top of page

Vĩ Đại

Đã cập nhật: 26 thg 7, 2023

Không nhiều tác phẩm mà số đông chẳng hiểu gì như thế


"Vào những năm tôi còn trẻ hơn và dễ bị tổn thương hơn, cha tôi đã cho tôi vài lời khuyên mà tôi cứ lật đi lật lại trong tâm trí mãi từ hồi đó.


"Hễ khi nào con cảm thấy thích chỉ trích bất cứ ai," ông bảo tôi, " hãy nhớ là không phải ai trên đời này cũng có những lợi thế mà con có.""



Thật sự thì tôi không ngạc nhiên khi người ta không hiểu hoặc hiểu nhầm Chàng Gatsby, vì chẳng mấy ai thực sự được sinh ra và được sống như vậy cả. Với vô số chi tiết được Cụ Fitzgerald xây dựng cẩn mật, Chàng trở thành một ảnh tượng của Chúa Jesus, và "Gatsby", đấy sẽ là một danh hiệu, hơn là một cái tên.


Hãy để ý cái cách Chàng lặng lẽ giữa đám bướm ồn ã ghé chơi nhà mỗi đêm, với tôi, đó là biểu hiện của sự khinh bạc, còn với Chúa, đó là cách Ngài biểu hiện tình yêu thương cho muôn chúng sinh: Ngài đón, rồi Ngài đưa, và Ngài không nói lời phán xét.


Suy xét cũng đơn giản thôi, nếu quả là một gã tầm thường phù phiếm, thì Chàng đã đích thân hòa mình vào cảnh ấy rồi, và tất nhiên Chàng sẽ đòi hỏi lũ khách ấy một điều gì đó, ít nhất là, đừng có nói xấu Chàng trước mặt Chàng.


Không dễ để ứng xử như vậy, nếu bạn không sở hữu bản lĩnh của kẻ xuất chúng có niềm tin tuyệt đối vào bản thân, phẩm chất luôn được tìm thấy ở những Người Giác Ngộ ở tầng cao nhất, như là Chúa Jesus hay là Đức Phật.


Vậy làm sao có thể mô tả một nhân vật như vậy nếu thiếu đi người kể chuyện rất thông minh và tinh tế như Nick Carraway, một cậu ấm ngoan đạo được giáo dục tử tế? Nick rõ ràng đã được ưu ái trao cho thiên mệnh quan sát-ghi chép về hành trình tìm kiếm Chén Thánh, và anh đã đáp lại nó xứng đáng khi sớm nhận ra phẩm cách của Chúa nơi Gatsby, từ lúc anh được Chàng trao cho "nụ cười hơn cả thấu hiểu, với năng lực trấn an vĩnh viễn" đó.


Ngoài Gatsby, Nick tất nhiên cũng là người cao quý, nên tự nhiên anh cảm mến và ngưỡng mộ người bạn của mình, kẻ chỉ có mỗi thiên bẩm phi thường đã mang lại sức quyến rũ đến vậy. Cảm xúc của Nick dành cho Gatsby có thể bị/được hiểu lệch sang tình yêu đồng giới, nhưng sự thực, đấy là tình cảm dành cho hiện thân của Chúa.

Tuy vậy, Nick lại không trực tiếp mô tả Gatsby quá nhiều, mà anh dùng tới bốn lăng kính khác nhau để mô tả thứ ánh sáng thần thánh đó: Daisy, Tom, anh, và Jordan.

Thông qua Daisy, ta hiểu Gatsby. Thông qua Tom, ta hiểu Daisy. Nhờ anh kể, ta hiểu Tom. Và thông qua Jordan, ta hiểu anh. Một chuỗi mô tả đòn bẩy liên hoàn, mà nếu không có sự am hiểu cực kì sâu sắc về các mối quan hệ thì sẽ không thể xây dựng được như vậy, xin cúi mình trước văn hào Fitzgerald.


Về Daisy, đấy hiển nhiên là một người đàn bà phù phiếm miệng toàn là tiền, có vẻ ngốc, nhưng không ngu. Với kẻ xuất chúng như Gatsby, không khó để Chàng nhận ra con người Daisy là như thế nào, và chính Chàng cũng lên tiếng xác nhận với Nick điều đó. Tuy nhiên, ở Daisy còn có một thứ gì đó khác, vượt lên trên chính con người tầm thường của cô, thứ ta tạm gọi là "một phần của Chén Thánh", mà có lẽ, chỉ mình Gatsby mới thấy được. Và Chén Thánh của Chàng, đơn giản thôi, đó là tình yêu thuần khiết vượt ra khỏi sắp xếp xã hội, khi một chàng bộ đội nghèo yêu và được yêu cô tiểu thư giàu có mà không phải nghĩ.


Chiếc Chén Thánh của Chàng hãy còn để lại dĩ vãng, nơi bất cứ đâu Daisy ở. Chàng đã từng chiếm đoạt được nó, vào cái đêm tháng Mười khi Daisy bừng nở cho Chàng. Chàng đã từng nắm chắc nó trong tay, khi đôi môi Daisy lướt trên áo khoác Chàng ngày đôi lứa phải phân ly vì chiến tranh. Sau này, sau mấy năm trời biền biệt, đã có lúc Chàng tưởng như đã có lại được nó, khi Daisy nhận tin Chàng còn sống, rồi khóc ngay trong ngày cưới, thì chiếc Chén Thánh ấy lại bị cướp đi, bởi một chuỗi ngọc trai trị giá mấy trăm ngàn đô.


Cũng khó trách Daisy, vì thực ra Chén Thánh chỉ xuất hiện khi cô ở bên Gatsby. Thiên bẩm của đàn bà là làm gương, xung quanh thế nào, gương ra thế ấy, mà Daisy thì lại đặc biệt đàn bà, khiến cho cô có sức quyến rũ đàn ông cực kì mãnh liệt.


Chén Thánh của Chàng, vì vậy, còn được đặt ở một tầng cao hơn nữa, đấy là "mình tìm thấy mình" trong hình bóng người yêu. Chàng đi tìm và làm mọi thứ vì Daisy? Không.

Chàng làm mọi thứ là vì Chàng, vì một khao khát tự do mãnh liệt, vì một thứ khoái cảm mang tên "con trai của Chúa", nên Chàng làm tất cả để đạt được điều đó, một ý chí kiên định phi thường!


Đáng tiếc cho Gatsby, đối thủ của Chàng là Tom, và tài sản vững chắc của Tom.


Bằng cách này hay cách khác, Tom đã thực sự bẻ gãy được Daisy, biến cô trở thành một kẻ ngốc thực dụng giống hệt mình. Điều đó cũng khiến Tom khổ, sống với chính bản thân mình có bao giờ là dễ, nhất là khi bản thân mình tầm thường, và chẳng có gì ngoài tiền?


Khi quan sát Tom, ta biết, hành trình lấy lại Chén Thánh lần này gian nan gấp bội quá khứ, nhưng Gatsby quá dũng cảm của chúng ta không quan tâm điều đó, Chàng vẫn đối xử với Tom đầy nghĩa khí, Chàng không húp trộm, không cắn lén, không đánh dưới thắt lưng, thậm chí Chàng còn khuyến khích Daisy tổ chức buổi ba mặt một lời cùng Tom. Nhưng.

Ôi, Gatsby, ta vĩ đại với đời chứ đời nào có vĩ đại với ta?


Sao Chàng lại phải tử vì Đạo hỡi Chàng? Như cái cách Chúa Jesus phải chết để gánh lấy tội lỗi thế gian?


Thực ra, ở một góc nhìn khác, Gatsby bắt buộc phải chết để được giải thoát khỏi cuộc sống tầm thường và bất công, Chàng phải chết để sự vĩ đại của bản thân được giữ vẹn nguyên. Nếu cứ đi tiếp, cùng Daisy, với niềm khao khát mãnh liệt ấy, ai dám đảm bảo Chàng sẽ không bị bẻ gãy?


Romeo lần này đã chết, mà thậm chí chưa kịp gặp lại Juliet năm xưa.


Xin gửi tặng Chàng, một vòng hoa, và vô vàn tình cảm.


Ngọc Ảnh

Comentarios


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page