top of page

Tâm Thần Ký

Đã cập nhật: 16 thg 9, 2023

Cách đây chưa lâu, tôi cũng gọi là có một đoạn quen biết một ông tiến sĩ tâm lý lừng danh. Về mặt con người và chuyên môn của ông ta thì tôi hoàn toàn không có vấn đề, thậm chí tôi khá ưa thích một cá tính thực dụng và có tính chiến đấu như vậy. Tuy nhiên, sau cùng thì mọi thứ đều quy về lý tưởng thôi, ổng mơ mộng về việc dựng lên một tập đoàn kiếm tiền từ việc hỗ trợ giải phóng và trị liệu con người từ trong tâm trí, còn tôi cho rằng đó nên là việc miễn phí và ai thực ra cũng có khả năng tự làm và làm cho nhau, nếu môi trường xã hội đủ tốt và cá nhân đủ nỗ lực.


Thực tế là thế này, bi ai vĩnh viễn của nhân loại là chẳng (mấy) ai có khả năng tự nhìn nhận chính mình để tự điều trị cả.



Mỗi người ngoài kia, bất kể là ai, đều có những vấn đề điên loạn luẩn quẩn mãi trong trí mà gần như không thể tự nhận ra chứ chưa nói đến việc tự đả thông. Những “người bình thường” mà ta trông thấy mỗi ngày, đưa tay chào, nói cười, và làm việc cùng, thì bất quá cũng chỉ là những vỏ bọc được dựng lên để trông thế giới nó không bị rối bời thôi. Tại sao lại có trò này? Con người về cơ bản là động vật xã hội bậc cao nên nhu cầu được hòa mình vào một cộng đồng nào đó của mỗi cá thể là vô cùng lớn. Chính vì mải quen thói “muốn được là một phần của abcxyz” mà riết rồi thay vì quan tâm đến chính những tầng sâu trong tâm hồn mình thì con người chỉ nhăm nhăm “diễn xuất” ra một bản thể để ứng đối với thế giới.


Bây giờ, ta hình dung thế này, tâm trí của con người là những tờ giấy, mỏng hay dày, dai hay bở thì tùy cơ duyên mỗi cá thể. Những tác động từ quan hệ xã hội, giữa người với người, giữa tổ chức với tổ chức là những khẩu súng nước. Chúng bắn, một hay hàng đống tia nước màu, liên tục liên tục lên mấy tờ giấy tâm trí đó: có tờ thì không hề hấn gì, kháng luôn cả nước, có tờ thì ướt sũng xong rất lâu mới khô rồi trở nên nhăn nheo, lại cũng có những tờ lập tức nát mủn ra. Đúng, tâm trí con người chịu ảnh hưởng cực lớn từ môi trường xung quanh, nó đặc biệt thích hấp thụ thông tin, bất kể tốt xấu, một kiểu cơ chế sinh tồn: biết càng nhiều thì cơ hội ngụy tạo bản thân sao cho phù hợp với lề lói môi trường sống xung quanh càng lớn, từ đó khả năng được môi trường đó chấp thuận thay vì đào thải càng cao. Đó là cơ chế giúp cho “Văn Hóa” tồn tại và phát triển được lâu đến như thế. Cũng nhờ cơ chế đó mà cá nhân bất kì nào đó đều có thể trở nên mê đắm và “đồng hóa” bản thân vào một nền văn hóa ngoại lai, nếu được “phơi nhiễm” đủ lâu.


Tuy nhiên, chính ra trong sâu thẳm, con người cũng lại là động vật vị kỷ, thậm chí đến mức ích kỷ. Rất hiếm có loài động vật nào mà tính kèn cựa, ganh đua giữa các cá thể cùng loài lại cao như con người. Điều này cũng không mấy bí ẩn, ta có thể giải thích là vì nhu cầu được chứng tỏ giá trị bản thân của mỗi cá thể người là cực cao, nó ăn luôn vào bản năng của họ. Ta nên nhớ trước khi con người có thể hiệp đồng được với nhau rồi trở nên vĩ đại thì họ đã là những cá nhân lẻ loi, cô đơn và đầy sợ hãi: những kẻ yếu nhược luôn nghi ngờ thiên nhiên đầy hiểm nguy rình rập xung quanh mình và sẵn sàng phản kháng lại bất cứ thế lực nào có khả năng uy hiếp sự tồn vong của bản thân.


Một bên là bản tính “muốn hòa vào”, còn một bên là bản tính “muốn riêng ra, muốn chống đối” đã cùng đấm nhau mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, để tạo nên sự loạn trí trong bất kì con người nào. Cái bi kịch lớn nhất trong cuộc đời một con người là tự mâu thuẫn với chính mình.


Hãy ngẫm lại xem mình có lúc nào như thế này: buổi sáng đi vào xã hội, mình là một kiểu người, đêm về khi chỉ còn mình đối diện mình, ngẫm lại và suy xét, mình nhận thấy hình như con người buổi sáng không phải là mình, nhưng, mình giờ cũng vẫn không rõ mình là ai? Mình là ai, trong cuộc đời này? Với kiểu cách như thế thì con người sẽ sớm mắc bệnh nghi ngờ bản thân, và khi họ nghi ngờ bản thân thì thực tế là họ chẳng làm được gì cả, vì đã tự đánh mất hoàn toàn thế chủ động. Khi con người đánh mất thế chủ động thì những bản năng xa xưa khi bị dồn vào bước đường cùng trong họ trỗi dậy, những đặc tính âm độc nổi lên, họ quay ra chiến nhau, và thế giới không còn yên bình được nữa.


Rất hiếm có những xã hội mà “người bình thường” chiếm đa số. Một xã hội “bình thường” hiện tại là một xã hội không có “người bình thường”; người bình thường ở đây đơn giản là người biết tự mình an vui làm đủ tứ khoái mỗi ngày mà không khiến người khác phải “đau”. Ai cũng đã từng làm đau ai đó thôi.


Đó là những hiểu biết căn bản mà một nhà tâm lý/thần phải nói rõ và đào sâu nhất có thể cho bạn, nếu như bạn xui xẻo phải cần đến họ, nhược bằng không, họ chỉ ve vuốt lòng vòng bên ngoài rồi bào tiền bạn thôi. Nói cho ngay thì họ cũng chẳng hiểu được đến mức đấy đâu: hãy nghĩ là một đứa ăn học lý thuyết quẩn quanh trong mấy bức tường giảng đường suốt mấy thập kỉ và cùng lắm thì ngồi trò chuyện cùng vài-bệnh-nhân-tâm-lý/thần-dư-tiền được dăm ba nghìn giờ, thì lấy đâu ra hiểu biết về con người và xã hội, để xem cách chúng tác động lẫn nhau? Để len xuống được những động cơ sâu hơn ở bên dưới? Muốn có những hiểu biết đó thì phải thực chứng, muốn thực chứng thì phải dấn thân, phải lao vào. Ta ví dụ, Đức Phật đại ngộ đâu có phải là do Ảnh ngồi một chỗ nghĩ vớ nghĩ vẩn suy tới suy lui, mà do Ảnh phải lao vào cuộc sống, vi hành, quan sát, học hỏi, nghiền ngẫm suốt cả một đời mòn hết không biết bao nhiêu đôi dép tấm mền tấm áo chứ đâu ra dễ vậy.


Tôi làm được giống Ảnh, tôi biết.


Thực ra, tôi đặc biệt quan tâm đến các trò chơi tâm lý từ khi nhỏ xíu, để trước hết cứu lấy Ba Mẹ tôi. Họ là những người thông minh nhất mà tôi từng biết, nhưng vẫn chưa đủ để không là "bệnh nhân" đầu tiên và suốt đời của tôi. Nói chung Người thì vươn mình từ cán bộ huấn luyện đặc công, suýt nữa phải đi bắn tử tù, từng có những cuộc tâm sự rất sâu cùng các cựu điệp báo viên phát điên, bị đì làm tham mưu, rồi lại phải đi điều tra những vụ việc hình sự còn man rợ hơn truyện Conan nhiều, rồi lại vươn lên làm quản lý kinh tế; Người kia thì là bác sĩ sản khoa tuy được hưởng nhiều niềm hạnh phúc thiêng liêng khôn tả trong việc đón chào những sinh mệnh mới, nhưng cũng phải chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện phản bội tăm tối giữa người với người chỉ vì dục vọng tầm thường nơi hạ bộ, thì không điên mới là lạ. Ba Mẹ tôi bảo vệ và xây dựng xã hội, còn tôi cố gắng hết mọi thiên tài con con để bảo vệ họ khỏi bị loạn trí.


Với hơn chục "bệnh nhân" như vậy, bao gồm cả những đứa trẻ khốn khổ ở các trại tế bần, và luôn chính bản thân mình, suốt một sự nghiệp đã hơn 20 năm dài, thì rất khó để tôi tránh khỏi việc nhếch một bên mép nhìn xoáy vào cái cách bọn chúng ve vuốt tư lợi trên tâm lý nhau bằng những lời hoa mĩ giả dược, hoà tan với thuốc an thần, cùng Đạo Phật giả hiệu ba lăng nhăng.


Chỉ có một cách duy nhất để làm bác sĩ tâm thần cho ra hồn, đó là Sống Cùng bệnh nhân. Đúng rồi, nếu cần chữa trị cho chính mình thì bạn phải sống cùng với chính bạn, bạn phải tách được mình ra khỏi chính mình, việc cực khó đấy. Bạn phải đồng hành, mức độ cao nhất là từng trải một hành trình cũng kiểu thế, để thấu hiểu. Muốn làm được chuyện đó thì bản lĩnh của bạn buộc phải liên tục cao hơn bệnh nhân: bạn đi vào để đau cùng họ, rồi tự mình giải quyết nỗi đau ấy, thoát ra, hướng dẫn họ cách đi đứng bước qua chông gai, rồi lại vào, rồi lại ra, từng bước một, cứ thế, liên miên không dứt, mỗi tầng tiềm thức có phải két sắt chống trộm đâu mà dễ mở?


Thời gian và tiền bạc nào mà đủ cho một liệu trình trị liệu hoàn hảo như thế mà lũ khốn các thể loại thầy bà cứ vẽ lên hòng bòn rút bệnh nhân? Bệnh nhân nhiều người kể cũng hài hước, điên loạn một đời để đong xèng rồi dùng đống xèng ấy thuê người chữa mình khỏi điên loạn ư?


Bí mật nhà nghề của bác sĩ tâm thần không nằm ở lý thuyết tâm thần hay là thuốc hay là máy chụp cắt lớp não. Nó nằm ở tình yêu: yêu đời, yêu người, một thứ tình cảm vô hạn vượt lên trên cả bản thân con người, không biết yêu thì không làm được đâu, phải yêu. Vốn dĩ bình thường chả ai lắng nghe được ai, kể cả đến mức ôm nhau làm một trận say khóc ngất chí tử đến suýt mất mạng rồi ai cũng lại về nhà nấy, lại đối mặt với những con quỷ xấc xược trong tâm hồn mình. Đời là thế, bản thân không dám đối diện, không dám nghĩ, không dám làm, không phản tỉnh, không tự mình, thì sao do mình? Không do mình thì sẽ lại do người, do đời, do những định kiến luẩn quẩn trong trí điều khiển thôi, trách cứ gì được? Đối đãi với chính mình còn không xong thì sao mà đối đãi được ai?


Rốt lại thì mọi khổ đau triền miên trên đời khởi phát đầu tiên từ trong trí óc người cả, và hành trình giải phóng một người khỏi chu trình ấy thì khổ chẳng kém, có khi hơn, thực ra thì nó cũng đòi hỏi tư chất thông minh của chủ thể, cùng nhiều nguồn lực to lớn và cơ duyên khác nữa. Thật sự éo le thay, bạn cần phải đặc biệt để được làm một người bình thường không bị khùng! May mắn là con người giỏi ở chỗ họ cũng sinh ra được những triết gia lớn tự mình giải quyết được hết những vấn đề đó chỉ bằng tư duy, rồi chia sẻ lại cho người khác, người nổi bật nhất trong số đó, tất nhiên là Anh Phật.


Tôi nghĩ thế này, những gì cốt lõi mà Anh Phật tôi truyền lại, thực ra không chỉ để nhăm nhăm cứu lấy thứ gì đấy đã vụn vỡ (À, đấy, mặc cho nỗ lực cả một đời của bậc trí tuệ tầm cỡ Anh, quốc gia dân tộc của Anh vẫn tự mình diệt vong trước mắt Anh), mà là để hướng dẫn một hành trình giác ngộ ngay từ đầu, cứu cho mỗi con người khỏi sa mình vào biết mấy đau thương trong hành trình rất dài của cuộc đời. Đó mới là ý nghĩa đích thực của triết học, và tông giáo-bản thể phái sinh của triết học đấy.


Thôi ta tạm dừng ở đây. Hẹn gặp lại nhau trên hành trình này.


Ngọc Ảnh


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page