top of page

Vị Tha

Điều khác biệt tiên quyết giữa một người thường và một vị vua, cũng như giữa một người có “số làm vua” và một vị vua đích thực, trên hết, chính là tấm lòng vị tha. Vua là ai ngoài là người phải suốt đời đi cân bằng các nguồn lực, để mang lại lợi ích tối đa cho số đông, với hi sinh tối thiểu? Người phải sống có lý tưởng và đôi khi là lãng mạn, nhưng đồng thời không được để cho đôi mắt mình nhìn mọi thứ bị mờ ảo? Người phải sống tập trung vào mọi chi tiết của thực tại, nhưng đồng thời tầm nhìn luôn phải rộng mở đến tương lai? Người sống trong thế suốt đời chịu thiệt thòi, vì thực ra lo nghĩ cho người khác cũng đồng nghĩa với việc bỏ bớt những niềm quan tâm đến chính mình? Không vị tha thì miễn làm vua: rất nhiều lần trong lịch sử, cùng một thời điểm, có nhiều người ngang tài ngang sức và thậm chí cùng có “số vương”, thì bằng một cách kì diệu nào đó lịch sử vẫn chọn được đúng người có khả năng vị tha cao hơn, hay nói đúng ra thì, kẻ vị tha hơn thì hành động được quyết liệt cũng như chủ quan được bỏ qua mà hướng đến đại cục, để từ đó ngôi vương về tay được thuận lợi hơn kẻ khác, và thậm chí là trong rất lâu.



Lẽ tất nhiên, càng vị tha thì bản lĩnh phải càng lớn, hay đúng bản chất thì phải là “có bản lĩnh lớn thì mới vị tha”, đó là quyền của kẻ mạnh, chẳng kẻ yếu nhược hèn kém nào lại sống vì người khác được cả. Chính vì thế, không ai có thể cứ thế nói suông rằng “Tôi yêu cả triệu người và muốn chăm sóc cho họ” rồi ngồi lên ngai vàng, mà kẻ đó phải chứng minh được mình có tài trong các nghệ thuật cầm quyền cốt lõi, chúng là:


Thứ nhất, thuật vị kỷ. Vua thì phải vị tha nhưng đồng thời không được quên vị kỉ. Một đấng quân vương vì người đến mức quên cả bản thân mình thì là dở, vì đơn giản như thế thì ông ta/bà ta sẽ không có được cái hiểu sâu sắc rằng, rốt cuộc thì một người cần gì để an vui trong cuộc đời này, và những quyết định lẫn hành động nói chung sẽ từ đó mà lệch khỏi “Chính Đạo”. Ngoài ra, một vị vua không vị kỉ thì tất để lộ sơ hở và như thế sớm muộn gì sẽ bị đặt vào cảnh bất an về sự vững vàng quyền lực, vua mà bất an thì còn suy nghĩ được gì nữa ngoài việc nghi kị khắp chốn?


Từ điểm này, một vị vua cần thiết phải hiểu được hòa bình và thấu tỏ được nghệ thuật chiến tranh. Chiến tranh là không thể tránh được nhưng có thể dùng nó để lấy đi lợi thế của kẻ khác hòng ngăn được chiến tranh. Chiến tranh từ đó có hai loại, chiến tranh giành lấy hòa bình và chiến tranh để gìn giữ hòa bình. Bản chất hiền hòa không đồng nghĩa với việc phải có vẻ ngoài hiền hòa: nói hình tượng thì nó cũng như ông sư mặt thì như Phật nhưng lưng giắt theo côn nhị khúc và cơ thể thì cuồn cuộn. Đây cũng là lý do vì sao có vài nước vẫn điềm nhiên bỏ qua được những luận điệu đạo đức giả về vũ khí hạt nhân, nó cũng như việc ứng xử với ông sư kể trên: ta rất khó nảy nòi ra ý đồ xấu muốn chiếm tiện nghi của ông ấy.


Như vậy, vị vua ít nhất cũng phải có am hiểu nhất định về nghệ thuật quân sự, và quân sự thì thực ra lại có liên hệ chặt chẽ với kinh tế, bởi vì suy cho cùng, làm gì làm cũng phải có nguồn lực sẵn ra đấy để tính toán chiến lược, chiến thuật. Người ta thắng thua là thắng ngay trên sa bàn kế hoạch rồi chứ không đợi phải ra đến chiến trường. Kết quả là, vị vua cũng buộc phải tinh thông nghệ thuật kinh tế. Ở đây kinh tế quay về nghĩa gốc là “kinh bang tế thế” chứ không đơn thuần chỉ là cuộc kinh doanh kiếm được món hời xong rồi thôi. Chính ở điểm này nhà vua tách mình khỏi nhà kinh tế rất rõ: trong khi nhà kinh tế thường cùng lắm nhìn ra được đến những mối lợi về tài chính trung hạn là hết, rồi đầu tư sao cho không bị quá lỗ và có tiền lời sớm, thì nhà vua đích thực lại phải nhìn thấy được những thứ thành quả phi vật chất trong tương lai xa xôi có ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống, và sẵn sàng chịu lỗ lớn để hiện thực hóa chúng. Ta lấy ví dụ, cùng là đầu tư cho việc “nghiên cứu và phát triển”, thì nhà kinh tế sẽ thuê về và yêu cầu kĩ sư của mình cho ra sản phẩm vật chất đặng đem bán để ganh đua với đối thủ, hòng giành giật thị phần, trong khi một nhà vua có tầm nhìn sẽ đặt trọng tâm vào việc xây dựng, giáo dục ra đội ngũ các nhà khoa học thuộc đa ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu làm nền móng cho tất cả: vật liệu, năng lượng, cơ khí chế tạo, lập trình, v...v...Đội ngũ lắm chất xám này không trực tiếp kiếm ra tiền nhưng lại là lực lượng đầu tiên và hơn hết tạo ra nền tảng cho quần chúng kiếm ra tiền: ví dụ như tìm ra công nghệ hóa điện khiến pin sạc siêu nhanh thì các tay chế tác bán điện thoại được lợi, hay như tìm ra chất liệu kháng nhiệt sinh từ phản ứng thủy phân thì rõ ràng các tay bán xe chạy động cơ hy-đrô được hưởng sái.


Bí mật của nhà vua, hay thực ra của bất kì nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ nằm ở chỗ đó: nhìn thấy những thứ mọi người không nhìn thấy, đẳng cấp càng cao, những thứ người ta không nhìn ra được lại càng nhiều và nỗi cô đơn lẫn nỗi đau của kẻ cầm quyền lại càng lớn.


Kẻ nắm giữ quyền lực tối cao đau không phải do chịu thiệt và vất vả vì quần chúng suốt cuộc đời mình, vì thực ra đó là một loại hạnh phúc sinh ra từ trong gian khó, họ đau vì rất thường xuyên bị rơi vào thế buộc phải cân nhắc hi sinh lợi ích của thành phần nào trong xã hội, vào một thời điểm cụ thể cần đến việc ấy, đặc biệt ở những xứ sở hỗn mang mà một tư tưởng chung thống nhất vẫn chưa được định hình, như xã hội hiện lên trong “Quân Vương” của Machiavelli. Một nhà vua, một nhà lãnh đạo, một nhà chính trị trong cảnh loạn lạc ấy không còn cách nào khác đành đóng “vai ác”, ác để làm được những việc cần thiết, như là kết thân với thế lực A để cùng nhau xử B rồi ra tay diệt luôn cả A để củng cố quyền lực của mình, đặng ban hành luật mới về sưu thấp thuế nhẹ chẳng hạn. Đó gọi là việc “cân nhắc đạo lý.”


Điều khiến cho một vị vua trở thành một vị vua đích thực nằm ở việc, biết sống và làm việc dựa trên sự tham khảo và cân nhắc đạo lý tùy theo thời thế, chứ không phải bỏ qua hay tự cho mình đứng trên đạo lý. Rất nhiều vị vua trong lịch sử đã hiểu sai về điều này để rồi rơi vào ảo giác về quyền lực và lợi dụng nó để tư lợi đủ đường. Ở đây ta cần quay lại thời sơ khởi lúc con người mới phát minh ra lãnh đạo thuật: một hay vài cá thể đạt được quyền lực chính trị chính vì họ làm được nhiều việc cho quần chúng và được quần chúng yêu mến rồi đưa lên, chứ không phải những kẻ ấy dùng sức mạnh để đạt được quyền lực rồi đi điều khiển quần chúng. Chính xác, đó chính là mô hình dân chủ nguyên thủy, nhưng cũng là mô hình gần gũi với bản chất nhất.


Ở đây tiện cũng nên bàn tới việc, dân chủ có phải lúc nào cũng đúng? Quần chúng nào đi nữa, ngu dại hay khôn ngoan, thực ra luôn luôn có nhu cầu được/bị dẫn dắt, và nếu được trao thực quyền, họ sẽ lập tức chọn ra thế lực cầm đầu phù hợp với bản tính, lối sống, nếp nghĩ của chính mình hơn là những người lãnh đạo đúng nghĩa có khả năng đưa họ vượt lên khỏi đẳng cấp mà họ đang là, ví dụ nổi tiếng nhất mà chúng ta không cần bàn cãi chính là ngôi vị thống lĩnh của ngài Đô-nan Châm nơi phương xa cách đây không lâu.


Dân chủ chỉ thành công khi trí tuệ trung bình của cộng đồng ấy đạt một độ cao nhất định, còn không thì chỉ là dân chủ “cuội” thôi. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo, nhà chính trị, và những vị vua đích thực cũng sẽ chỉ sinh ra ở những nơi mà não trạng nhân dân đã sẵn sàng dân chủ. Não trạng thì sinh ra từ đâu ngoài lối sống và nếp nghĩ, hay nói cách khác, là văn hóa?


Đặng Viễn Chinh

Comentários


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page