top of page

Vì Sao Chúng Ta Lại Ngủ

Đã cập nhật: 6 thg 9, 2023


Tôi lấy tựa sách của tác giả Matthew Walker để mở đầu cho loạt bài về chứng mất ngủ và cách thức thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh dị đó, khi màn đêm buông xuống, của rất nhiều người trong thời điểm hiện tại.



“Sao chúng ta lại ngủ?”. Câu hỏi nghe thật là kì quặc khi vốn dĩ việc ngủ là một trong những hoạt động tự nhiên của cơ thể như là hít thở vậy. Quả thật là mọi loài đã được nghiên cứu cho đến bây giờ đều ngủ, chứng minh rằng giấc ngủ đã tiến hóa cùng hoặc rất sớm, ngay sau chính bản thân sự sống trên hành tinh của chúng ta. Rõ ràng là khi ngủ, chúng ta không thu lượm được thứ ăn, không tương tác xã hội, không tìm được bạn đời và sinh sản, cũng không nuôi dưỡng và bảo vệ con cái được, và tệ hơn là để bản thân mình rơi vào tình thế đặc biệt mong manh dễ bị tấn công, đặc biệt là khi buổi đầu thế giới còn chưa được an toàn, mọi loài đều tranh đoạt vô cùng khốc liệt. Thế thì, sao muôn loài cứ phải ngủ?


Hóa ra, nghiên cứu về giấc ngủ cho thấy, không một cơ quan nào trong cơ thể, hoặc quá trình nào bên trong bộ não tổng chỉ huy cơ thể mà không được cải thiện và tối ưu hóa nhờ giấc ngủ. Từ đây tất nhiên ta hiểu ra ta sẽ suy yếu thế nào nếu thiếu ngủ.


Thiếu ngủ, dù chỉ ở một mức độ vừa phải trong vòng 1 tuần sẽ làm thay đổi lượng đường huyết nghiêm trọng đến mức bạn có thể bị xếp vào danh sách có dấu hiệu tiền tiểu đường. Bạn nào đã đọc qua loạt bài về bệnh tiểu đường của bác sĩ sẽ hiểu nguy cơ ấy đáng sợ đến thế nào. Bên cạnh đó, giấc ngủ ngắn hơn thời lượng cần thiết làm tăng khả năng tắc và giòn động mạch vành (Chúng ta có hai nhánh động mạch vành: Phải và Trái hỗ trợ việc cung cấp máu nuôi tim) đưa chúng ta đến với bệnh tim mạch, đột quỵ, và suy tim sung huyết với những hậu quả lâu dài về sức khỏe.


Ngoài ra, chúng ta còn có những loại bệnh kì lạ liên quan đến giấc ngủ: hội chứng chân không yên; chứng ngủ rũ; rối loạn hành vi giấc ngủ REM, nghiến răng khi ngủ; những loại rối loạn xảy ra trong giấc ngủ: nói mớ, mộng du, ăn trong lúc ngủ, thậm chí cả quan hệ tình dục trong lúc ngủ.


Mới nói sơ lược mà các bạn đã thấy được vị thế của giấc ngủ trong cuộc sống mỗi con người. Tiếp theo đây bác sĩ sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu tiếp về các mối quan hệ đặc biệt quan trọng giữa:


1/ Giấc ngủ và bộ não

2/ Giấc ngủ và hệ thống miễn dịch

3/ Giấc ngủ, trái tim, và huyết áp

4/ Giấc ngủ và bệnh béo phì

5/ Giấc ngủ và bệnh ung thư

6/ Giấc ngủ và tâm trạng



1/ Giấc ngủ và bộ não


Năm 2015, các nhà nghiên cứu Antine Louveau và Aleksanteri Aspelund đã phát hiện ra rằng bộ não thật sự có một hệ thống tự loại bỏ chất thải – gọi là hệ thống làm sạch hệ thần kinh trung ương (Hệ thống glymphatic). Họ khám phá ra được chất thải chính mà hệ thống glymphatic lọc bỏ chính là amiloid beta (A3), một loại protein điển hình tích tụ trong não bệnh nhân Alzheimer. Vấn đề là, hệ thống glymphatic sẽ đạt năng suất cao hơn tới 60% khi chúng ta ngủ nếu so với lúc thức. Ta có thể hiểu đơn giản và hình tượng là nếu một người ngủ ít hơn cần thiết thì rất mau chóng bộ não của người ấy sẽ ngập trong "rác thải".


Alzheimer cũng không phải là bệnh rối loạn thần kinh duy nhất liên quan đến giấc ngủ kém. Một nghiên cứu khác vào năm 2011 cho thấy giấc ngủ kém cũng là tác nhân can dự vào việc hình thành bệnh Parkinson, và vào năm 2014 người ta cũng nhận ra các chứng bệnh thoái hóa thần kinh dạng khác và chứng suy giảm trí nhớ nói chung có liên hệ mật thiết đến chất lượng giấc ngủ thấp.



2/ Giấc ngủ và hệ thống miễn dịch


Một nghiên cứu gần đây của một nhóm các nhà khoa học đến từ Đài Bắc, Đài Loan cho thấy giấc ngủ bị xáo trộn là một yếu tố nguy hiểm gây ra các rối loạn tự miễn dịch. Tình trạng này có thể gây ra nhiều triệu chứng suy giảm chức năng trên diện rộng, chẳng hạn như các ổ khớp bị đau và biến dạng (viêm thấp khớp) ; cột sống rệu rã (viêm cột sống dính khớp); khô mắt, miệng và màng nhầy trong các cơ quan khác (hội chứng Sjogren); sự phát triển bất thường của mô liên kết trong toàn cơ thể (bệnh xơ cứng bì hệ thống); hoặc một tình trạng có thể gây tổn hại cho hầu như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể (lupus ban đỏ hệ thống).


Để bác sĩ lấy thêm một ví dụ gần gũi hơn với bạn đọc. Trong một nghiên cứu năm 2015 của Aric Prather đến từ đại học California, khi mà các tình nguyện viên được tiêm Rhinovirus (loại virus phổ biến gây ra các chứng cảm lạnh thông thường) và được cho ngủ những thời lượng khác nhau, thì kết quả hiện rõ ràng những người được tiêm mà ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày thì khả năng bị cảm lạnh cao hơn so với người ngủ nhiều hơn 7 tiếng/ngày.



3/ Giấc ngủ, trái tim và huyết áp


Giấc ngủ kém có thể gây ra tổn hại đến hệ tim mạch và hệ tuần hoàn: nó sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, suy tim và đột quỵ. Việc này thực ra có liên hệ mật thiết với bệnh béo phì (mà bệnh béo phì thì lại có liên hệ mật thiết với bệnh tiểu đường – xin đọc loạt bài về tiểu đường của bác sĩ) sẽ được nêu dưới đây.



4/ Giấc ngủ và bệnh béo phì


Trước hết chúng ta cần biết về một thứ hóc-môn (hormon) “gây đói” gọi là Ghrelin. Ghrelin được sản xuất ở trong ruột, có tác dụng kích thích cơn đói và từ đó nó cũng đóng vai trò quan trọng trong niềm đam mê ăn uống. Tác giả Shahrad Taheri từ năm 2004 đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình rằng khi thời gian ngủ giảm xuống thì việc sản xuất Ghrelin tăng lên, làm cơ thể có một niềm ham muốn ăn uống vượt mức cho phép và rồi khả năng rất cao sẽ dẫn đến béo phì.


Ngoài Ghrelin ra thì chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ Leptin trong cơ thể chúng ta. Leptin được tạo ra từ các tế bào mỡ trong cơ thể có vai trò khá ngược với Ghrelin: nó khiến chúng ta no và kiềm hãm sự ngon miệng. Theo Fahed Hakim (2015), khi có giấc ngủ kém thì nồng độ Leptin giảm, nó khiến chúng ta muốn ăn nhiều hơn.


Như để chứng minh tổng hợp cho các quan sát của cả Taheri lẫn Hakim thì Alyssa Lundahl (2015) cùng Timothy Nelson, đã chứng minh rằng cứ sau 1 đêm ngủ không ngon thì mức năng lượng của chúng ta giảm đi, và để đền bù thì cơ thể chúng ta bị thôi thúc hướng đến nhu cầu ăn nhiều hơn hòng gia tăng năng lượng.


Ngoài ta thì giấc ngủ kém cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng kiểm soát những xung động thần kinh và làm gia tăng những hành vi mất kiểm soát. William Killgore (2006) đại học Harvard đã phát biểu rằng các yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng ăn uống thiếu khoa học trong suốt thời kỳ giấc ngủ bị xáo trộn hoặc thiếu ngủ.


Như vậy là ta đã được biết tương đối đầy đủ bản chất của mối liên hệ mật thiết giữa việc ngủ và việc ăn. Tiếp theo đây bác sĩ sẽ dẫn chứng vài trong số rất nhiều nghiên cứu định lượng chứng thực cho việc ngủ có tác động đến việc ăn và tăng trọng như thế nào.


Một nghiên cứu ở năm 2015 của Jirwen Zhang về các thói quen sinh hoạt của hơn 1 triệu người dân Trung Quốc đã phát hiện những người ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm có mức độ béo phì cao hơn. Một quan sát khác của Jorgensen đăng trên tạp chí “Sleep” cũng cho thấy cứ khi thời gian ngủ giảm xuống thì kích thước vòng eo tăng lên.


Một nghiên cứu thực tế khác nữa của Lauren Asarnow (2015) cùng nhóm nghiên cứu của bà trên 3,300 thanh thiếu niên người Mỹ thì cho thấy: 1 người cứ bị mất ngủ 1 giờ thì chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ tăng lên 2.1 điểm.



5/ Giấc ngủ và ung thư


Nhà dịch tễ học Armanda Phipps chỉ ra rằng giấc ngủ kém chất lượng cũng có thể xem là một chỉ báo về nguy cơ bệnh tật. Không phải tự nhiên mà Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) đã xuất bản một chuyên khảo mang tên “Khả năng mắc ung thư ở những người làm việc theo ca, làm nghề hội họa, và cứu hỏa”, vì đây là những đối tượng có giờ giấc làm việc ngủ nghỉ thuộc loại thất thường nhất; và như các bạn có thể thấy, những người làm việc theo ca được xếp ở vị trí đầu tiên, thậm chí còn cao hơn cả lính cứu hỏa vốn thường phải phơi nhiễm với nhiều loại hóa chất độc hại trong các sự vụ khác nhau.


Trong cuộc điều tra sơ bộ này thì các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa làm việc theo ca và ung thư vú cũng như sự suy giảm chung về chức năng của hệ miễn dịch khi có một lối sinh hoạt thất thường không đảm bảo được chất lượng giấc ngủ.


Trong nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư từ một chi nhánh của tổ chức WHO, người ta cũng đã phân loại làm việc theo ca là một tác nhân có thể gây ung thư cho con người (nhóm 2A). Có nhiều bằng chứng cho thấy chất lượng giấc ngủ thấp có thể liên quan đến nhiều loại ung thư: ung thư tuyến tiền liệt, miệng, mũi, kết trực tràng và ung thư hệ thống thần kinh sơ cấp, nhưng mối liên hệ giữa giấc ngủ kém và bệnh ung thư vú vẫn là mạnh mẽ nhất.



6/ Giấc ngủ và tâm trạng


Ngủ không ngon có thể dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và trầm cảm. Patrick Finan đến từ đại học John Hopkins nhận thấy giấc ngủ gián đoạn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của con người nhiều hơn so với tác động của việc thiếu ngủ do giảm thời lượng. Rối loạn nhịp sinh học thường liên quan đến chứng trầm cảm và những rối loạn tâm trạng khác. David R.Hillman cùng đồng sự (2015) cũng nhận ra là điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm giảm đáng kể tỉ lệ trầm cảm từ 73% xuống còn 4%.


Đến đây thì bác sĩ tin rằng độc giả đã có một cái nhìn tương đối đầy đủ về tầm quan trọng rất khó phủ nhận của giấc ngủ đối với cuộc đời mỗi con người. Bạn cứ hình dung thế này, khi ta lao động đấy là ta cống hiến cho đời, cho người, cho gia đình, còn khi ngủ thì đấy là ta cống hiến cho chính mình. Bác sĩ đã sống và làm việc đủ lâu để thấy là rốt cuộc chẳng có gì quý hơn được sức khỏe, mà việc tốt nhất ta có thể làm để săn sóc sức khỏe của chính mình, chính là đi ngủ những giấc đủ đầy đấy. Hẹn gặp lại các bạn trong các kì sau: “Chứng Mất Ngủ”, và “Làm Thế Nào để Ngủ Được Ngon”.


Bác sĩ Ban Mai


Comments


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page