top of page

Đắc Đạo

Đã cập nhật: 20 thg 11, 2023

Lấy tư cách là một người được gần gũi với Anh Đạt Đa từ khi còn nhỏ, và thậm chí là tình cờ trải qua những hành trình giống hệt những hành trình của Anh, hôm nay tôi cũng dám chia sẻ về Đạo của Phật một chút.


Phải nói, một trong những trò vui nhất đời tôi là ngắm nhìn các “Phật tử” gồng Đạo. Họ mải miết hành pháp này pháp nọ, lạy tới lạy lui lạy lên lạy xuống, miệng mải miết ê a kinh này kinh nọ, lưỡi thì uốn éo hàng chục lần cố nói lời khiêm nhu đạo lý nhưng rồi cuối cùng vẫn hoàn toàn bất lực trong việc che giấu sự thật rằng, họ bươn theo đường lối nhà Phật chẳng qua chỉ để ra cái vẻ mình là người có trí tuệ và phẩm hạnh cao. Ngày nay, quả tình là người ta có thể biến mọi thứ thành trang sức đắp lên người, kể cả Tông Giáo!



Trong đó, trò hề kinh điển nhất là trò hề “buông bỏ”, có thể mô tả qua chuyện cười kinh điển sau:


Ông Tư đọc báo thấy nói hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, ông Tư liền bỏ thuốc lá. Ngày hôm sau, ông Tư đọc báo thấy nói uống nhiều bia rượu có hại cho sức khỏe, ông Tư liền bỏ bia rượu. Ngày kế nữa, ông Tư đọc báo thấy dọa rằng tình dục nhiều có hại cho sức khỏe, ông Tư liền bỏ đọc báo.


Bây giờ, chúng ta thay cụm từ “đọc báo” trong câu chuyện trên bằng “đọc lời Phật dạy”. Các bạn đã lờ mờ thấy điều gì đó chưa nào?


Thứ nhất, Phật không “dạy” bất cứ ai điều gì. Suốt cuộc đời, tất cả những gì Anh làm là chia sẻ những ý tưởng và chiêm nghiệm trong hành trình tìm Đạo để mọi người cùng suy nghĩ, rồi từ đó cùng nhau hướng đến một cuộc sống an yên, trước hết ở trong trí. Từ “dạy” là một từ nguy hiểm, nó khiến người ta mang ảo giác rằng mình là kẻ đúng mà khăng khăng đi áp đặt cái mình cho là đúng ấy lên kẻ khác. Từ “học” lại càng nguy hiểm, nó cho người ta cái ảo giác rằng điều mình tiếp thu từ người mình vọng trọng là chân lý, và cứ thế làm theo mà không cần suy nghĩ thêm. Thực ra, ngay chính Đức Phật cũng phải mất một thời gian rất dài để ngộ ra, vận mệnh của Anh không phải là làm người thầy, người dạy học như đã được báo trước từ khi Anh còn rất trẻ. Vận mệnh của Anh là làm người dẫn dắt (leader), kẻ hướng dẫn (instruct) chúng sinh cách mà một cá thể đi được đúng Đạo rất riêng của bản thân cá thể ấy.


Chúng ta nên nhớ, danh hiệu của Đức Phật không phải là “Thầy/Bậc Thầy” (Teacher/Master), mà là “Người Được Khai Sáng” (Enlightened One), hàm ý rằng chính Anh là người đã khai sáng Anh, và Anh cũng được những người khác khai sáng cho. Ngoài ra, danh hiệu ấy cũng gợi ý rằng bất kì ai tu sửa bản thân đến một sự giác ngộ thần thánh nào đó đều có thể tự gọi và được gọi bằng chính danh hiệu ấy.

Thứ hai, tất cả những cái gọi là ghi chép về “lời Phật dạy” đều khả nghi (suspect), cho dù đấy là được chép lại từ chính miệng Ananda, người thân cận nhất với Đức Phật vốn dĩ có trí nhớ siêu phàm. Ý nghĩ ngay từ trong trí mình ra đến miệng mình có khi đã sai nghĩa rồi, huống hồ gì những điều truyền lại đã trải qua hàng nghìn năm chịu chỉnh sửa bồi đắp thêm. Tư duy tất nhiên rất cần những hải đăng định kiến dẫn đường, nhưng nếu những ngọn hải đăng ấy bị hóa thành những thứ ánh sáng ma mị bám chấp cực đoan thì con tàu tư duy tất nhiên bế tắc, không đi đâu được nữa.


Thứ ba, con người cực kì khó chối bỏ bản năng của mình, vì đầu hàng chúng dễ dàng và tiện lợi hơn. Trong những giờ phút tối cần thiết, con người sẽ luôn chọn bản năng thôi.


Quan trọng là, sự buông bỏ mà Đức Phật yêu cầu mỗi cá thể thực hành, thực ra là sự chuẩn bị cho cái cốt lõi trong toàn bộ triết lý nhà Phật: sự Tập Trung.


Triết lý nhà Phật có thể được tóm gọn lại chỉ một câu nghe rất chi ngôn tình sau: “Buông bỏ bớt những thứ gây phiền não, và tập trung vừa đủ vào những thứ khiến mình hạnh phúc.”


Chẳng ai có thể buông bỏ hết những phiền não, kể cả bản thân Đức Phật, vì cuộc sống vốn dĩ là hành trình vĩnh viễn đi giải quyết các vấn đề. Các vấn đề không kết thúc, chúng chỉ tạm ngừng để đẻ ra các vấn đề mới. Điều này đặc biệt đúng ở thời đại ngày nay, khi các mối quan hệ chồng chéo lên nhau ngày càng phức tạp, người lệ thuộc người ngày càng sâu sắc. Hơn thế, phiền não…phiền phức ở chỗ chúng lại sinh ra ngay trong chính cùng cực của hạnh phúc: hạnh phúc ấy còn mãi chứ? Có thể hạnh phúc hơn chứ? Còn niềm hạnh phúc nào thêm không?


Anh Phật đã sớm ngộ ra được các chân lý này và tìm ra chìa khóa giải quyết nó: sự tự do trong tư duy.


Éo le thay, chỉ một vài trong số chúng ta vẫn còn sở hữu thứ duy nhất mà chúng ta thực sự sở hữu ấy. Cái tự do trong tư duy, hay là cái “Tôi”, mà đại đa số con người tin là mình có, luôn chịu ảnh hưởng và thực ra là ảnh phản chiếu lại của kí ức, của môi trường xung quanh, của biết mấy niềm đau, và cả niềm hạnh phúc, của biết mấy con người thậm chí ta còn chẳng biết mặt. Đó là sự thừa kế văn hóa. Văn hóa định hình tư duy nhưng cũng chính nó là thứ khiến tư duy khó phát triển lên được nữa. Chuyện ấy cũng như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: cha mẹ cho con cái nền tảng để rồi từ đó chúng bứt phá khỏi họ. Cha mẹ mà bảo bọc con quá thì đấy lại là đày đọa chúng trong tương lai thôi.


Muốn có được, hay thực ra là lấy lại sự tự do trong tư duy, ta phải thực sự tập trung, không phải trong vài hành động, mà là trong mọi hành động, kể cả trong giấc ngủ. Đúng rồi đấy, đó là cách sống của những đứa trẻ con. Bọn trẻ con vốn dĩ không phải chịu trách nhiệm gì, cũng chẳng quen mấy ai, nên chúng gần như không phiền não, chúng cũng chưa hiểu nhiều về thế giới, nên điều gì đối với chúng cũng có thể là nguyên nhân gây hạnh phúc, chưa kể, nếu chúng may mắn sở hữu khả năng tập trung thiên bẩm, thì hoàn toàn có thể xem chúng là những kẻ đắc Đạo.


Đạo được sinh ra cùng ta như vậy đấy, khi ta mở mắt ra đời. Đạo không cao và không xa ta, chẳng qua, ta tự che mắt mình lại để không thấy rằng, nó ở ngay trong ta mà thôi.



(Nói chung, những dòng tôi viết ra đọc thì thấy đơn giản, nhưng để làm được vậy thì không đơn giản. Không dễ để một kẻ có hơn 49 ngày hoàn tòan bế quan trong một thế giới đầy sôi động, ngoại trừ việc kẻ ấy bị điên, hoặc/và đại dịch ép kẻ ấy phải làm vậy.)


Ngọc Ảnh

Comentários


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page