top of page

Tư Bẩn Cô Ca x Cô La

Đã cập nhật: 19 thg 8, 2023

Nghe tên bài thì hẳn các bạn cũng đoán ra được đối tượng mà tôi nhắm đến, nhưng thực ra thì không chỉ mình hắn, mà là cả một chủ nghĩa tư bản kiểu mới được đặt theo tên hắn mà vốn từ rất lâu đã vươn vòi rất sâu vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống của chúng ta. Nghe sặc mùi thuyết âm mưu nhỉ? Không đâu.



Giờ ta bàn về những thành tố quan trọng của chiến tranh, trước.


Thực ra thì thành bại mang tính quyết định của mọi cuộc chiến từ xưa đến nay, trên thế giới này, lại không nằm trong những thứ cụ thể như hòn tên, mũi đạn, hay nắm đấm người lính. Nếu chỉ dựa vào chúng mà xét đoán chiến cuộc thì ngay từ đầu bất kì ai cũng có thể võ đoán rằng nước Việt ta không có cửa nào đọ sức chứ đừng nói là đánh thắng cả hai cường quốc là Phớp lẫn Mẽo.


Vậy thứ sức mạnh nào đã được Bác Hồ cùng đồng chí mình nhìn ra và tận dụng triệt để? Câu trả lời, như tôi đã nhắc đến hơn một lần, nằm trong tuyên bố của Ngài Napoleon: "Bọn gà bàn chiến lược, dân chuyên nghiệp bàn luận logistics." Ở đây tôi không dịch "logistics" hẳn ra là "hoá vận" vì đơn giản là từ được dịch ra không bao hàm được hết ý, trong khi bản thân "logistics" đã được áp dụng nhuần nhuyễn cả trong chiến tranh thông tin.


Phải, cha ông ta chiến thắng là nhờ đã "dựng" thành công hai con đường Hồ Chí Minh, một trên cạn (đường Trường Sơn) và một trên biển, song song với việc làm truyền thông hiệu quả: vừa thu thập tình báo cực tốt vừa dân vận rất giỏi. Ta cứ hình dung hệ thống logistics đó như một cơ thể có đầu não chỉ huy, có huyết mạch đưa quân nhu đến đúng chỗ cần (logistics-hậu-cần), có dây thần kinh truyền và nhận thông tin để lên chiến lược/thuật ứng phó đối thủ (logistics-thông-tin).


Như ta biết, đế quốc Mẽo đã thua Việt Nam cả hai mặt trận, đặc biệt ở mặt trận sau. Không phải tự nhiên mà trong hồi kí của mình, thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã nhận định rằng Việt Nam thậm chí còn có cơ hội lớn được giải phóng từ tận năm 1965, (nếu như chúng ta không mắc kha khá sai lầm mà tôi không tiện bàn ở đây).


Cũng từ đây, Mẽo đã trở nên ám ảnh với logistics, đặc biệt là logistics thông tin, bởi vì, gì thì gì, logistics hậu cần là thứ mà một quốc gia ngoại lai không dễ gì xây dựng được cho mình nơi vùng đất lạ mà họ tiến đánh, dù họ có bản lĩnh đến đâu. Sự thật như thế nào, phần sau chúng ta sẽ rõ.


Thực ra thì cũng không đợi đến lúc Mẽo thất bại trước Việt Nam thì người ta mới biết được đến sức mạnh của logistics thông tin. Ví dụ Churchill chỉ nhờ khả năng tình báo của cấp dưới và...giọng phát biểu truyền cảm của mình mà khiến cho quân Anh có một kết cuộc không đến nỗi tệ trong Thế Chiến II. Ví dụ như Ngài Fidel Castro làm cách mạng thành công từ hai bàn tay trắng và trước hết chỉ một cái máy ra-đi-ô phát đi lời hiệu triệu. Ví dụ như quân Đức đã từng cay cú đến thế nào mà ra lệnh lùng g.iế.t hai nữ phát thanh viên Liên Xô, chỉ vì: "giọng bọn nó truyền tin khích lệ sĩ khí ghê quá". Rất nhiều, rất nhiều bài học mà ta có thể thấy tác động to lớn của mặt trận không khói súng ấy.


Đến đây các bạn đã có thể hiểu rõ ràng vì sao tôi từ bỏ ngành y để sang ngành truyền thông "xịn" (như Truyền Thông Ký đã mô tả khá chi tiết), ngoài lý do là tâm niệm theo như Lỗ Tấn đã nói: "Chữa bệnh cho thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh cho tinh thần".


Và, tôi mất nhiều năm ăn học làm lụng chỉ để nhận ra thật đáng buồn là chủ nghĩa “Tư Bẩn Cô Ca x Cô La” đã đi trước chúng ta rất nhiều năm.


Trước tiên, để tôi giới thiệu cuốn sách này cho bạn nào có nhu cầu nghiên cứu sâu hơn: "Công Dân Coke". Sách do anh Hạo Nhiên bạn tôi dịch và phát hành cũng đã được vài năm. Tôi cũng không hiểu bằng phép màu nào mà cha đẻ của cuốn sách, anh Bartow J. Elmore lại không những thành toàn được nó, mà lại còn phát hành và khiến nó nổi danh toàn thế giới, dưới sự theo dõi và gây áp lực của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy.


Nếu có ai đó nói với bạn cuốn sách trên nêu bật lên khả năng quảng cáo xuất sắc của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy thì chứng tỏ: một là họ không đọc hết và hai là họ chẳng hiểu gì về nó cả. Điều nó thực sự làm là đã kể lại được chân thực quá trình, và mô tả chi tiết bộ máy "logistics kép" thiên tài mà Cô Ca x Cô La đã nghĩ ra.


Cái thứ mà ta biết đến với cái tên mĩ miều là "quản trị chuỗi cung ứng" thì chính kẻ ấy bày têu ra đầu tiên, ngay cả người khổng lồ Apple cũng là học từ đấy đấy.


Số là từ lâu, Cô Ca x Cô La, với lòng tham nổi danh của mình, đã nghĩ kế tối ưu chi phí logistics:


“Tại sao mình lại phải tự pha si-rô đặc với nước, bơm ga, rồi đóng vào chai sẵn mang đến cho bọn nó nhỉ? Tại sao mình lại phải đóng chai rồi quản lý chai lọ cho bọn nó? Để bọn nó tự đóng. Tại sao mình lại phải pha sẵn nhỉ, phí nước và ga (CO2) của mình ghê. Để bọn nó pha. Tại sao mình lại phải đem si-rô đặc đến cho bọn nó? Để bọn nó đến lấy.


Chai thuỷ tinh sao mà bất tiện quá, nguồn cung không sẵn, qua dùng chai nhựa xài 1 lần bỏ liền nào. Xử lý chai nhựa hả, ủa, chính phủ mỗi nước tự làm lấy chứ, mình lên TV diễn kịch tái chế xíu thôi chứ mình sức đâu mà làm.


Đường gây nghiện hay quá này, cơ mà sao nó vừa đắt vừa nguồn cung không ổn định. Hay mình trả tiền lobby cho các chính phủ trồng toàn bắp/mía, phần bắp/mía dư ra bà con tự mà xử lý lấy. Đường thật vẫn tốn xèng quá, thôi thì mình dùng đường hoá học chưa rõ tác động tới sức khỏe nào.


Nước để pha si-rô, chà, phân chia sản xuất theo đơn vị nhà máy cò con sao bất tiện quá, lobby luôn vài chính phủ để họ cho mình kiểm soát nguồn nước nào. Cái gì? Dân không có nước sạch để uống hả? Vậy thì cho họ uống Cốc của mình đi nè.


Sao? Người ta cáo buộc mình gây ra nạn béo phì và tiểu đường (type II) sao? Làm gì có chuyện đó! Mà có thì đã sao! Mấy ông bạn mình bên dược phẩm tha hồ bán Insulin nhé. Chống làm gì, chống có được đâu, nhỉ?”


Và, "quản trị chuỗi cung ứng" đã ra đời như thế. Ta hiểu đơn giản hoạt động ấy là: cái gì có hàm lượng chất xám cao thì ta cứ ôm khư khư bí mật mà làm; và đẩy ra cho người khác làm các bước thứ cấp hao tổn nguồn lực tự nhiên và ô nhiễm môi trường, để tối ưu chi phí logistics.


Tất nhiên là để các chiêu trò trên hoạt động trơn tru thì kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy phải dựng lên cho được hai cô cầm trịch logistics thông tin: Cô Ca và Cô La.


Cô Ca, tất nhiên, không gì khác, có nhiệm vụ ca ngợi: thổi phồng lên ý nghĩa của nhãn hiệu, vận động lối sống phù hợp hình ảnh nhãn hiệu, cổ súy lòng tham muốn. Với tràn đầy năng lượng tích cực, Cô Ca sinh ra là để trở thành biểu tượng để người ta yêu thương, nghiện ngập, cuồng tín. Từ đó, cô tha hồ định hướng suy nghĩ của đàn Dục Nô của mình, biến họ thành một loại Vẹt Tư Tưởng nhại lại bất cứ thứ gì cô nói ra.


Còn Cô La, phải rồi, là nó, nhiệm vụ của cô là la ó: la ó những kẻ có thể gây phương hại đến nhãn hiệu của cô, la ó một nếp văn hóa không có lợi cho việc bán hàng của cô, la ó việc người ta hăng say lao động mà quên đi lòng tham muốn bình thường. Với tràn đầy năng lượng tiêu cực, Cô La sinh ra là để kích động, để bẻ quặt quẹo đi dương tính của quần chúng. Khi quần chúng chỉ mải chiến nhau thì không những Cô Ca x Cô La được hội cuồng mình bảo vệ, mà bản thân Cô Ca lại càng có điều kiện thuận tiện thao túng họ sâu hơn.


Không lạ khi Cô Ca x Cô La sau nhiều năm đã trở thành một đế chế nước đường pha sẵn, khi tính sơ sơ vài năm trước đã có 1.8 tỷ đơn vị được tiêu thụ mỗi ngày. Nhưng thế đã là gì so với thành tựu trọn đời của hai cô: sinh ra một chủ nghĩa tư bản kiểu mới, một chủ nghĩa chăn nuôi người với tên gọi “Tư Bẩn Cô Ca x Cô La”.


Đã bao giờ bạn phát cuồng lên vì một “nhãn hiệu” nào đó? Đã bao giờ bạn phải mua cho bằng được thứ mà thực ra không có nó bạn cũng chẳng hề hấn gì? Đã bao giờ bạn phải rồ lên điên cuồng bảo vệ cho một thứ lý tưởng mà “nhãn hiệu” nào đó ban phát, khi có ai đó đưa ra ý kiến đối nghịch về nó?


Đã bao giờ bạn có đủ cả ba hoạt động trên? Nếu có thì “chúc mừng” bạn, hầu như những gì bạn nghĩ và làm đều đã có kẻ nào đấy đứng đằng sau mớm sẵn cho. Bạn khi ấy rất được tự do, trong khuôn khổ, đừng lo, khi bước đường của bạn bị chệch khỏi đường biên bao, người ta sẽ nắn bạn lại ngay ấy mà, nếu bạn còn giá trị lợi dụng.


Làm thế nào để có thể thoát ra khỏi cảnh chịu ảnh hưởng của Tư Bẩn Cô Ca x Cô La? Thực ra thì việc đã gần xong từ khi bạn đặt ra được câu hỏi trên rồi, còn nhược bằng không, thì ngay cả một chuyên-viên-logistics-thông-tin với một cái bụng tốt như tôi cũng không có cách nào cứu giúp cả. Thực ra thì tôi thấy có một sự thật phũ phàng là người ta ưa sống trong những cái chuồng của mình hơn là bước được ra ngoài, bằng một cách nào đó thì ở trong chuồng cảm giác nó vẫn an toàn hơn mà, phải không?


Mong cho bất kì kẻ nào trong chúng ta cũng được sống vui, trong sự tự do đích thực.


Ngọc Ảnh.

Comentários


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page