top of page

Tư Duy Luận - Phần 1

Đã cập nhật: 27 thg 3

Tôi quyết định đăng lại toàn thể bộ "Tư Duy Luận" (3 phần) không gì hơn là đâu đó cung cấp cho các bạn thân mến của tôi bộ vũ khí chiến đấu lại tiến trình "Vẹt hóa".


Ánh xạ của tiểu luận này thực ra đã được trình chiếu khắp hệ thống các bài viết của tôi, nhưng như đã biết thứ ánh sáng phản lại từ mặt trăng chẳng bao giờ sánh được với hào quang thực sự từ mặt trời, nên, cần thiết có những dòng này, để giải quyết vấn đề cơ bản nhất.



Dáng hình tư duy tưởng khó nắm bắt nhưng chẳng có gì lạ cả. Hãy quay lại thời điểm con-người bắt đầu trở nên xuất chúng khỏi giới động vật.


Thế giới con-người bắt đầu từ thể XX, mà sau này, ta dùng từ "Mẹ", "Nữ" để gọi tên.

Tại sao lại là thể XX?


Thể XX với trục đối xứng và xác suất di truyền 50/50 là lựa chọn tốt nhất lúc ấy để đảm bảo khả năng sinh tồn và tính công bằng trong xác suất thừa kế vốn gene ở các thế hệ sau.


Chí mạng ở chỗ, cơ thể XX quá yếu đuối, hơn nữa, lựa chọn chỉ trong X này hoặc X kia là ít ỏi trong bối cảnh môi trường biến động không ngừng. Đẻ nhiều, đẻ liên tục không phải là cách giải quyết. Đẻ anh rồi chết sớm thì đẻ để làm gì?


Vậy là một "Người Mẹ" vĩ đại đã đưa ra quyết định có thể tạm gọi là sáng suốt tới tận 2 triệu 5 ngàn năm sau: đột biến bất đối xứng, sinh ra thể XY. Công tác di truyền trở nên dị tính, và ngay lập tức thể hiện sự ưu việt của nó với 4 loại tổ hợp, mà ở đây không bàn sâu.


XY ra đời với rất nhiều khiếm khuyết về miễn dịch dẫn đến thọ mệnh thấp. Nhưng chúng được phú cho cơ bắp, và một cơ thể giảm thiểu hao phí nguồn lực nhờ việc trừ bỏ hệ thống nội tiết và không gian sinh nở. XY được sinh ra để lao động, chiến đấu và bảo vệ XX. Từ đây, phân ra hai hệ cảm.


1/ Hệ XX - Hệ cảm ứng


XY xuất hiện, sự phân công nhiệm vụ diễn ra. XX giờ đây ở yên một chỗ, tập trung vào việc sinh nở, chăm sóc gia đình, cũng là lúc họ mài dũa cái gọi là "hệ cảm ứng" dựa rất nhiều vào hoạt động của nội tiết tố.


Cơ chế hoạt động hệ cảm ứng khá đơn giản. Thông tin đầu vào được ghi nhận qua quá trình "cảm nhận", để rồi hệ thống xử lý đưa ra "ứng đáp" tạm thời. Nếu các ứng đáp mang lại kết quả "tốt", chúng sẽ được lưu trữ vào "thư viện kinh nghiệm".


Đặc tính hệ cảm ứng là thụ động, có tác động từ môi trường mới đáp ứng, như vậy, trong tình huống khẩn cấp đã hao phí một nhịp xử lý. Vì vậy, cần thiết hình thành cơ chế mới cho phép truy xuất thông tin ngẫu nhiên tức thời từ "thư viện kinh nghiệm", mà ngày nay gọi là "trực giác", nhằm "cảm ứng trước", để dự báo nguy cơ.


Từ đây sinh ra câu hỏi về tính logic của hệ cảm ứng XX.


Điều dễ nhận ra là "thư viện kinh nghiệm" càng sâu rộng bao nhiêu, thì độ chính xác của hệ XX càng cao bấy nhiêu. Trước một biến cố là "B+", thư viện có tập đáp án gồm (A, B-, C-, C+) sẽ đưa ra giải pháp tốt hơn thư viện có tập (A, A+, C-).


Hệ XX rõ ràng có logic của nó, tuy nhiên, logic ấy phụ thuộc quá nhiều vào "thư viện kinh nghiệm". Trình độ của "thư viện kinh nghiệm" lại tùy thuộc vào độ đa dạng môi trường xung quanh nó. Tồn tại trong một môi trường cô lập không những giới hạn mà còn làm suy yếu "thư viện kinh nghiệm". Như vậy, để sinh tồn hiệu quả bằng cách phân công nhiệm vụ cho thể XY và bản thân thì lui về sau, thể XX vô tình đã tự cô lập và làm suy yếu chính mình.


Gọi tên hệ XX chính vì thể XX là thể chuyên sử dụng hệ cảm ứng XX này từ sơ khai.


Điều này khiến ta nhận ra mỗi cá nhân con người trở nên nhàm chán ra sao khi máy tính mới đang là chuyên gia hệ cảm ứng XX. "Thư viện kinh nghiệm" của chúng được gọi với cái tên vô cùng hấp dẫn: Dữ Liệu Lớn - "Big Data".


Và giờ chúng đang dần tiến tới khả năng nhớ vô hạn với sai số cực tiểu. Điều này khiến chúng dần trở nên vô địch ở các khả năng chuyên biệt, điển hình là các môn cờ.


Con người còn thú vị, và phần nào đó vượt được máy tính trong nhiều lĩnh vực, là nhờ họ còn làm chủ hệ cảm biến XY.


2/ Hệ XY - Hệ cảm biến


Hệ XY trở nên vượt trội vì khả năng ứng biến của nó. Trong khi hệ XX thể hiện đặc tính "ứng đáp", "nội trợ" thiên về thụ động, thì XY chủ động hơn với tính "ngoại giao", "chiến đấu".


Trong thế giới bao la đầy biến cố, thụ động đồng nghĩa với cái chết. XY đơn giản là phải trở nên linh hoạt đến mức tối đa, việc cần làm đầu tiên là khái quát hóa "thư viện kinh nghiệm".


Từ chỗ khái quát hóa, nghĩa là liên tục thu nhận thông tin từ môi trường để làm mới "thư viện", XY đạt được bước phát triển tiếp theo khi cho các thông tin ấy va chạm, kết nối với nhau, một phần quá trình ấy giờ đây gọi là phép biện chứng.


Phép biện chứng yêu cầu một thái độ khách quan, trung dung để chấp nhận cả hai mặt của vấn đề "A+" (chính đề) và "A-" (phản đề). Một cá thể biện chứng hiệu quả sẽ liên tục tạo ra các hợp đề "A×", những viên gạch khái quát đầu tiên cho việc lý giải thế giới.


Tuy nhiên, phép biện chứng vẫn chỉ là thứ gì đấy rất cơ bản, mà rồi máy tính sẽ học được rất nhanh. Thứ làm cho con-người ưu việt là khả năng sáng tạo.


"Sáng tạo đơn thuần là quá trình kết nối lại những điều sẵn có tưởng như chẳng liên quan."


Trong quá trình ấy, các Ax, Bx, Cx, v...v tổ hợp nhau tạo ra các chuỗi AxBxCx... tuyệt đẹp, mà ta gọi là ADN của cuộc sống.


Thực ra, trong cơ chế phản ứng nhanh của "trực giác" trong hệ XX đã manh nha khả năng sáng tạo, tuy nhiên quá trình ấy thiên về truy xuất "ứng đáp ngoài" hơn là kiến tạo "kết nối trong".


Để kết luận, hệ XY có thể nói là bản nâng cấp tuyệt đẹp của hệ XX. Hệ XX tự bản năng đã có, hệ XY thì cần phải được giáo dục trong thời gian rất dài ở đa dạng môi trường mới đạt được.


Tôi sẽ dừng phần 1 ở đây.

Comentários


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page