Ngọc Ảnh Viện

Dịch giả Ngọc Ảnh
Trong sinh học, có một hiện tượng di truyền mà tôi cực kì thích và ngưỡng mộ và thực ra là ám ảnh với nó, mà tôi hay tóm tắt cho bọn đàn em bằng lời mô tả đơn giản “cháu trai giống ông ngoại, cháu gái giống bà nội”, đấy là “di truyền cách thế hệ”.
Quay lại một phần tư thế kỉ trước, chính là ngày đó, cái ngày đầu tiên tôi được biết đến Ông ngoại thông qua Ba tôi. Đó chắc chắn là một trong những khoảnh khắc kì diệu nhất mà một con người có thể có được trong đời, khi được chứng kiến phép màu của tạo hóa, tôi ngắm nhìn ảnh chụp Ông tôi ngồi đấy, cười nhẹ, và, trông tôi giống hệt ông. Cứ như vậy, tôi lớn lên, từ vẻ ngoài, điệu bộ, tính cách, và tài năng, tôi vẫn cứ giống ông, tự nhiên, chẳng ai dạy.
Không thể mô tả được cảm xúc tự hào ấy nó tầm cỡ thế nào ! Không thể mô tả được mối liên kết tâm linh thông qua những đoạn gene di truyền chảy trong huyết quản ấy mạnh mẽ ra sao !
Vì tôi bất hạnh không được gặp Ông bằng xương bằng thịt, nhưng lại hạnh phúc được gặp Ông trong những lời kể. Tôi đi bất kì đâu, gặp bất kì ai hân hạnh được biết Ông, tôi đều được nghe những tôn vinh, kính trọng, và rất nhiều thương nhớ một viên Ngọc trong đời chưa kịp phát tiết toàn bộ phẩm chất đang có. Một Người sống được đến mức độ như vậy, nếu ví như một viên Ngọc sáng thì chẳng thể sai.
Và có lẽ tên Ông cũng vận vào cuộc đời, số phận đã đến rất sớm mang Ông còn trẻ đến một miền xa xôi, chỉ cho Ông chút cơ hội kịp để lại những Ngọc Ảnh của chính mình: Mẹ tôi, Cậu tôi, tôi, và các Em.
Cho đến nay, hai Ngọc Ảnh sáng nhất tất nhiên là Mẹ tôi và Cậu tôi, dù họ có cố khiêm tốn đến mức nào, họ đã thực sự cùng nhau vượt qua Ông. Chuyện đó đem lại một áp lực rất lớn đến tôi và các Em, nhưng tôi lại rất vui mừng vì điều đấy. Trong một lúc vô cùng xúc động trong ngày giỗ của Ông, tôi đã nói thế này:
“Đã lỡ phải sinh ra đời mà không vượt qua được thế hệ trước thì sống làm *** gì !”
“Các Em, anh biết chắc chắn các Em rồi sẽ vượt qua anh.”
…
Vì rất nhiều lý do, tôi đã xin Mẹ và Cậu cho phép tôi thừa kế cái tên Ngọc Ảnh làm danh hiệu. Dịch giả Ngọc Ảnh là tôi. Mang một cái tên như vậy, tất nhiên tự tôi đặt rất nhiều tâm huyết và trách nhiệm vào mỗi dịch phẩm.
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng rất lớn từ những bản danh tác bị dịch...lởm khởm, chúng khiến tôi chán mà phải lọ mọ đi dịch lại những gì tôi yêu; nhưng nếu chỉ thế thì chưa đủ, vì vốn dĩ đấy là cái nghiệp điên rồ, gian khổ, và nghiệt ngã thay có lẽ là vô nghĩa. Chẳng mấy ai còn đọc văn chương nữa.
Trước hết, những công cụ dịch máy ngày càng mạnh, chúng dịch phần lớn các loại văn bản phổ thông khá mượt mà, đến nỗi hai người từ hai vùng ngôn ngữ khác nhau cũng có thể cầm điện thoại phím đàm giao tiếp ở mức căn bản, tuy không tránh khỏi nhiều sai sót rất buồn cười. Nói chung, nghề dịch thuật rồi sẽ biến mất, tuy không sớm.
Dịch văn chương, đấy là một câu chuyện khác. Thành trì cuối cùng của dịch văn chương là vấn đề đồng cảm phong cách và linh hồn tác giả. Nói theo góc nhìn điện ảnh, thì đấy là diễn xuất, với đỉnh cao nhất là nghệ thuật “method acting”. Bản thân dịch giả ngay từ lúc lựa chọn cái nghiệp này phải chấp nhận áp lực hóa thân thành tác giả, nhưng lại là tác giả viết tác phẩm của mình trong một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mình dùng để tư duy.
Nói văn chương hơn thì, bạn phải làm Ngọc Ảnh đẹp đến mức người ta thực sự tin rằng họ đã trực tiếp ngắm nhìn viên ngọc thật sự, để có cơ hội hiểu được vẻ đẹp của nó.
Trước hết, thảo luận một chút về ngôn ngữ. Ngôn ngữ thực ra chẳng là gì ngoài ảnh chiếu của tư duy. Tư duy càng mạnh thì ngôn ngữ càng mạnh. Đấy trước hết là quá trình trừu tượng hóa những cái cụ thể, thể hiện qua việc phát triển từ vựng và âm của chúng. Sau đấy là cụ thể hóa những cái trừu tượng, thể hiện qua từ ngữ và chữ viết, đặc biệt là chữ tượng hình. Bước cuối cùng là diễn dịch những ý tưởng đó theo một trật tự có tính logic, chính là ngữ pháp. Từ vựng phong phú và mạnh mẽ sẽ mang lại sức mạnh tùy biến ngữ pháp. Từ vựng càng chuyên biệt, chính xác, phức tạp và trừu tượng thì đấy là dấu hiệu chúng đến từ một ngôn ngữ biểu ý mạnh, ví dụ điển hình là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nga.
Nói qua một chút thì tiếng Anh và tiếng Việt là hai thứ tiếng cực kì tùy tiện, khó nói chúng yếu nhưng cũng không thể nói chúng mạnh. Tiếng Anh được phổ thông hóa dễ dàng và nhanh chóng như vậy là vì nó dễ, dễ dãi đến ngạc nhiên, khi pha tạp trong nó là tinh hoa từ vựng của nhiều ngôn ngữ khác, cùng nhau chạy trên cái nền trật tự ngữ pháp đơn giản. Còn Tiếng Việt hiện đại, nó khó học với người nước khác chẳng qua do nó là bản sao lỗi của tiếng Trung, khi phần từ vựng biểu ý mạnh mẽ đã bị chặt đứt đa số, không còn từ vựng biểu ý thì còn gì là ngữ pháp? Đừng lầm lẫn giữa việc thiếu hụt ngữ pháp và ngữ pháp khó.
Ngôn ngữ thể hiện tư duy, tư duy thì lại chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường và lối sống. Ví dụ vui thế này, các ông ẻo lả sinh ra nơi miền nhiệt đới suốt ngày nằm lười phè phỡn vặt chuối ăn sẽ khó hiểu được cách tư duy của các ông máu chiến sinh ra nơi miền hàn đới suốt ngày phải vất vả sáng chế công cụ để lao động và đấm nhau cho ấm người.
Phác thảo những nét như vậy để hiểu rằng dịch thuật vốn dĩ là công việc rất khó, kể cả là máy tính thì trước hết chúng cũng phải vất vả học tư duy bằng cả hai ngôn ngữ dưới sự hướng dẫn của con người, rồi mới học cách dịch ý, chuyển ngữ sát nghĩa nhất có thể dựa theo bối cảnh. Quá trình dạy ngôn ngữ con người cho máy tính đúng ra phải là quá trình dạy cho chúng tư duy kiểu não người vốn dĩ vẫn còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang ăn gian bằng cách nhồi cho chúng lượng dữ liệu rất lớn ngôn ngữ ta và bắt chúng dịch hiểu bằng ngôn ngữ của chúng, thật là lòng vòng.
Vì những lẽ trên, dịch văn chương vừa là công việc vô cùng điên rồ, cũng lại vô cùng cao quý.
Bây giờ nói cho đơn giản và vui như thế này đi, dịch văn chương là việc bạn chui vào đầu của tác giả, mò mẫm trong đấy, hưởng hết mọi nỗi vui, và mọi nỗi buồn, và mọi nỗi đau dội xuống, để hiểu được người ta, để rồi bê những sáng tác được gọt dũa của người ta ra ngoài, đặt lên trang giấy với một sự trân trọng. Đó tất nhiên là một chuyến phiêu lưu, và nói dưới góc nhìn vật lý là một chuyến du hành thời gian, khi bạn buộc phải sống rất nhiều chỉ trong vài cái chớp mắt của đời. Vẻ ngoài của bạn là một chàng trai ba mươi, bên trong bạn là ba cụ ông, kiểu nó là như vậy.
Tôi hiện chưa nghĩ ra có cách sống nào giữa những con người với nhau hơn được cách sống ấy. Người ta bây giờ sống những sáu mươi năm cùng nhau, có khi chỉ kịp chuyện trò, đôi ba câu tủn mủn.
…
Tôi chọn làm dịch giả văn chương thực ra cũng vì đấy một trong những bước để theo kịp Ông tôi.
Nếu nhìn từ ngoài, cũng rất khó lý giải tại sao tôi lại yêu kính Ông đến như vậy. Chuyện này chỉ gần đây tôi mới có được đáp án rõ ràng: tâm hồn Nga.
Mẹ tôi, Cậu tôi, tôi, và các Em, tất cả đều thừa kế tâm hồn Nga không lẫn vào đâu được từ Ông. Nói thì đồng bào phiền trách chứ người Việt không thể nào có được những phẩm chất và tính cách ấy: trung thực, thẳng thắn, khí khái, can đảm, Nam tính, vô cùng tình cảm, vô cùng lãng mạn, vô cùng cuồng nhiệt với tình yêu của mình, tấm lòng dạt dào đến mức đôi lúc hơi ngây thơ để rồi bị lợi dụng. Những Ngọc Ảnh của Ông tôi thừa kế chúng một cách rất tự nhiên, chẳng ai dạy. Người Việt có thể là đồng bào, nhưng người Nga mới là đồng tâm, đồng điệu.
Ông tôi thực ra bẩm sinh khác người, tuy nhiên không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của văn hóa Nga, của người Nga, của chính Thi Hào Pushkin lên ông, bao trùm lấy Ông suốt cuộc đời. Để rồi tâm hồn Nga ấy được truyền lại, khiến cuộc đời con cháu Ông thay đổi.
Đúng, tôi đã yêu nước Nga như vậy, và tôi đã yêu ngôn ngữ Nga đến như vậy dù cho đến bây giờ vẫn chưa có cơ hội biết được một chữ nào. Ông tôi lưu danh mình trong ngành ngôn ngữ và văn học Nga, và để lại cả di sản ở bên đấy, đó là khởi nguyên của tình yêu ấy.
Chắc chắn rồi, tôi sẽ bằng cách này hay cách khác đuổi kịp, và vượt qua Ông. Đấy là vấn đề ơn nghĩa trên đời, khi anh hạnh phúc được thừa kế một di sản lớn, anh phải chịu trách nhiệm với nó, nỗ lực khiến nó vĩ đại hơn. Ý nghĩa cuộc sống, nằm ở đấy cả.