn đề là thế này, bạn hãy thay thế hình ảnh Võ Thuật bằng Văn Hóa. Không phải tự nhiên mà các nền văn hóa lớn đều có (các) môn võ biểu tượng cho riêng mình, vì đơn giản, đó là cách nhanh nhất để diễn họa các tư tưởng Triết học của họ.


Tâm, Khí, Ý, Hình, cả đời người bất quá cũng chỉ là hành trình rèn luyện 4 thành tố này thôi, vì ngoài chúng ra, ta còn thực sự sở hữu cái chi?

Đặng Viễn Chinh

Comentários


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page